Tới thăm Trung đoàn Thủ đô (Sư đoàn 308 anh hùng) vào một ngày giữa tháng 3, đúng vào thời điểm toàn quân đang trong không khí thi đua sôi nổi huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một cơ ngơi bề thế ở nơi đây. Những năm qua, bên cạnh việc xây dựng củng cố cơ sở vật chất thì việc tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống cho bộ đội luôn được quan tâm.
Đưa chúng tôi đi thăm khu tăng gia tập trung của đơn vị, Thiếu tá Hoàng Phú Cường, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn hồ hởi giới thiệu: Là trung đoàn bộ binh cơ giới đủ quân số nhưng khu tăng gia này luôn đáp ứng cung cấp đủ từ rau xanh đến các loại cây gia vị. Ngay cả những vườn hoa của trung đoàn cũng được lấy giống từ vườn ươm của khu tăng gia.
Các chiến sĩ mới tham gia tăng gia sản xuất |
Nhìn màu xanh mướt của những vườn rau xanh, củ, quả, áo cá…, chúng tôi biết đó là thành quả hàng vạn giờ công lao động với bao mồ hồi, công sức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ nơi đây tạo dựng lên. Toàn khu tăng gia có diện tích tới 14 ha, được phân chia khoa học: Có khu thả cá, trồng rau, khu vườn giàn và chăn nuôi… Thiếu tá Hoàng Phú Cường cho biết, ao thả cá đủ cung cấp cho 2.000 người/năm; Gà đẻ Ai Cập mỗi ngày cho từ 6.000-7.000 trứng; trong chuồng có 800 đầu lợn, đảm bảo bình quân 2 người/đầu lợn, chưa kể 100 con lợn nái cung cấp giống; gà thịt thương phẩm, rau xanh củ quả… đủ cung cấp cho bộ đội quanh năm. Ngoài ra, đơn vị còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi các loài đặc sản đang được thị trường tiêu thụ mạnh như cá sấu, đà điểu… để kinh doanh.
Song ấn tượng nhất với chúng tôi là không khí luyện tập đầy quyết tâm của những chiến sĩ mới trên thao trường, dưới sự hướng dẫn nghiêm khắc, tận tình đến từng thao tác của cán bộ, sĩ quan. Các chiến sĩ mới sau thời gian đầu bỡ ngỡ đã dần hòa nhập với nếp sinh hoạt, luyện tập trong môi trường quân đội. Mỗi động tác huấn luyện, dù nhỏ nhặt nhất, cũng đều được hướng dẫn tỷ mỷ, làm đi làm lại nhiều lần đến túa mồ hôi. Công tác huấn luyện ở đây luôn được đề cao, chú trọng và chính vì vậy, Trung đoàn Thủ đô (nay là Trung đoàn 102) là đơn vị năm 2012 được Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi. Năm 2013, với mục tiêu giữ vững phong trào thi đua quyết thắng, trong công tác huấn luyện, trong đó có huấn luyện chiến sĩ mới được Trung đoàn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Chăm sóc vườn hoa của đơn vị |
Ngay từ đầu năm 2013, Đảng uỷ Trung đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị huấn luyện chiến sỹ mới làm tốt mọi công tác chuẩn bị như: Xây dựng kế hoạch, chương trình, thời gian huấn luyện, chuẩn bị giáo án, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập. Đặc biệt, trước khi bước vào huấn luyện đơn vị tổ chức bồi dưỡng cho khung huấn luyện chiến sĩ mới là những cán bộ trực tiếp huấn luyện và điều hành huấn luyện; Đảm bảo tốt nơi ăn ở đón nhận tân binh. Cùng với đó, cán bộ Trung đoàn cùng cấp trên trực tiếp về các địa phương nơi nhận quân để hiệp đồng tuyển quân, đảm bảo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả.
