QĐND - Hơn 50 năm lao động nghệ thuật gắn liền với văn học Nga, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về nền văn học, văn hóa Nga - Xô-viết. Ngày 4-11-2010, tại điện Crem-lin, ông vinh dự được tặng huân chương cao quý của nước Nga, vì những đóng góp to lớn trong việc quảng bá văn học, văn hóa Nga tới công chúng Việt Nam. Ông là nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn.
Dịch giả Hoàng Thúy Toàn sinh năm 1938, tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Làng Phù Lưu ấy đã sinh ra rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nhà văn Kim Lân; họa sĩ Hoàng Tích Chù; nhà quay phim, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy; nhạc sĩ Hồ Bắc; nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Địch Dũng… chính quê hương và những con người ấy đã đưa Thúy Toàn đến với văn chương. Đặc biệt, năm 12 tuổi, Thúy Toàn đã xa nhà đi học ở Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Được sự dạy bảo, tôi luyện của các thầy như: Phạm Tuyên, Hoàng Trung Tích, Dương Xuân Thỉnh đã khơi dậy mạch nguồn cảm hứng thơ văn trong ông và đã “thổi” vào tâm hồn ông về một nước Nga lạ lẫm. Tâm sự với chúng tôi, ông nói: “Nếu không có những năm tháng ở Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc thì tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Bởi môi trường ấy đã giúp tôi học tập, rèn luyện như những người lính thực thụ và trưởng thành”.
|
Dịch giả Thúy Toàn. |
Năm 1954, Thúy Toàn và 99 bạn trẻ trong đó có Vũ Khoan, Đặng Nhật Minh, Tô Liên… được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tiếng Nga để về phục vụ và xây dựng đất nước. Năm thứ hai học tiếng Nga, Thúy Toàn đã rất thích dịch những bài thơ, mẩu chuyện thiếu nhi của Liên Xô sang tiếng Việt gửi về báo “Người giáo viên nhân dân” (nay là Báo Giáo dục và Thời đại) hay những bản dịch thơ Puskin gửi về Nhà xuất bản Văn hóa. Trong số 100 người cử đi học thì đến năm 1956 chỉ còn lại 20 người tiếp tục học ở Trường Đại học Sư phạm Lê-nin (Mát-xcơ-va). Chính thời gian này là bước ngoặt để ông chuyên sâu vào dịch thuật các tác phẩm văn học nước Nga - Xô-viết. Ông cho rằng, các tác phẩm văn học dịch sẽ là sự giao thoa, là cầu nối lâu dài và bền vững giữa các nền văn hóa. Để dịch được các tác phẩm ấy đòi hỏi người dịch không chỉ giỏi ngoại ngữ, mà còn am hiểu về ngôn ngữ mẹ đẻ, văn học dân tộc. Với kinh nghiệm ấy, đã giúp ông có được những tác phẩm dịch tuyệt mỹ đi sâu vào tiềm thức và trái tim biết bao thế hệ người Việt Nam như: “Tôi yêu em”; “Con đường mùa đông” của Puskin hay những tác phẩm của Lermontop, Exenhin như: Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng, Cánh buồm, Ôi nước Nga… Với những vần thơ đầy chất lãng mạn và trữ tình, với cấu tứ lạ lùng mà uyển chuyển đã chuyển tải được tình cảm, tư tưởng của “thi nhân” tạo nên sức hút mới mẻ và sức hấp dẫn lạ thường: “Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm/ Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em” (Tôi yêu em – Puskin).
Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Lê-nin ở Mát-xcơ-va, ông được phân công về giảng dạy ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Nga tại Trường Trung cấp Mễ Trì (Hà Đông). Đến năm 1964, ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn học cho đến khi nghỉ hưu (1998). 7 năm tu nghiệp ở Liên xô đã trang bị cho ông vốn hiểu biết lớn về văn học nước Nga - Xô-viết. Ông tìm thấy trong văn học Xô-viết những điều rất đặc biệt, bởi đất nước và con người Nga hết sức gần gũi với Việt Nam chúng ta. Người Nga cũng như người Việt Nam luôn giàu lòng yêu nước, yêu tự do. “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”… (Ilia Erenbua - bản dịch của nhà thơ Thép Mới). Sự gần gũi ấy là trên lý tưởng chung, trên mục đích đi đến tận cùng tới một thế giới mới công bằng, đẹp đẽ. Người Nga với bản chất đôn hậu, chân thành, thẳng thắn và có tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, trong sáng. Những năm tháng đất nước chìm trong chiến tranh ác liệt, những bài thơ ủng hộ chống kháng chiến của nhân dân ta của các nhà thơ Liên Xô được Thúy Toàn dịch sang tiếng Việt, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của hàng triệu người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
|
Dịch giả Thúy Toàn và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (nay là Thủ tướng Nga) tại buổi lễ trao tặng “Huân chương Hữu nghị” vào ngày 4-11-2010. (Ảnh TL).
