Ngày 17/2 (tức ngày 8 âm lịch Tết Quý Tỵ), tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức dâng hương nhân kỷ niệm 673 năm ngày mất Công chúa Huyền Trân, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trong 2 ngày 17-18/2 tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (151 Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế).
Dâng hương tưởng niệm Công chúa Huyền Trân năm 2010. Nguồn: dantri.com.vn.
Sau lễ dâng hương đã diễn ra các hoạt động văn hóa như: chơi cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, thư pháp, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh thiếu nhi, thi cắm hoa... Lễ hội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Văn hóa Du lịch Đất Việt tổ chức, thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử và nhân dân quanh vùng đến tham dự.
Nằm trên tuyến du lịch phía Tây Nam thành phố Huế, Trung tâm Văn hoá Huyền Trân là điểm du lịch văn hoá tâm linh, luôn thu hút đông đảo khách du lịch và nhân dân quanh vùng đến lễ đền đầu Xuân. Bên cạnh đi lễ đền Huyền Trân, việc du xuân, vãn cảnh, tưởng nhớ tiền nhân là nét đẹp văn hoá của người dân cố đô mỗi dịp đầu Xuân.
Năm nay, thời tiết đẹp, nên từ ngày từ mồng 2 Tết đến nay, Trung tâm văn hoá Huyền Trân bình quân mỗi ngày đón khoảng 2.000 - 2.500 lượt khách. Trong đó, có rất nhiều du khách đến từ Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và khách nước ngoài.
Huyền Trân Công chúa là người có công trong việc mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa - Phú Xuân xưa và Thừa Thiên - Huế ngày nay cũng khai sinh từ đó, đến nay đã trải qua hơn 700 năm. Hàng năm cứ vào mồng 9 tháng Giêng Âm lịch, lễ hội lại được tổ chức ở Huế nhân ngày mất của Huyền Trân Công chúa.
Đền nằm trong khuôn viên rộng 28ha, dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây), thành phố Huế. Đây là khu vực có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp, không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hóa mang tính tâm linh, về nguồn.
Tiếp theo đền thờ Huyền Trân là đền thờ vua cha Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lên đỉnh núi Ngũ Phong, có thể dễ dàng nhận thấy tháp chuông Hòa bình cao 7m, nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét; thân chuông có khắc các hình ảnh tượng trưng của bốn chùa gồm Giác Lâm (TP. Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (Huế), Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh).
Đến đây du khách vừa tham quan vãn cảnh khu đền Huyền Trân, viếng và thắp hương tại tượng đài Di Lặc, leo lên đỉnh Ngũ Phong cao 108 mét thỉnh chuông hòa bình cầu quốc thái dân an; hoặc có những phút tĩnh lặng thiền tâm tại thiền viện Hương Vân; dâng nén hương tưởng nhớ Huyền Trân công chúa, đức vua phật hoàng Trần Nhân Tông - những bậc tiền nhân có công lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước. Tất cả đã tạo nên một không gian rất đặc biệt, hướng du khách về với cội nguồn, về với lịch sử hào hùng của dân tộc.