Sáng 14/3, tại Đà Nẵng, chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” diễn ra đúng dịp kỷ niệm 25 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2013). Chương trình do Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố tổ chức.
Chương trình đặc biệt có sự tham dự của các cựu binh Trường Sa, thân nhân của các liệt sĩ ở Đà Nẵng đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Phút mặc niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma
“Hãy để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc!”
“Không được lùi bước, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Đó là lời thề sắt đá của thiếu úy Trần Văn Phương, người trực tiếp chỉ huy và đã anh dũng hy sinh giữa “vòng tròn bất tử” của những chiến sĩ bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Ngày 14/3 này, 25 năm trước, đã có 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân ta hy sinh anh dũng ở Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo của ViệtNam. 25 năm sau, trong ký ức của anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh, người đã anh dũng đối đầu với đối phương, lời thề sắt đá của người chỉ huy trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma vẫn khắc ghi.
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kể lại: “Sáng 14/3/1988, khi tôi đang cùng đồng đội chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo chuẩn bị xây nhà, thì tàu chiến của Trung Quốc đến bao vây, uy hiếp. Khi địch đổ quân xuống đảo, vây ép, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, dồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo lệnh: “Đồng chí nào biết bơi, bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Tôi cùng các anh em nhảy ngay xuống biển, bơi về phía đảo.
Anh hùng Nguyễn Văn lanh (bìa trái) kể lại trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 hết sức sống động
Khi địch đến giành cờ, chúng tôi kiên quyết giữ lại. Đồng chí chỉ huy Trần Văn Phương bị địch bắn. Chúng tôi nhớ như in lời của chỉ huy Phương khi anh hô to: “Không được lùi bước, phải để máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc…”. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lá cờ Tổ quốc, đó là biểu tượng của Tổ quốc. Khi thấy một tên sĩ quan địch dùng súng ngắn định bắn, tôi gạt khẩu súng trên tay hắn. Cùng lúc, một tên lính khác của địch dùng lưỡi lê đâm vào tôi, lại thêm một loạt đạn trúng bả vai, tôi ngã nhào xuống. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình được đồng đội dìu đặt nằm trên một tấm ván. Tình anh em đồng đội đồng chí trong tôi khi ấy thật thấm thía, thiêng liêng…”.
Giữa buổi giao lưu, anh hùng Nguyễn Văn Lanh bất ngờ được gặp lại cựu binh Lê Hữu Thảo, người đã cùng anh Lanh những đồng đội khác đấu tranh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 ấy. Một cuộc hạnh ngộ của những cựu binh Trường Sa.
Khoảnh khắc khó quên trong cuộc hạnh ngộ của anh Nguyễn Văn Lanh và anh Lê Hữu Thảo, những người đồng đội đã sát cánh cùng nhâu trong trận Hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 sau 25 năm
Anh Thảo cũng là một nhân chứng sống trong sự kiện hải chiến Trường Sa 1988. Anh kể: “Tôi là lính dưới sự chí huy trực tiếp của thiếu úy Trần Văn Phương, nhận nhiệm vụ bảo vệ đảo, bảo vệ cờ Tổ quốc, với tinh thần hòa bình. Khi lính của đối phương đổ bộ vào, đôi bên giằng co quyết liệt. Tình hình rất căng thẳng. Trong chớp mắt, địch nổ súng hàng loạt. Chỉ huy Phương hy sinh, đồng đội tôi hy sinh gần hết. Thủy triều lên, tôi ngã người trên biển, rồi lặn sâu xuống biển trong làn mưa đạn. Khi địch rút khỏi đảo, tôi cùng các đồng chí còn lại vớt những đồng chí đã hy sinh và bị thương nặng. Trong đó có anh Phương, lúc này đã hy sinh, và anh Lanh, đang bị thương rất nặng…”.