Trung tá Lê Văn Phan – Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn Thủ đô cho biết, công tác chuẩn bị bài bản và kỹ như vậy, nên ngay khi chiến sĩ mới bước chân vào quân ngũ được tổ chức huấn luyện theo đúng nội dung chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng quy định. Chiến sĩ mới sẽ trải qua gian đoạn huấn luyện 3 tháng với các nội dung: huấn luyện điều lệnh, bắn súng, công sự, ngụy trang, lựu đạn, thuốc nổ… Kết thúc chương trình huấn luyện có kiểm tra, trọng tâm vào nội dung bắn súng AK, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ bài 1…
Trong quá trình huấn luyện tân binh, các cấp từ đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn hàng ngày, hàng tuần đều có hội thao đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm, qua đó phát hiện những hạn chế, thiếu sót để có hướng điều chỉnh, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện. Qua kiểm tra của các cấp quân đoàn, sư đoàn, kể cả các cuộc phúc tra của Bộ Quốc phòng, kết quả kiểm tra huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn Thủ đô đều được đánh giá là “Đơn vị nề nếp, chế độ huấn luyện tốt”.
Huấn luyện điều lệnh , đội ngũ |
Chúng tôi được giới thiệu trò chuyện với Thượng úy Ngô Xuân Hưng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn Thủ đô) - một trong những tiểu đoàn trực tiếp huấn luyện chiến sĩ mới. Năm 2012, Thượng úy Ngô Xuân Hưng cùngđồng đội được Quân đoàn 1 công nhận là “Tiểu đoàn huấn luyện giỏi” và được xếp thứ nhì cấp quân đoàn. Riêng cá nhân Ngô Xuân Hưng được tặng danh hiệu cán bộ huấn luyện giỏi.
Vừa dẫn chúng tôi ra thao trường huấn luyện tân binh, Thượng úy Ngô Xuân Hưng cho biết: “Chúng tôi chú trọng giáo dục cho chiến sĩ mới về điều lệnh đội ngũ, những quy định, chế độ của quân đội. Đây là nội dung rất thiết thực đối với chiến sĩ mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn chiến sĩ nắm được nề nếp sinh hoạt trong quân đội, giáo dục chính trị, truyền thống của Trung đoàn Thủ đô – quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, Sư đoàn 308 anh hùng để chiến sĩ mới có sự hiểu biết và tự hào về truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo Thượng úy Ngô Xuân Hưng, thực tế công tác huấn luyện tân binh rất vất vả do chiến sĩ mới bước chân vào môi trường quân đội còn nhiều bỡ ngỡ. Để tân binh hòa nhập cũng phải mất thời gian nhất định mới. Vì vậy, yêu cầu nhiệm vụ của người cán bộ huấn luyện là phải truyền đạt, hướng dẫn, uốn nắn cho chiến sĩ mới tỷ mỷ từng động tác từ nhỏ nhặt nhất. Để đạt được hiệu quả trong huấn luyện, cả cán bộ và chiến sĩ đều phải tập trung toàn bộ tinh thần, sức lực và đổ bao giọt mồ hôi trên thao trường.
Phút thư giãn của Binh nhì Phạm Văn Thành và Đỗ Hữu Phú |
Binh nhì Đỗ Hữu Phú, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa (thuộc Trung đội 7, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8) tâm sự: “Những ngày đầu bước chân vào môi trường quân đội, em thấy nhiều bỡ ngỡ, khó khăn bởi giờ giấc kỷ luật của quân đội rất nghiêm như giờ giấc khi ngủ dậy, huấn luyện, tăng gia sản xuất, ăn cơm, đi ngủ đúng giờ. Thế nhưng được sự động viên, chỉ bảo của cán bộ đơn vị nên em dần cũng đã quen với điều lệ, chế độ của đơn vị. Giờ đây, em nhận thấy môi trường quân đội đã rèn cho mình tính độc lập và mạnh mẽ hơn. Em xác định tương lai sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê sẽ theo đuổi ước mơ học nghề sửa chữa điện thoại để lo cuộc sống bản thân”.
Còn Binh nhì Phan Văn Thành, quê Kim Bảng, Hà Nam cho biết: “Bước chân vào quân đội, được giáo dục, học tập về truyền thống của Trung đoàn, sư đoàn, em thấy vô cùng tự hào và vinh dự trở thành một người chiến sĩ của một đơn vị có bề dày lịch sử gắn bó với Thủ đô ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến”. Phan Văn Thành cho biết sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một chiến sĩ giỏi và trong tương lai mơ ước được phục vụ lâu dài trong quân đội./.