- Sống ở đảo chìm Trường Sa
- Ra mắt sách về Hoàng Sa, Trường Sa dành cho thiếu nhi
- Trường Sa lung linh giữa trùng khơi
An Bang, cái tên mà kể cả những người đi biển lâu năm nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán. Người đi biển vẫn thường truyền nhau câu nói: “Ruồi vàng- bọ chó – gió An Bang” để chỉ cái sóng, cái gió nơi đây. Ngay trước khi đến An Bang, cánh phóng viên đã được thông báo “An Bang dữ lắm”. Cũng chính vì thế mà chúng tôi gói gém đồ đạc cẩn thận hơn bao giờ hết và cũng không tránh khỏi việc toát mồ hôi khi bước lên chiếc xuồng chuyền tải.
Kéo xuồng vào đảo An Bang. |
Trường Sa đã là sóng và gió nhưng nếu chưa đặt chân lên tới đảo An Bang thì người ta sẽ không thể cảm nhận được sóng, gió ở quần đảo này khủng khiếp đến mức nào. Là một hòn đảo nổi nằm ở phía cực Nam của quần đảo, sóng gió ở An Bang khiến mỗi con thuyền cập bến nơi đây thực sự là một cuộc vượt ải đầy khó khăn. Việc đưa người và hàng hóa ra - vào đảo là một nhiệm vụ đòi hỏi sự hiệp đồng chính xác, nhuần nhuyễn.
Chính vì thế, không phải tự nhiên mà ở An Bang, các chiến sỹ ở đây lập hẳn ra một đội kéo xuồng để giúp những chuyến đi vào đây được an toàn.
Đã tới An Bang, chắc chắn sẽ gặp đội kéo xuồng này. Nhiều tên gọi đã được những phóng viên đặt chân tới đây sử dụng: đội cảm tử, đội phản ứng nhanh hay đội “ngự lâm”… nhưng dù với tên gọi nào thì cũng chẳng sai với công việc của họ. Giữ cho được xuồng khỏi lật, cập bến an toàn thì tính mạng của những người kéo xuồng cũng có thể bị đe dọa bởi những con sóng hung dữ, đánh liên tục ở An Bang.
Đội kéo xuồng của An Bang được tuyển chọn một cách rất kỹ càng và được huấn luyện một cách bài bản. Những chiến sỹ khỏe nhất, bơi giỏi nhất và nhanh nhẹn nhất được biên chế vào đội. Tuy nhiên nhiều khi sóng to, gió lớn cả đảo An Bang phải ra giúp xuồng cập bến an toàn.
Chiến sỹ Vũ Trường Sơn, người làm công việc hàng ngày là một pháo thủ DKZ tâm sự: “Hàng tháng chúng tôi được chỉ huy đơn vị tập luyện cho các phương án đón, bắt dây xuồng nên khi có xuồng vào là chúng tôi đều triển khai rất kịp thời và an toàn. Mỗi chuyến xuồng ra vào an toàn là chúng tôi lại có thêm niềm vui mặc dù công việc này có phần vất vả và nguy hiểm”.
Niềm vui của một chiến sỹ khi chiếc xuồng rời được đảo để trở về tàu. |
Chỉ là đón, bắt, đẩy và kéo nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng thật sự những việc làm của họ không phải dễ dàng. Để có thể thực hiện thuần thục, hiệp đồng giữa các thành viên, đội kéo xuồng phải thường xuyên tập luyện. Do đặc thù ở đây nên nhiệm vụ kéo xuồng cũng như mệnh lệnh chiến đấu.
Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, Phó chỉ huy trưởng Đảo An Bang chia sẻ: “An Bang là một đảo nổi song có điều kiện địa hình rất phức tạp, không giống như các đảo khác, việc cập xuồng lên, rời đảo không hề thuận lợi. Chính vì vậy, chỉ huy đảo đã thành lập một đội chuyên trách làm công tác kéo, đẩy xuồng khi ra vào đảo”.
Thiếu tá Nam còn kể lại cho chúng tôi một câu chuyện rất thú vị về đội chuyên trách này, trong một chuyến cuối tháng 12 vừa rồi, tàu HQ 641 làm công tác cấp hàng cho đảo. Khi tàu ra, do sóng đánh lên cao khiến xuồng không thể ra được mặc dù đảo đã huy động rất nhiều anh em chiến sỹ tham gia đẩy xuồng. Sau khi hội ý giữa tàu và đảo, trực tiếp thuyền trưởng HQ 641 chỉ huy xuồng vào kéo, ném dây còn thiếu tá Nam phải bơi ra ném và nối dây mồi vào xuồng kéo. Phải mất rất nhiều thời gian vật lộn với sóng dữ, xuồng mới có thể rời đảo an toàn.
Chiến sỹ đảo An Bang chuyển quà Tết. |
Đến An Bang trong chuyến hàng đưa quà Tết, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, phó Lữ đoàn Quân sự Lữ 146 phải thốt lên rằng, trong gần 30 năm đi biển, chưa bao giờ ông cập An Bang dễ như thế. Nói là dễ thôi nhưng chúng tôi, những người ít đi biển lại thấy khủng khiếp lắm. Tuy nhiên, khi gần cập bờ, cảm giác sợ hãi gần như biến mất. Thay vào đó, khi nhìn thấy những chiến sỹ phải gồng mình đối đầu với sóng khiến không ít người trong đoàn cảm động rơi nước mắt. Với họ mỗi chuyến ra, vào an toàn lại là một niềm vui và tất nhiên là kèm theo những tiếng hò reo vang cả góc trời của những người chiến sỹ ở An Bang.
Chút quà Tết mang theo hơi ấm đất liền, nét xuân trên cành đào mà tàu HQ 571 chuyển tới cũng được mang lên đảo. Nhưng ngay sau mỗi chuyến hàng cập bờ an toàn, lại là những cuộc chia tay. Những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ đưa xuồng chuyển tiếp ra tàu lớn để trở về đất liền.
Ở An Bang có một doi cát, sóng nước nơi đây làm cho doi cát này chạy quanh đảo trong vòng đúng một năm. Và ngày này năm sau, cũng chính tại nơi chúng tôi đã từng cập bờ An Bang, sẽ có những con người khác, cũng vượt sóng nước An Bang, mang không khí Tết tới với những người chiến sỹ hải quân nơi đây. Một lần nữa họ sẽ được chứng kiến sự gan dạ, dũng cảm của những người chiến sỹ An Bang./.