Đại tá Nghiêm Đình Tích và Đại tá Vũ Tang Bồng trong buổi tọa đàm với Hệ VOV5 – ĐTNVN
Từ sự khá suôn sẻ trong trận 16/4/1972, Mỹ tin rằng B52 có thể đánh phá bất cứ mục tiêu nào trên miền Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội.
Đại tá Bồng cho biết, B52 là máy bay ném bom chiến lược có khả năng gây nhiễu điện từ rất lớn. Một chiếc B52 có 15 máy phát nhiễu điện tử, mỗi tốp 3 chiếc là có 45 máy phát nhiễu. Đấy là chưa kể các nguồn nhiễu khác như: Nhiễu ngoài hạm tàu, nhiễu của các máy bay chuyên gây nhiễu từ xa cùng với máy gây nhiễu của máy bay chiến thuật tạo thành một từ trường nhiễu tổng hợp chồng chéo, dày đặc và gây rất nhiều khó khăn cho bộ đội phòng không, không quân. Hầu hết các đài radar lúc ấy đều báo cáo rằng nhiễu rất nặng, không thể phát hiện được mục tiêu.
Thực tế tên lửa SAM2 tầm bắn ở độ cao hàng chục km. Thế nên khi B52 bay ở độ cao 11km không có vấn đề. Tuy nhiên với hàng loạt loại nhiễu điện tử, tên lửa SAM2 khi phóng lên không thể điều khiển, có khi rơi ra chỗ khác gây thương vong cho chính quân dân ta.
Bên cạnh đó, khi Mỹ đánh vào Hải Phòng, đúng lúc Sư đoàn Phòng không 363 đang diễn tập phương án đối phó B52. Các phái viên của Bộ Tổng tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân và các chuyên gia đang có mặt ở từng trận địa tên lửa cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để chiến thắng B52.
Nhưng trận đánh ấy, Sư đoàn đã bắn lên 93 tên lửa nhưng lại không rơi một chiếc máy bay nào. Những tên lửa của chúng ta rơi chỗ khác hoặc là mất điều khiển. Nhưng chính thất bại này, lịch sử Sư đoàn 363 ghi lại rằng đây là trận đánh không thành công cả về kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội tên lửa. Nhưng mà chính từ bài học không thành công này lại càng thôi thúc các chiến sĩ radar cũng như chiến sĩ tên lửa tìm mọi cách để phát hiện B52.
“Mỹ cho rằng, đối thủ lúc bấy giờ của B52 không phải là tên lửa SAM2 bởi mọi tính năng kỹ thuật, về SAM2, Mỹ nắm rất rõ. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh Ai Cập năm 1967, Mỹ đã thu được trọn vẹn một tên lửa SAM2. Từ tên lửa này, Mỹ đã tìm ra được những loại nhiễu điện từ để khắc chế SAM2. Đối thủ chính của Mỹ lúc bấy giờ là máy bay MIG. Thế nên ngay từ đầu, chúng đã tập trung đánh tất cả các sân bay của chúng ta. Thế nhưng, đó là điều mà Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ, bộ đội radar, tên lửa của chúng ta đã tìm mọi cách vạch nhiễu tìm thù, xác định được B52 trong nhiễu”, Đại tá Bồng phân tích.
Vạch nhiễu tìm thù
Đại tá Nghiêm Đình Tích – Nguyên đài trưởng Đài radar P35 – Trung đoàn 291, Binh chủng radar kể lại hồi ký của một đồng chí trong Quân chủng Phòng không-Không quân.
Khi quân chủng đang nghiên cứu mọi biện pháp để phát hiện B52 trong nhiễu thì có một đồng chí cán bộ nảy ra ý nghĩ rằng: Máy gây nhiễu hiện đại của B52 đối phó được với radar hiện đại thế hệ thứ 8 thứ 9 mà chúng ta đang trang bị, nhưng nó chưa chắc đối phó được với thế hệ radar cũ như thế hệ thứ 2,3,4. Vì vậy, đồng chí này đề xuất bố trí radar cũ vào trong đội hình mạng radar quốc gia.
Quả nhiên cái radar tưởng như bỏ đi đó lại hoàn toàn không bị nhiễu của B52. Từ phát hiện, đồng chí này cùng với cán bộ kỹ thuật của binh chủng tên lửa cũng như của quân chủng đã nghiên cứu thiết kế lắp đặt một bộ điều khiển mang mật danh KX trang bị cung cấp cho các đơn vị tên lửa của chúng ta.
Và chính bộ điều khiển mang mật danh KX này đã góp phần vào việc phát hiện B52 rất chính xác thậm chí có thể phát hiện đâu là B52 thật, đâu là B52 giả để tập trung lực lượng tiêu diệt.
“Chúng tôi là những người viết cuốn lịch sử kỹ thuật quân sự cũng phải nhìn nhận rằng: Đôi khi, trong chiến tranh, khoa học công nghệ cao không hẳn là yếu tố tạo nên chiến thắng”, Đại tá Tích chia sẻ.
Bên cạnh đó theo cách chuyên gia quân sự với kinh nghiệm, nghiên cứu về B52 và được Bộ tư lệnh quân chủng tổng hợp và phổ biến cho tất cả các đơn vị tên lửa ngoài miền Bắc.
Chúng tôi đã xây dựng phương án đánh B52 bảo vệ Hà Nội từ tháng 5/1972 và sau đó tiếp tục hoàn chỉnh phương án này vào tháng 7, tháng 9, tháng 11. Đây là một phương án có tính chất chiến lược để phát huy cao độ các lực lượng của quân chủng phòng không không quân để đánh thắng B52.
Các yếu tố làm lên thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” chính là làm tốt các khâu từ chuẩn bị kỹ thuật khí tài, yếu tố tinh nhanh và sáng tạo của bộ phận trắc thủ cũng như tư duy về chiến thuật trong công tác nghiên cứu địch và phương pháp bố trí trận địa để đánh địch. Điều đó cho thấy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất làm lên sức mạnh Việt Nam./.
Theo Việt Đức-Lan Nga
VOV News