Những cựu binh mong mỏi qua chương trình này sẽ liên lạc, kết nối được với nhiều đồng đội ở Trường Sa năm xưa, cùng nhau thăm lại gia đình những đồng đội đã hy sinh. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh mơ ước: “Do bị thương nặng, sức khỏe không đảm bảo để đi tàu ra đảo, nên 25 năm nay, tôi chưa từng được trở lại Trường Sa. Nhưng tôi vẫn mơ ước một lần được trở lại, thả vòng hoa tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh ngày ấy”.
“Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng”
Đáp lại câu hỏi của đại diện các bạn đoàn viên thanh niên tham gia buổi giao lưu, rằng động lực nào khiến anh đã có hành động anh hùng khi đối mặt với địch quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc tới cùng, anh hùng Nguyễn Văn Lanh khẳng khái: “Tôi nghĩ bất kể là ai, đã mang dòng máu của người Việt trong mình, đều yêu Tổ quốc Việt Nam, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”.
Cựu binh Lê Hữu Thảo cũng tiếp lời: “Đã là quân nhân, là người con của Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đảo, coi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng”.
Hàng trăm người có mặt tại buổi giao lưu xúc động trước hình ảnh của mẹ Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự, một trong 64 cán bộ chiến sĩ ta đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, khoác lên mình tấm áo quân phục hải quân, kỷ vật của liệt sĩ Sự được gửi về đến gia đình sau khi anh hy sinh. mẹ Muộn cũng không kiềm được xúc động khi nhắc đến con trai: “Con hy sinh ở ngoài đảo xa khi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Gia đình tự hào về con”.
Cùng cới các cựu binh Trường Sa, thân nhân 9 liệt sĩ có quê quán ở Đà Nẵng đã hy sinh ngày 14/3/1988 ở Trường Sa cũng có mặt tại buổi giao lưu (trong ảnh là mẹ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự - ông lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh và mẹ Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế)
Hình ảnh xúc động của mẹ Lê Thị Muộn khi mẹ khoác lên mình tấm quân phục hải quân, kỷ vật của con trai mẹ, liệt sĩ Phan Văn Sự
Mẹ Trần Thị Huệ, mẹ liệt sĩ Lê Thế cũng ngân ngấn đôi dòng lệ nhớ con
Anh hùng Nguyễn Văn lanh cúi mình hôn mẹ Muộn
Nói chuyện với các đoàn viên thanh niên tham gia buổi giao lưu, Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó Chỉ huy về chính trị của Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Đối với nhiệm vụ xây dựng đảo có những khó khăn như sóng to gió lớn, rất khó cho tàu vận chuyển nguyên vật liệu đi xây dựng trên đảo. Nước ngọt dùng cho sinh hoạt, xây dựng ở đảo cũng quý hơn vàng. Anh em chia nhau, chắt chiu từng giọt nước… Những chúng tôi luôn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tôi muốn nói với các bạn trẻ hôm nay hãy luôn phấn đấu để đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước; và sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào của Tổ quốc. Đồng thời, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng”.
Các đoàn viên thanh niên chăm chú lắng nghe từng câu chuyện trong suốt buổi giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu"
Hàng trăm đoàn viên thanh niên có mặt tại buổi giao lưu đã xem qua những thước phim tư liệu quý giá về Trường Sa, đã được nghe những nhân chứng sống kể lại trấn chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 1988. Ngày ấy, nhiều bạn trẻ bây giờ chưa ra đời, hay còn rất nhỏ. Ngày ấy, nhiều cán bộ chiến sĩ Hải quân ta đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và mãi mãi tuổi thanh xuân.
Chia sẻ với PV Dân trí, bạn Trương Thị Ngọc Phương, chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành đoàn Đà Nẵng nói: “Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc. Nhất là hôm nay, khi được nghe được thấy thế hệ đi trước đã anh dũng kiên cường bảo vệ biển đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Với bản thân, tôi nguyện luôn phấn đấu, mong đóng góp một phần công sức của mình, dù là nhỏ bé, để góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Khánh Hiền