Là một trong những nhạc sĩ trí thức, tài hoa và thành đạt, Nguyễn Văn Tý đã sáng tác nhiều bài hát hay, nổi tiếng, về nhiều đề tài, nhất là về đồng quê mang đậm âm sắc, giàu giai điệu, đậm chất dân ca, hò, vè... của nhiều vùng miền, có sức hấp dẫn kỳ diệu, làm nên một phong cách rất riêng của nhạc sĩ.
Cho đến nay, tấm lòng, tình cảm cũng như những bài ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn không phai trong lòng nhân dân các vùng miền, nhất là ở Hưng Yên - nơi ông về sống và làm việc, rồi trở thành nơi ông gắn bó, để thương, để nhớ và cống hiến hết mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
|
Trong khoảng thời gian ở đây, với tình yêu đất nước và con người lao động, người nhạc sĩ tài hoa này đã sáng tác nên rất nhiều ca khúc rung động, bay bổng, sống động..., đi vào lòng người và có sức lan tỏa mãi trong đời sống, tâm hồn, không chỉ với người dân Hưng Yên mà còn ở khắp các vùng quê Việt Nam. Bởi vậy, nhiều bài ca của nhạc sĩ mà đến giờ nhân dân ta vẫn nhớ, vẫn thuộc và đều cảm phục tài năng của người nhạc sĩ tài danh này.
Do sự sắp đặt, khi được điều động về Hưng Yên, nhạc sĩ đã bắt tay ngay vào công việc sáng tác, đi sâu vào đời sống và sống thực, sống chân thành với nhân dân lao động, với công việc của bà con và hòa nhịp cùng tâm tư tình cảm, tinh thần của người dân quê chân lấm tay bùn.
Có thể nói, người trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tý, dù gặp nắng mưa, bão táp cuộc đời, vẫn sáng ngời tình cảm của người thanh niên yêu nước. Bằng những sắc mầu âm nhạc, ông đã khơi dậy lòng người qua những âm thanh xanh tươi, ca từ trẻ khỏe, khí thế, đầy tình người, tình đời. Những bài ca của nhạc sĩ trong sáng, thủy chung, đẹp vô cùng như tấm lòng, tâm hồn của ông.
Ngày về tỉnh Hưng Yên, riêng về lao động nghệ thuật mà ông đa mang, nhạc sĩ đã gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả nhạc cụ, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại cũng thiếu thốn. Như lời nhà soạn kịch Vũ Khang, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hải Hưng, người nhiều năm ở cùng gian nhà tranh đơn sơ với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể, thì những năm 60, bên bờ Hồ Bán Nguyệt ở thị xã Hưng Yên - Phố Hiến còn hoang sơ, thưa thớt nhà, Nguyễn Văn Tý không có một cái đàn, dù là đàn cũ, một nhạc cụ thiết yếu cho người nhạc sĩ sáng tác. Ông chỉ có một cái mõ nhỏ như quả cam, lúc nào cũng để trong túi áo và dạo nhạc bằng nhạc cụ bé nhỏ này. Để sáng tạo ra những bài hát hay, làm say lòng người, chỉ có một nhạc cụ duy nhất này thì thật là không đủ, nói gì đến sáng tạo ra những bài hát để đời.
Thấy hoàn cảnh của bạn và quý phục tài năng của ông bạn Nguyễn Văn Tý, nhà soạn kịch Vũ Khang liền đi đến nhiều nơi, xuống nhiều gia đình để tìm nhạc cụ, may ra có cách giúp ông bạn cùng phòng. Thế rồi, sự nhiệt tình, thành tâm đã đi đến sự nhất trí và quyết tâm của hai người là đến nhà dân mà nhờ vả. Từ đó, cả hai người bỏ nhiều thời gian, công sức đi kiếm tìm xem ai có nhạc cụ để mượn.
Lúc bấy giờ, ở tỉnh Hưng Yên, chỉ có một người ở phố Lê Lợi, nay gọi là phố Điện Biên của thị xã Hưng Yên là có một cây đàn Piano cũ kĩ. Không quản phải nhờ vả, không quản ngày nắng, ngày mưa, đêm tối đi lại gian nan, những lúc muốn sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vội đi bộ đến gia đình này để sử dụng nhờ khi viết bài hát.
