Bước chân trần của ông đã lang thang đến 40 buôn làng để đem hết thảy vốn liếng về cồng chiêng học từ thuở bé “đánh thức”, truyền dạy cho lớp trẻ, trên chặng đường ấy ông chỉ mong một điều: tiếng chiêng mãi trường tồn cùng thời gian.
Nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm.
“Say” cồng chiêng từ thuở chăn trâu
Di sản văn hóa của các thế hệ người Tây Nguyên vô cùng phong phú, nhưng nổi bật nhất vẫn là sử thi (tức trường ca hoặc anh hùng ca) và cồng chiêng. Năm 2005, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” của Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Sự kiện trọng đại này đã đưa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản chung của nhân loại. Giá trị nổi bật của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là chứa đựng những giá trị mang tầm kiệt tác của nhân loại, chủ nhân không ai khác là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Sinh ra trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc, từ thuở nhỏ khi đang còn chăn trâu, cậu bé Y Hiu Niê K’dăm (SN 1955, buôn M’Duk, nay thuộc TP. Buôn Ma Thuột) đã sớm tiếp xúc với cồng chiêng qua các nghi thức lễ hội ở trong buôn làng. Tiếng cồng chiêng đầy lôi cuốn phát ra từ đôi tay tài hoa của các bậc cao niên, già làng ngày ngày cứ “đập” vào đôi tai của Y Hiu Niê K’dăm. Chính điều đã đưa Y Hiu Niê K’dăm sớm đến với cồng chiêng mà không hề hay biết. Không hề được bất kỳ ai truyền dạy, đó cũng chính là đặc điểm chung của các nghệ nhân đánh chiêng ở Tây Nguyên xưa, nhưng khi đã bị hút hồn bởi tiếng chiêng - một cảm xúc rạo rực khó tả, Y Hiu Niê K’dăm đã lân la tiếp cận các bậc già làng, một mình mon men đi đến các lễ hội hay đình đám trong vùng (lễ thổi tai em bé, ăn cơm mới, cúng bến nước, lễ bỏ mã…) đến nỗi quên cả ăn, ngủ, công việc… để vụng về bắt chước đánh theo.
Không lâu sau khi tiếp cận cồng chiêng, bằng đôi tai thẩm âm tinh tế và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm, cậu bé Y Hiu Niê K’dăm đã sớm vận dụng thành thạo các tiết tấu đánh chiêng không hề thua kém một nghệ nhân thực thụ nào. Chính vì vậy, Y Hiu Niê K’dăm được xem như là một hiện tượng đặc biệt ở trong buôn làng mình. Thời điểm đó, đội cồng chiêng ở buôn M’Duk nơi ông sinh ra là nơi hội tụ của những người đánh chiêng lão luyện của buôn làng, những người này phần lớn có tuổi đời từ 30 đến 40 tuổi, khả năng đánh chiêng đã đạt đến độ “chín” nhất trong đời, nhưng Y Hiu Niê K’dăm khi đó mới chỉ có 8 tuổi đã lọt vào đội chiêng này. Nhìn cậu bé tuổi đời còn rất trẻ lại say sưa với chiếc chiêng đang cầm trên tay giữa một đội chiêng toàn những người lớn tuổi, nhưng khả năng thể hiện không hề thua kém khiến nhiều người chứng kiến vào thời điểm đó cứ trầm trồ không tiếc lời để ngợi khen tài năng của cậu bé. Cứ thế, tiếng chiêng ăn sâu vào trong tâm khảm, theo ông cho đến ngày nay.
Người “thầy” đặc biệt của hơn 500 học trò
Mang trong mình một mong ước đơn giản là mong tiếng chiêng của đồng bào mãi được ngân vang giữa đại ngàn, sống mãi với thời gian, hơn 10 năm qua, Y Hiu Niê K’dăm đã lang thang đi đến khoảng 40 buôn làng để truyền dạy cách đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Kết quả đáng mừng là đến nay đã có hàng chục đội chiêng trẻ ở khắp các buôn làng người Ê-đê ở TP. Buôn Ma Thuột được bàn tay Y Hiu Niê nhào nặn cho ra đời. Y Hiu Niê K’dăm ước lượng đã có hơn 500 học trò tuổi đời từ 8 đến 18 tuổi được ông đào tạo thành thục kỹ năng đánh chiêng Kram (tức chiêng tre). Các học trò của Y Hiu Niê K’dăm sau khi vận dụng thông thạo chiêng Kram, khi chuyển sang đánh chiêng đồng sẽ dễ dàng phối hợp một cách đồng điệu mà không hề gặp bất kỳ một sự cố nào - đây là phương pháp đào tạo của Y Hiu Niê K’dăm. Và cũng hơn 10 năm tham gia dạy chiêng, ông không hề lấy tiền của bất kỳ ai, của một học trò nào. Y Hiu Niê K’dăm được phong nghệ nhân dân gian Việt Nam ở lĩnh vực: thực hành và truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng; được tặng một Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian.
Đội chiêng trẻ do nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm dạy, giành Huy chương vàng.
Theo nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm, cần ít nhất khoảng 30 ngày có thể hình thành về cơ bản một đội chiêng trẻ. Tuy nhiên, ông nói cái khó của người nghệ nhân khi dạy chiêng Kram (chiêng tre của người Ê-đê) cho lớp trẻ là áp lực về mặt thời gian, phương pháp truyền dạy. Áp lực mà Y Hiu Niê K’dăm nói đến đó là phải đào tạo được một đội chiêng trẻ trong thời gian ngắn nhất nhưng phải có chất lượng cao nhất, người dạy phải kiêm được nhiều “khâu”, biết đánh chiêng ở nhiều vị trí khác nhau. Ông lấy ví dụ là một đội chiêng Kram có 7 người, người nghệ nhân khi dạy phải giỏi được cả 7 vị trí. Nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm - nói - để làm được điều này là không hề đơn giản. Nếu không đáp ứng được buộc lòng phải cần đến 7 nghệ nhân để kèm cho 7 học viên theo cách thức “một đối một”. Tuy nhiên, một thực tế là số nghệ nhân dạy chiêng hiện nay tại Đắk Lắk quả thực không nhiều, và thực tế cũng không có nhiều người có được đam mê dạy chiêng cho lớp trẻ. Thêm nữa, ở lớp trẻ đồng bào Tây Nguyên hiện nay, không chỉ đơn giản hóa các quan niệm về cồng chiêng, mà khả năng tiếp thu để diễn tấu chiêng cũng hạn chế. Chính vì vậy, dù ngót nghét có hơn một thập kỷ dạy chiêng, tuy nhiên, đến bây giờ nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm vẫn không thôi nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy chiêng hiệu quả nhất.
Tham gia dạy chiêng bằng cả niềm đam mê, không tiếc công sức dìu dắt lớp trẻ, nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm đã sớm có được niềm vui cùng học trò. Năm 2004, tại Liên hoan Nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ và dệt thổ cẩm, tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2, đoàn diễn chiêng của Y Hiu Niê K’dăm đã giành Huy chương vàng.
Nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm tâm sự bao năm nay ông luôn trăn trở rằng, để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là cần có được những lớp trẻ kế cận nối tiếp các lớp tiền nhân, bảo tồn cồng chiêng là phải “đánh thức”, “khơi dậy” lớp trẻ chứ không phải là “cất ở trong kho”. Thêm nữa, các nghệ nhân ở Tây Nguyên cần phải đem đam mê, hiểu biết chỉ dạy khi còn có thể để giữ được tiếng chiêng của cha, ông, của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.