Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ nhớ lại:
...Tháng 10 - 1951, mình chỉ huy phá căng chợ Bo. Đầu 1952 mình được chỉ định đích danh đi dự hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn quốc ở Việt Bắc. Ở hội nghị này mình được gặp Bác, được Bác giao nhiệm vụ mới.
Thế là mình thành người khác rồi! Về Thái Bình chuẩn bị bọc lót mới, để sang phía bên “kia”, rồi thành con chiên, thành người của phòng nhì Pháp, lúc đi bán căng tin cho lính Pháp, khi lo chuyên chở vũ khí cho Pháp rút khỏi miền Bắc. Lúc ấy ai cũng bảo mình là thằng bán nước, bố mẹ mình chịu trăm cay nghìn đắng, khi đối mặt với các dư luận về mình. Thôi thì cắn răng mà chịu!
Mình như con “kỳ nhông”, mặc áo nào phải hợp với khuôn mặt bộ dạng công việc mình làm. Đầu quân vào lính Pháp, mình “rất” Pháp đến nỗi thằng đại tá chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam rất tin cậy. Nó bảo mình:
- Pháp luật ở ngoài cánh cổng, trong này chỉ có anh và tôi, phải tin nhau!
1954 trên chuẩn bị cho mình đi cùng bọn phòng nhì Pháp vào miền Nam. Tới cầu Hiền Lương, được tổ chức tìm cách cho quay lại vào Sài Gòn bằng đường thủy từ Hải Phòng. Lúc ấy mình cảm thấy mình là con tàu lênh đênh giữa đại dương không biết cập bến nơi đâu.Ngày 24-12-1954 mình không ngờ lại được gặp Bác, có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thật là hạnh phúc lớn trước lúc đi xa. Như đứa con sắp phải xa mẹ, xa bàn tay nâng đỡ dìu dắt của mẹ, mình hồi hộp lắm. Biết nói thế nào với mẹ đây, chỉ biết ngồi lắng nghe Bác và Thủ tướng căn dặn. Cuối buổi mình e dè hỏi:
- Thưa Bác! Nhiệm vụ cháu vào trong đó làm gì?
Lời Bác lúc ấy rành rẽ, khúc chiết từng câu một:
- Chú xem Mỹ đã làm gì? Mỹ sắp làm gì và Mỹ nghĩ gì? Xem ra Cụ nói gọn quá, chiến lược quá. Cuối buổi Bác bảo chụp cho chú tấm hình làm kỷ niệm. Mắt cụ thật đầm ấm, mình đón nhận ánh sáng ấy trong giây lát, vậy mà cả đời người dài dằng dặc khó quên được.
Đúng thế, lúc ở Chín Hầm, khi ra Côn Đảo, lúc ở với cha Tam, khi xuống Đà Lạt quần thảo với Nhu, lúc nào cũng thấy ánh mắt như tia nắng ấm dõi theo. Chính nhờ cái buổi gặp và chụp ảnh cho mình, Bác dặn dò mà mình vượt qua bao cửa ải.
Bấm máy xong, Bác lại dặn: “Chú đừng nói Bác chụp hình cho chú”. Chính vì lời dặn ấy mà tấm hình Bác chụp cho “Ông cố vấn” rơi vào trong im lặng. Nó cũng giống như việc làm của nhà tình báo chỉ mình mình biết.
Tấm hình được lưu tại nội phủ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ ngày 24-12-1954. Đến ngày 18-8-1988 tấm ảnh mới ló dạng, nghĩa là sau 34 năm, ngày mình ra thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được ngủ lại qua đêm và ăn cơm cùng Thủ tướng hôm đó mới được trao lại tấm ảnh ấy cho mình. Có tấm ảnh trong tay, mình vẫn im lặng với lời Bác dặn... Đúng vậy, đối với “Ông cố vấn” trước mọi ý kiến về mình, ông chỉ biết mỉm cười và im lặng.
Nhà văn Hữu Mai đã viết: “Ở anh Nhạ điều khiến tôi chú ý là sự im lặng trước những trường hợp người khác khó im lặng” (một nhân cách để lại cho đời). Ông im lặng trước mọi sự bất công, trước ghen ghét nghi ngờ của người khác với mình.