Nhờ có cây đàn mà những ngày sau, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác ra hơn chục bài ca, trong đó có nhiều bài hay, nổi tiếng, đến nay nhiều người còn nhớ tên từng bài, kể cả những người không biết hát, không hay hát. Ông Vũ Khang, người hát không hay, nhưng yêu mê say các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có thể kể ngay ra "một tràng" và giảng giải về nội dung, sự ra đời của những bài hát của Nguyễn Văn Tý.
Những bài hát với những lời ca mượt mà, thiết tha của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đã nói thật hay, thật đúng, thể hiện tình cảm nồng nàn về những con người, những vùng quê. Bởi vậy, tôi tâm huyết, say mê những bài hát của ông, đồng thời yêu hết lòng người nhạc sĩ giàu lòng với nhân dân, đất nước, đã mang hết tài năng, phục vụ hết lòng, hết sức cho nhân dân yêu dấu, cho thỏa nỗi đau đáu cùng nhân dân tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước của mình .
Nói riêng về tấm lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với mảnh đất, con người Hưng Yên thì nhiều ca khúc của ông rất đậm tình, sâu nghĩa, gây xúc động lòng người không chỉ đối với người Hưng Yên. Nhiều người, cũng như ông Vũ Khang và tôi, thường xúc động khi nói về một số bài ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như bài "Chim hót trên đồng đay”, một bài hát không chỉ hay về nhạc, mà còn rất hay về ca từ, là tiếng lòng cất lên từ nơi mồ hôi của người đổ xuống, cho đay xanh, lúa tốt... Bởi vậy, bài hát này, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hưng Yên lấy làm nhạc hiệu của Đài ngay từ ngày đầu thành lập, thể hiện sự tâm đầu ý hợp giữa tiếng lòng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với đất nước, con người Hưng Yên ngân lên, vang lên ngày ngày.
Chủ yếu những tác phẩm của nhạc sĩ là viết về đồng quê và người lao động
|
Một bài ca nữa không thể không nhắc đến khi nói về tài năng sáng tác và cống hiến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, đó là bài "Bài ca năm tấn", được ông viết năm 1967 tại Hưng Yên và đoạt Giải Nhất trong “Cuộc vận động viết về nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức trong 3 năm (1965 - 1967). Đây là bài hát mang đậm dấu ấn thi đua lao động sản xuất, ra công cấy chiêm, làm mùa, quyết tâm đạt năng suất cao nhất về số lượng, chất lượng lúa của bà con nông dân đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Hưng Yên. Đây là đỉnh mốc vàng son của cao trào Hưng Yên phấn đấu đạt sản lượng 5tấn/ha trở lên. Bài hát được cất lên, tạo nên khí thế tiến công, nhiệt tình hăng say lao động, say mê với cuộc đời, cách sống mới - cuộc sống sản xuất, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, dẻo dai, mang được cả hồn quê, tình người vui tươi trong gian khổ vất vả.
Những lời ca được viết ra từ trái tim, tấm lòng, tình cảm nồng thắm, thấm đậm tình đất, tình quê, tình người, của khí thế thời "Trai anh hùng, gái đảm đang", trong cao trào “Lấy tiếng hát át tiếng bom” để chiến đấu, chiến thắng quân thù. Trong bom đạn ác liệt và khốc liệt, khi ca sĩ Bích Liên cất lên hát "Bài ca năm tấn" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì không chỉ những người trên mặt trận sản xuất, mà các chiến sỹ trên trận tuyến đang anh dũng chiến đấu, đối mặt với kẻ thù từng giây từng phút, cũng thích nghe và thích thú, rồi thầm nhủ luôn kiên cường, quyết tâm bảo vệ quê hương thân yêu.
Có thể nói, bài hát nào của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng được nhiều người và nhiều ca sĩ hát với sự tha thiết, dào dạt, rung cảm… ở từng lời ca, mở ra những chân trời, ngay cả những nơi gian khó, ác liệt nhất.
Nguyễn Tiến Bình