Là một trong những người chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30.4.1975, cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, với cương vị phụ tá Tổng tham mưu trưởng, được cho là đã tác động để Tổng thống Dương Văn Minh phát đi lời kêu gọi các binh sĩ miền Nam hạ vũ khí, tránh gây thêm cảnh máu đổ trong giờ khắc không thể đảo ngược của lịch sử.
Trao đổi với pv ông Nguyễn Hữu Hạnh (phải) nói: “Miền Bắc lúc đó, hay là người miền Nam, chúng tôi cũng là người Việt Nam - Ảnh: Tấn Cư
Giờ đây ở tuổi 90, nhân vật mà những mối liên hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chỉ được tiết lộ về sau, vẫn còn ưu tư với quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc cùng những thách thức về chủ quyền mà một đất nước Việt Nam thống nhất hiện đối mặt.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ tại Ấp Me, thị trấn Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang, gần với nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (cũ), vị nhân sĩ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngần ngại chia sẻ về những điều đã thôi thúc ông chọn cho mình một tâm thế hòa hợp xuyên suốt trong những ngày tháng đầy biến động của thời cuộc.
|
Lòng tự hào dân tộc
Đó là câu nói mà ông Nguyễn Hữu Hạnh đã lặp lại nhiều lần trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi. Kể lại chuyện ông Dương Văn Minh, người mà ông xem là thầy, đã từ chối ném bom miền Bắc theo yêu cầu của Mỹ, ông Nguyễn Hữu Hạnh nói: “Người ta yêu cầu ổng bỏ bom miền Bắc, ổng không chịu bỏ, người ta yêu cầu ổng phá đê sông Hồng, ổng nói cái này là inhumain, theo tiếng Pháp là vô nhân đạo".
“Miền Bắc lúc đó, hay là người miền Nam, chúng tôi cũng là người Việt Nam. Chúng tôi phải làm thế nào cho hợp với tư tưởng của người Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Hạnh lý giải.
Sau 38 năm sau ngày thống nhất, ông Nguyễn Hữu Hạnh thổ lộ rằng trong mỗi con người mang trong mình dòng máu Việt Nam, vẫn còn một thứ để gắn kết họ lại với nhau theo lẽ tự nhiên, đó là lòng tự hào dân tộc.
“Mỗi một con người họ có ý kiến riêng của họ, mình cũng khó kéo họ trở về theo ý kiến của mình. Nhưng hòa hợp dân tộc rất cần cho đất nước Việt Nam. Bởi vì thực sự một số người anh em của chúng tôi mà đi qua bên Mỹ, họ vẫn còn nghĩ đến nước Việt Nam mặc dầu họ không nói ra song họ vẫn còn nghĩ. Trong thâm tâm của họ, họ vẫn còn nghĩ rằng mình là nước của ngàn năm văn hiến. Khi nào họ còn nghĩ những cái này, thì cái hòa hợp dân tộc ở trong lòng họ vẫn còn, mặc dầu họ không nói ra”, ông Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ.
Nhân vật từng góp mặt trong nhiều biến cố của dân tộc vào thế kỷ 20 cho rằng chính chiều dài lịch sử từ thuở xa xưa ấy là một trong những thành trì giúp đất nước Việt Nam trường tồn trước nhiều hiểm họa xâm lăng.
Phải giữ nền văn hiến của mình
Nhắc đến những người lính miền Nam đã tử trận trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, ông Nguyễn Hữu Hạnh nói: “Những người ngã xuống là người Việt Nam, họ làm bổn phận của họ. Họ làm đúng bổn phận của họ… Tôi không nghĩ là họ theo ai cả. Họ chết vì nhiệm vụ của họ tại đó. Người Việt Nam mình nói vậy chớ tinh thần dân tộc vẫn có nhiều”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, từ xưa đến nay Trung Quốc luôn muốn xâm chiếm Việt Nam nhưng bất thành, “bởi vì hàng ngàn năm văn hiến vẫn còn ở trong đầu người Việt Nam… Người ta chỉ nghĩ tới hàng ngàn năm văn hiến của người Việt Nam, nên Việt Nam vẫn còn tồn tại, không bị lệ thuộc” vào Trung Quốc.
Ông cũng không quên cảnh báo về những thách thức đối với chủ quyền của Việt Nam hiện nay: “Theo tôi thì như thế này, thế giới hiện nay không thể nào một nước đứng trung lập được… Cả những nước mạnh cũng muốn có đồng minh. Mình nước nhỏ cũng phải có, cái đó là tự nhiên. Có một điều tôi nghĩ như thế này, Mỹ ở xa cách phân nửa trái đất, Mỹ không thể nào đồng hóa ở Việt Nam được. Còn cái anh Trung Quốc ở gần thì có thể ảnh biến mình thành một huyện được. Ảnh muốn như vậy chứ không phải không đâu, từ hồi thời nhà Tống đến bây giờ chớ không phải mới đây. Nhưng mà con người Việt Nam, với hàng ngàn năm văn hiến, cái bề dày văn hiến nó ở trong đầu của nhiều người… Là Việt Nam của chúng tôi có được hàng ngàn năm rồi, chứ không phải mới đây, thì chúng tôi phải giữ nền văn hiến của mình. Việt Nam mình tồn tại được cũng nhờ cái đó”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh
Ông Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924, tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Năm 1946, ông gia nhập quân đội Pháp dưới quyền thiếu úy Dương Văn Minh, người sau này trở thành tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Trong cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, ông đã ủng hộ ông Dương Văn Minh.
Vào năm 1970, thông qua người bác họ là Nguyễn Tấn Thành, ông Nguyễn Hữu Hạnh trở thành cơ sở của Ban binh vận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trong cùng năm, ông được thăng làm chuẩn tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vào ngày 29.4.1975, ông được ông Dương Văn Minh phân công giữ chức phụ tá Tổng tham mưu trưởng cho trung tướng Vĩnh Lộc, người đã đào nhiệm sau đó. Với cương vị này, ông cùng với ông Dương Văn Minh đã phát đi lời kêu gọi các binh sĩ miền Nam buông súng vào sáng ngày 30.4.1975. Cũng chính ông cùng với tướng Nguyễn Hữu Có đã có mặt cùng ông Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập trong giờ phút cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Tháng 6.1975, ông được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng huân chương Thành Đồng. Sau năm 1975, ông tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách nhân sĩ yêu nước cho đến nay. |