Nhưng hai, ba thập niên trở lại đây, thực tế phát triển và quá trình đô thị hóa với những dòng chuyển cư tấp nập, sự biến chuyển nội tại, trong đó có hệ quả từ mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như sự tiếp nhận văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa một cách dễ dãi đã tạo ảnh hưởng nhất định đến nếp sống, lối sống, lề lối ứng xử của người Hà Nội. Trong loạt bài "Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại", Hànộimới cố gắng phản ánh thực trạng, tìm nguyên nhân của những "được" và "chưa được" nhằm hướng đến giải pháp cho một vấn đề vừa quan trọng vừa cấp bách.
Bài 1: Khơi trong dòng chảy văn hóa
Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, xây dựng nền nếp ứng xử văn hóa, rõ trách nhiệm với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở một thành phố có quy mô dân số lớn như Hà Nội không dễ dù thành phố nghìn tuổi mang trong nó di sản đáng tự hào mà cha ông để lại, dù Thủ đô có nhiều điều kiện thuận lợi cho phần việc này.
|
Nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội cần được giữ gìn và phát huy từ thế hệ trẻ. Ảnh: Bá Hoạt |
"Người Thủ đô ta…"
Hà Nội, từ thuở định tên Thăng Long đến nay đã qua nghìn năm. Dặm dài lịch sử chung những thăng trầm với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc chứa đựng trong nó những gạn đục khơi trong dòng chảy văn hóa, liên tục dung nạp và thải loại giữa những biến đổi, chuyển tiếp để có một Hà Nội hôm nay.
Hoa thơm quả ngọt con người, đến mức như đã có lời khẳng định "có một tính cách Hà Nội" thì không dễ mà có ngay được, phải nhờ tích tụ, kết tinh qua nhiều đời, từ những bài học tam cương, ngũ thường tạo nền tảng luân lý, nền nếp gia phong, lề lối ứng xử đến tiếp nhận tri thức nhân loại, tinh hoa từ các vùng miền khác theo người tứ xứ đổ về Thăng Long - Hà Nội học hành, buôn bán, mở nghề. Quá trình đón nhận, chọn lọc và dung nạp, lan tỏa ấy diễn ra trong môi trường văn hóa giàu nội lực với bao danh nhân đa tài, đa nghệ. Đất ấy, môi trường ấy trao cơ hội cho những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Chu Văn An… phát triển tài năng. Đất thiêng, người giỏi, môi trường tốt, "người Thủ đô ta" không biết từ bao giờ nức tiếng thơm tho nhờ phẩm chất thanh lịch, văn minh.
Giờ đây, từ trong di sản và hành trang hiện đại, các học giả Việt Nam đã khái quát những điều tốt đẹp của người Hà Nội, những điều cơ bản hợp thành đặc trưng "thanh lịch, văn minh". Người ta dẫn giải, quy nạp từ nét ăn ở khuôn thước đến lề thói ứng xử văn hóa, lối giao tiếp lịch duyệt, từ đó định danh phẩm chất mà tựu trung lại, "người Hà Nội ta" có thể tự hào vì được công nhận là có lời ăn tiếng nói chuẩn mực, tài hoa, có lối ứng xử tự trọng, tinh tế, nhân ái…
Người thanh tiếng có còn thanh?
Quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế, ngoài cơ hội còn tiềm ẩn thách thức. Như với người Hà Nội kể từ gần ba thập niên qua đã rõ nét hiện đại hơn, nhưng trong sự chuyển biến ấy lấp ló sự suy giảm về văn hóa ứng xử, nét thanh lịch dường như không còn dễ thấy như trước nữa. Đã xuất hiện sự cảnh báo về lối sống "trên tiền", cách ứng xử xô bồ và sự xem nhẹ giá trị đạo đức của một bộ phận người dân, coi đó là hiểm họa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Sự thực thì ngay cả trong lúc khó khăn như hiện nay, người ta không dễ phủ nhận một thực tế là cư dân Hà Nội đã có bước chuyển mạnh theo hướng tiến bộ. Những cải cách về mặt chính sách vĩ mô đã tạo nền móng ngày một vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, nâng cao dân trí, quyền thụ hưởng văn hóa. Người Hà Nội giờ rõ phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học công nghệ vào việc học, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất, biết cách làm giàu chính đáng. Với đa số cư dân Hà Nội hiện đại, "nếp cũ" còn đó nhưng hủ tục giảm đi, người ta không còn chứng kiến nhiều những lễ mừng thọ hay tang lễ rườm rà tốn kém như trước.
Tuy vậy, không thể bỏ qua những biểu hiện lệch lạc về mặt lối sống, về nhận thức và cách thức ứng xử trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ - trách nhiệm, giữa hưởng thụ và cống hiến, trong mối quan hệ thầy - trò, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đại diện chính quyền cơ sở và nhân dân, về lề lối ứng xử ngày càng xuất hiện biểu hiện xa rời chuẩn mực đạo đức, xa rời truyền thống của một Thủ đô văn hiến. Những thiếu sót nhất định trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý văn hóa và quản lý giáo dục đã góp phần làm gia tăng những biểu hiện nói trên.
Thời hiện đại, tính cách Hà Nội có sự thay đổi so với trước kia, không thể nói là dễ đưa ra kết luận. Nhìn vào hiện tượng, những gì đang được truyền thông chuyển tải, rất dễ có một cái nhìn ảm đạm về phẩm chất, thói quen, lề lối ứng xử của người Hà Nội hiện nay. Nhưng dù cách nhìn nhận ấy là có cơ sở nhất định thì ở một chiều cạnh khác, từ cơ tầng văn hóa - lịch sử, có thể tạo dựng niềm tin rằng phẩm chất "thanh lịch, văn minh" không dễ dàng mất đi, vẫn còn đó trong tiềm thức của rất nhiều người Hà Nội, ở những gia đình sống tại Thủ đô lâu đời hay những người mới theo dòng chuyển cư về đất kinh kỳ hàng chục năm nay. Sự chỉ trích và cách thức giải thích vội vàng thay vì đưa ra kiến giải mang tính xây dựng và tỏ thái độ làm gương đôi khi đem lại hệ lụy không đáng có. Đã có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính của sự xuống cấp là do dòng chuyển cư ồ ạt trong những năm qua, hoặc giả tuyệt đối hóa vai trò tác động từ "mặt trái kinh tế thị trường" nhìn chung đều không đem lại cái nhìn đầy đủ về một vấn đề quan trọng. Những phẩm chất đã có cần một sự khích lệ đầy đủ, một chính sách văn hóa hoàn chỉnh hơn để khẳng định sức mạnh dẫn dắt của cái đẹp, cái đúng, cái tốt.