VH- Nằm lọt thỏm giữa bốn bề sóng nước, đảo chìm là một hoặc nhiều điểm đảo được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển. Lúc thủy triều lên, bãi san hô ngập nước, lúc triều xuống bãi san hô trơ ra quanh năm chịu nhiều sóng gió…
Trong chuyến công tác mang quà Tết ra Trường Sa, P.V Báo Văn Hóa đã kịp thời ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống, nhiệm vụ hằng ngày của các chiến sĩ đóng quân nơi đảo chìm mà đoàn đã đi qua.
Nếu đảo Trường Sa Lớn được ví là thủ đô của quần đảo Trường Sa thì hệ thống các đảo chìm được xem như là vùng sâu, vùng xa ở đây. Mặc dù điều kiện sống, sinh hoạt của lính đảo chìm còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù tự nhiên mang lại. Nắng, gió, muối mặn và đặc biệt là tình trạng khan hiếm nước ngọt vẫn còn xảy ra vào mùa khô.
Khó khăn, gian khó là vậy song cán bộ chiến sĩ ở đây không ngừng khắc phục mọi khó khăn, tích cực tăng gia bằng cách trồng thêm nhiều loại rau xanh như: cải bẹ, mồng tơi, rau muống, bầu đất, rau sam… để cải thiện bữa ăn vừa tạo thêm mảng xanh cho môi trường sống trên đảo. Ngoài việc đánh bắt hải sản, các chiến sĩ đảo chìm còn nuôi được thêm một số loại như gà, vịt, lợn… dù không nhiều nhưng cũng cải thiện đáng kể chất lượng bữa ăn cho anh em, đồng thời tạo cho anh em có cảm giác thân thương, gần gũi hơn với đất liền.
Nhìn từ xa đảo chìm nằm lọt thỏm giữa bốn bề sóng gió
Chia sẻ về điều này, thượng úy Nguyễn Văn Ngọc, Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B nói: Để có được những vườn rau xanh mướt này các cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải nỗ lực hết mình trong khâu chăm sóc, tưới tắm… vậy mà nhiều khi biển động hoặc thời tiết thay đổi đột ngột, không kịp che chắn cho vườn rau trước các cơn sóng lớn đánh tung bọt trắng xóa là coi như bữa đó công sức cả tháng của anh em đổ xuống biển. Vì mỗi khi dính nước mặn là cả vườn rau héo hết và phải làm lại từ đầu.
Bên cạnh việc khắc phục những khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại, các chiến sĩ đảo chìm luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với tinh thần còn người còn đảo. Thượng úy Nguyễn Hồng Nhật, Chỉ huy trưởng Quân sự đảo chìm Đá Đông B cho biết: Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi vẫn là luôn luôn trong tư thế đề cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Tỉnh táo trước mọi hành động trên biển, để kịp thời theo dõi và báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý tốt nhất trong các tình huống.
Ngoài ra đảo chìm còn là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân mỗi khi ra khơi đánh bắt trên biển. Theo thiếu tá Lưu Quang Sắc, Chính trị viên đảo chìm Thuyền Chài B, mỗi khi bà con ngư dân mình ra khơi đánh bắt hải sản, cán bộ chiến sĩ đảo chìm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ. Thực tế đã không ít lần đảo hỗ trợ dầu, chia sẻ nước ngọt, gạo, hướng dẫn luồng lạch, sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân mỗi khi gặp khó khăn hoạn nạn…
Tạm biệt đảo chìm, chia tay các anh - những người lính can trường nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc, tôi thầm mong sao các anh luôn chân cứng, đá mềm để tiếp bước truyền thống vẻ vang của dân tộc ta trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Để có bữa cơm trọn vẹn, họ phải chuyển cơm và thức ăn lên trên cao
Nụ cười chiến sĩ trẻ trên đảo Đá Đông B
Đời mình là một khúc quân hành...”
Vườn rau nổi trên biển
Nguyễn Hiếu
Theo Van Hoa Online