(HNHN) Nhiều người lầm tưởng ông tổ nghề thêu của Việt Nam là ông Trần Quốc Khái nhưng những văn bia, sắc phong hiện còn lưu giữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đình Đào Xá, xã Thắng Lợi (Thường Tín - Hà Nội) lại minh chứng, đó là Lê Công Hành.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yên Giang, hai vị này đều là người làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam xưa (nay thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) và sống cách nhau khoảng hai thế kỷ.
Lê Công Hành sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14), tên thật là Bùi Công Hành. Cuối đời Trần, ông lên đường dự thi vừa lúc quân Minh sang xâm lược nên khoa thi bị hủy. Ông ẩn náu trong rừng rồi theo Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Cuộc bình Ngô thành công, ông được Lê Thái Tổ trọng dụng.
Đến đời Lê Thái Tông (1423-1442), Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ. Vua nhà Minh muốn thử trí thông minh của sứ thần nước Việt bèn cho dựng một lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Khi ông đã lên lầu, chúng bèn rút thang. Không còn lối xuống nữa, Bùi Công Hành đành ở trên lầu một mình. Đưa mắt nhìn quanh, ông chỉ thấy hai pho tượng sơn son thiếp vàng, một chum nước cùng hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ: "Phật tại tâm".
Một ngày rồi hai ngày trôi qua, chỉ có một mình trên lầu vắng, bụng đói mà cơm không có ăn, Bùi Công Hành nghĩ, có chum nước để uống tất phải có cái ăn. Ông quay ra ngắm bức nghi môn rồi lẩm nhẩm: "Phật tại tâm nghĩa là Phật ở trong lòng". Ông gật đầu mỉm cười rồi bẻ tay pho tượng ăn thử xem sao. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam. Có thức ăn thức uống, hằng ngày ông quan sát kỹ cách làm lọng. Nhập tâm cách làm rồi, ông hạ bức nghi môn xuống, tháo ra xem cách thêu và đã học được cách làm lọng, thêu nổi. Sau đó, vị sứ thần mạnh bạo dùng cái lọng làm dù nhảy xuống đất an toàn. Trước cách ứng xử thông minh ấy, vua nhà Minh rất khâm phục.
Những nghệ nhân thêu làng Quất Động
Khi về nước, dù làm quan trong triều, ông vẫn tranh thủ dạy dân làng trong vùng cách làm lọng và hàng thêu. Vua Lê phong ông làm Kim Tử Vinh Lộc đại phu, sung chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương Hầu và cho theo họ vua, đổi thành Lê Công Hành. Khi mất, ông được truy phong Thượng thư Thái bảo Lương Quận công.
Lê Công Hành được các triều Lê và Nguyễn sau này phong 9 đạo sắc. Đạo sắc sớm nhất còn giữ được là của vua Lê Thần Tông (1619-1662), gia phong năm 1637. Đạo sắc này và các đạo sắc khác còn lưu ở đình làng Đào Xá (Xã Thắng Lợi, cùng huyện).
Thời ấy, hàng chục làng trong vùng được Lê Công Hành truyền nghề trực tiếp, theo địa danh thời Nguyễn là các xã Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai. Năm xã này dựng chung một đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã. Giỗ ông vào ngày 12/ 6 âm lịch.
Về tiến sĩ Trần Quốc Khái, cũng theo nhà nghiên cứu Yên Giang, tấm bia khắc tên các nhà khoa bảng Việt Nam số 34, dựng ở Quốc Tử Giám (Văn Miếu - Hà Nội) có tên ông. Nhiều cuốn sách như Các nhà khoa bảng Việt Nam (trang 544), Người Hà Tây trong làng khoa bảng (trang 121) đều ghi tên và lược sử của ông như sau: “Ông sinh năm 1606 tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam, nay là thôn Quất Động, thi đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1637) niên hiệu Dương Hoà thứ 3 đời Lê Thần Tông...”.
Đối chiếu bản “trích ngang lý lịch” trên của hai vị danh nhân, ta thấy có sự trùng hợp lý thú. Đó là hai vị cùng được một triều đại Lê Thần Tông phong sắc. Tiếp đó, cùng một năm 1673, khi Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu, thành hoàng của nhiều làng trong vùng, được vua gia phong sắc chỉ thì Trần Quốc Khái cũng thi đỗ tiến sĩ. Theo ông Giang, đây là một trong những lý do dẫn đến nhiều người cho rằng Lê Công Khái là là ông tổ nghề thêu Việt Nam, hoặc đồng nhất hai ông với nhau.
Năm 2004, Sở Văn hóa - Thông yin Hà Tây (nay thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) đã trả lại danh tôn ông tổ nghề thêu cho danh nhân Lê Công Hành trong cuốn sách Thường Tín - Đất danh hương.
Theo Cuoc song Viet
|