Nhắc đến Tô Hoài hầu như ai cũng biết bởi tên tuổi của ông đã gắn liền với những tác phẩm văn học nổi tiếng như "Dế Mèn phiêu lưu ký" (1941); "Truyện Tây Bắc" (1953); "Miền Tây" (1967)…. Và ông cũng thuộc số ít những nhà văn nổi tiếng của thời kỳ tiền Cách mạng (trước năm 1945) còn lại cho đến ngày nay. Song nói đến Tô Hoài người ta cũng không thể không nói đến những tác phẩm văn chương mang đậm dấu ấn Hà Nội của ông. Hà Nội trong những trang viết của Tô Hoài hiện lên rất bình dị, mộc mạc và gần gũi nhưng không vì thế mà mất đi nét hào hoa, lãng tử và dí dỏm vốn có của một nhà văn gốc người Hà Nội.
Nhà văn Tô Hoài sinh ra và sống gắn bó cả cuộc đời với Hà Nội. Ngay cái bút danh "Tô Hoài" của ông cũng được đặt bằng cách ghép hai chữ đầu của hai địa danh nổi tiếng ở Hà Nội là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Chính vì vậy mà cũng thật dễ hiểu khi trong gia tài gần 200 tác phẩm của nhà văn Tô Hoài người ta thấy có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về Hà Nội hoặc liên quan đến Hà Nội như "Chuyện cũ Hà Nội", "Nhà nghèo", "Giăng thề", "Người ven thành", "Quê người", "Mười năm", "Quê nhà"…
Dưới ngòi bút của Tô Hoài, những tác phẩm này đã khắc họa một cách chân thực và sinh động cuộc sống, diện mạo của người Hà Nội qua nhiều giai đoạn, khung cảnh, cũng như những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nói về khu phố cổ Hà Nội, nhà văn Tô Hoài từng tâm sự: “Nhà cửa có thể khác tí chút, có tân trang hơn hoặc nâng thêm tầng, nhưng đường phố vẫn vậy, nên phố phường về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Ngày xưa thế nào thì bây giờ vẫn thế. Tôi có thể nhắm mắt đi đến khu phố nào cũng được. Vỉa hè vẫn là vỉa hè cũ. Ở các phố Ngô Quyền, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, hay Nguyễn Xí, Đinh Lễ… đầu vỉa hè còn bọc đá xanh. Đấy là vỉa hè xưa, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Đá bọc vỉa hè là đá lấy từ núi Thầy, núi Trầm. Lý do dùng đá ốp vỉa hè vì dạo ấy ta chưa có lắm xi-măng. Đi trên đường phố Hà Nội, tôi thấy quen thuộc vô cùng. Cả hệ thống cống ngầm bên dưới cũng thế, cũng là hệ thống cũ. Ta còn thấy những nắp cống tròn còn nguyên cả dòng chữ “Marseille”.
Đó là nắp cống đúc từ bên Pháp, rồi mang sang bán ở ta. Hồi bấy giờ, ở phố Quán Thánh, ngay cạnh đền Quán Thánh bây giờ, Pháp có mở Công ty Sacric. Đấy là công ty gạch ngói Đông Dương. Khu sản xuất khá rộng, đến mấy ngàn mét vuông. Đất sét đóng gạch lấy ở Quán La, bên kia Tây Hồ, rồi dùng thuyền chuyên chở sang. Thuyền bè bấy giờ tấp nập lắm. Hồ Tây trước đây rộng lắm. Ngút ngát cả một vùng trời nước. Xung quanh hồ, um tùm cây lá rậm rạp. Ven bờ, người ta còn thả nhiều sen lắm”. Những kí ức về Hà Nội dường như bao giờ cũng ngồn ngộn, đầy ắp, tường tận, rõ ràng và tồn tại mãi mãi trong trí nhớ của nhà văn Tô Hoài. Chẳng thế mà với Hà Nội, ông có thể “nhắm mắt đi đến bất cứ khu phố nào cũng được”.
Hà Nội gắn liền với cuộc sống của Tô Hoài như hơi thở phải đi liền với sự sống, vì thế mà ông có những cách nhìn người Hà Nội hết sức độc đáo. Ông từng nói rằng: "Người Hà Nội có nét hào hoa phong nhã, nhưng đấy là tinh hoa của nhiều vùng đất tạo nên. Dân Hà Nội là dân tứ chiếng. Vì thế, ở Hà Nội tuyệt nhiên không có chuyện cục bộ địa phương. Tôi cho đó cũng là một nét rất hay của Hà Nội”. Nói về nhà văn Tô Hoài, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đã từng nhận xét như sau: “Óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ đã giúp cho Tô Hoài nhớ và ghi được nhiều chi tiết về cuộc sống ở Hà Nội. Xét về thời gian lịch sử, ta thấy Hà Nội đã được Tô Hoài theo dõi liên tục, từ khi Pháp mới sang cho tới những năm 30, 40 và kết thúc bằng Cách mạng tháng Tám…”.
Và nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng từng nói rằng: “Dân viết văn, viết báo là người Thủ đô không phải là ít, nhưng có lẽ chỉ có Tô Hoài là mang được cái chất riêng của vùng đất mà mình đã từ đó trưởng thành. Và ông đã giữ được cái chất đó trong suốt cuộc đời cầm bút”. Hiện nay, ở tuổi ngoài 90, lão nhà văn Tô Hoài lui về sống vui vầy cùng con cháu tại một ngôi nhà nhỏ nằm trong khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tiếng là lui về nghỉ nhưng xem ra ông vẫn còn ham viết lắm.
Nghe nói, ông đang gấp rút hoàn thành tập truyện “Tuổi thơ tôi”, một tập truyện mà theo ông sẽ kể lại rất nhiều chuyện về Hà Nội của một thời đã xa nhưng lại rất thân quen với ông và đã theo ông trong suốt con đường văn nghiệp. Mới đây, vào ngày 1/9/2010, nhà văn Tô Hoài đã vinh dự đón nhận “Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội”, giải thưởng quan trọng nhất trong hệ thống giải của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”.
Đó không chỉ là niềm vui mà còn là phần thưởng xứng đáng dành cho nhà văn Tô Hoài, người đã cống hiến hết mình cho Hà Nội, cho Thủ đô yêu dấu. Nhà văn Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956 (Truyện “Tây Bắc”). Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 (Tiểu thuyết “Quê nhà”). Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 (Tiểu thuyết “Miền Tây”). Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (Đợt 1, năm 1996).
(Theo Bao anh VN/Vietnam+)