|
Hơn 50 năm tiếp xúc và nghiên cứu, dịch thuật văn học Nga – Xô-viết, dịch giả Thúy Toàn đã tham gia và đóng góp nhiều sáng kiến rất hiệu quả, bổ ích trong nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về nền văn học của Liên Xô trước kia và văn học Nga đương đại; đã dịch trên 10 tập thơ và nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng của nước Nga rất có giá trị. Năm 2008, dịch giả Thúy Toàn đã cho ra mắt một công trình khoa học tổng kết: "Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam". Đây là một chuyên luận khoa học mà ông đã tách ra thành nhiều báo cáo khoa học trong các Hội nghị khoa học ở Nga và ở Việt Nam trong những năm vừa qua như: Văn học Nga trong tiến trình văn học thế giới; Những thế hệ dịch thơ Nga ở Việt Nam; Bước đầu tìm hiểu thơ Nga ở Việt Nam... Từ những công trình đó ông nâng lên thành một chuyên luận và đi kèm với bộ tuyển tập khoảng 600 - 700 bản dịch từ hơn 100 cuốn sách của các dịch giả Việt Nam (từ năm 1949 đến nay). Đây là một công trình khoa học xứng tầm trong nền dịch thuật nước nhà. Dịch giả Thúy Toàn hiện đang ấp ủ nhiều dự định trong sự nghiệp dịch thuật của mình với mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học dịch của Việt Nam. Đồng thời, ông cũng mong rằng văn học dịch ở Việt Nam sẽ phát triển và hội nhập với thế giới. Vì vậy, cần phải biết phát huy và dành tình yêu thực sự bằng chính cái tâm, sự cống hiến không biết mệt mỏi của mình cho văn học dịch nước nhà.
Ông tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất là tôi đã gắn bó với văn học Nga - Xô-viết, tôi được dấn thân vào công việc mình yêu thích. Văn học Nga như là một mối tình sâu đậm mà trọn đời tôi theo đuổi”. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, trong khi có những người đang hoang mang, hoài nghi; thậm chí có người còn quay lưng lại với đất nước từng một thời họ coi là “thiên đường”, và văn học Nga - Xô-viết dường như bị lắng xuống thì ông vẫn nặng lòng với đất nước ấy. Vì thế mà ông đã cho ra tập thơ dịch “Phải nói về nước Nga” - tập thơ như một “tuyên ngôn” của một người nặng lòng yêu văn học Nga, yêu con người và đất nước Nga. Giai đoạn này, vào tháng 5 và tháng 10 hằng năm ông sang nước Nga để liên lạc, tiếp tục củng cố tình hữu nghị cũng như mối quan hệ với hội nhà văn Nga.
Với uy tín và tài năng của mình, năm 1987 ông được trao tặng Giải thưởng Quốc tế của Hội Nhà văn Liên Xô về dịch văn học Nga – Xô-viết, ông liên tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều khóa (1990-2000), Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây từ năm 1998 đến năm 2010. Bước sang tuổi 75, nhưng tinh thần lao động của ông vẫn không ngừng nghỉ. Hiện ông đang làm Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga nhằm đưa các tác phẩm văn học của hai nước được dịch ra ngôn ngữ của hai dân tộc coi đó như là sự giao lưu, trao đổi văn học của hai nền văn hóa vốn có truyền thống hữu nghị lâu đời. Quỹ đã tiến hành hợp tác với phía Liên bang Nga thực hiện xuất bản và đã có hàng chục đầu sách văn học Nga dịch ra tiếng Việt, có 5 đầu sách của Việt Nam được dịch ra tiếng Nga: Gồm một tập tiểu thuyết truyện ngắn Việt Nam và một tuyển tập thơ Việt Nam đương đại; tiểu thuyết Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng); Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh); Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng).
Ông cho rằng, trong thời kỳ mở cửa hội nhập toàn cầu thì việc giao lưu văn hóa giữa các nước là vấn đề tất yếu và ngày càng phát triển. Vì vậy, chìa khóa để mở cửa cho chúng ta giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế chính là ngành dịch thuật. Những năm qua, nước nhà có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, người dịch thuật trẻ, họ có điều kiện để đào tạo bài bản, có phương tiện, được tiếp cận trực tiếp với các tác phẩm đương đại ở khắp thế giới; có tài năng, kỹ năng, có kỹ thuật hơn lớp người đi trước nhưng chất lượng các sản phẩm văn học chưa được như ý muốn bởi họ chưa có quyết tâm và dấn thân hết mình cho nghệ thuật nói chung và dịch thuật nói riêng. “Cái nghề dịch thuật cực lắm, hao tốn nhiều công sức và thời gian, nhưng giá trị thù lao chẳng là bao. Phải thực sự tâm huyết và có lòng yêu nghề thì mới theo đuổi được”- ông tâm sự.
Cả cuộc đời cống hiến lao động vất vả, nhưng cuộc sống của ông và gia đình vẫn mộc mạc, giản dị, đơn sơ. Ông tự hào ở Việt Nam ít ai có được nhiều sách văn học Nga như ông, mà rất nhiều trong số đó đã được ông dịch ra để đến với bạn đọc, góp phần phát triển đa dạng cho nền văn hóa của nước nhà. Đó là tài sản vô giá mà cả đời ông tích góp, giữ gìn và hiện ông đang sắp xếp lại thành hệ thống kho tư liệu quý giá.
Bài và ảnh: CHÍ HÒA – THANH BÌNH