Tôi vinh hạnh được dăm ba lần tiếp xúc với ông. Tất cả ông toát lên một con người chân thật vị tha, cho nên khi ngồi nghe ông kể Bác chụp cho ông tấm hình trước lúc vào Nam công tác tôi càng thấy ông đúng. Quả vậy, người tình báo tài giỏi vào loại nhất nhì đất nước đã im lặng chuyện này đến ngày sắp phải đi xa... mới nói về sự tích của tấm ảnh với người bạn thân thiết. Ông bảo: Mình định giữ kín kỷ niệm này để mang về thế giới bên kia. Nhưng, tấm ảnh Bác chụp riêng cho mình có vai trò lịch sử của nó, có giá trị thiêng liêng của nó, cần phải cho anh em biết nên không thể không nói...
Ông kể: Vào một chiều mùa thu, phố xá đã thấy những cô hàng cốm gánh rong bán, phố nhỏ gió hơi the lạnh, trời xanh ngăn ngắt, những mảng mây bay trắng xốp trên bầu trời. Bác cầm máy chụp, vừa là đạo diễn cho tấm hình, mình nhìn ông Cụ linh hoạt lạ thường, vẻ tiên ông trong rừng trúc. Từng bước đi, từng động tác lúc đứng lên, lúc ngồi xuống, tìm góc độ, cắt cúp cho tấm ảnh. Bác như nhà nhiếp ảnh lão luyện hồi nào ở ngõ Công Poanh (Pari).
Mình hồi hộp trước Bác, vẻ nam nhi dường như biến mất, chỉ còn là anh thanh niên khô cứng. Lúc đầu mình đứng sát gần một cây cột, cái thế ấy gò bó, Bác đạo diễn đứng ra chỗ khác hợp lý hơn. Bác bảo: “Chí làm trai phải hiên ngang đứng trong cõi đời”. Sau lời dạy của Bác mình càng lúng túng, hai tay buông thõng khờ khạo không biết giấu vào đâu. Ngoắt cái Bác chạy vào phòng trong tay cầm xấp báo đưa cho mình rồi bảo: “Một tay chú cầm báo, còn tay kia đút vào túi cho nó “oai”. Mình làm đúng lời ông Cụ dạy. Bác ngắm nghía mãi vẫn không bấm máy, mình càng lo hơn, phút sau mới thấy đèn chụp phát sáng và tiếng máy kêu “roạt”. Thì ra, ông Cụ chờ cụm mây mùa thu bay ngang qua, mới chụp. Lúc ấy Bác vui vẻ hẳn lên rồi nói: “Đời chú như mây bay gió cuốn”.
Chỉ từng ấy thời gian được tiếp xúc với Bác, chỉ từng ấy động tác Bác dạy cho mình, Bác đã để lại biết bao bài học trong nghề tình báo, nào phải cụ thể, chi tiết, nắm bắt tâm lý con người như thế nào, nhất là câu nói của Bác ví mình như “mây bay gió cuốn”.
Bấm máy xong, Bác cháu gần nhau ríu rít. Bác nói vui: “Không có đám mây nó kém giá trị của bức ảnh”. Đó là hành trang của người tình báo Vũ Ngọc Nhạ trước lúc lên đường rời quê hương vào Nam.
Sau này, đi qua các cuộc đấu tranh, qua các nhà tù, qua ngục tối mới thấy ý nghĩa câu nói của Bác. Hôm ấy Bác còn dặn: “Bí quyết thành công là bí mật”, rồi giọng Bác như trầm xuống, như muốn nhấn mạnh với mọi người: “Không bí mật làm sao có Đảng được. Năm trước Pháp tấn công Hòa Bình, ta bí mật nên đánh trận đường 6 thắng lớn. Nếu các chú không bí mật, có bảo vệ được dân không? Đời người tình báo “lai vô ảnh, khứ vô hình” là bí mật đấy!
Lần gặp lại Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1988, hai bác cháu đã già. Thủ tướng ân cần dắt tay mình ra phía sau Chủ tịch Phủ chụp ảnh lưu niệm và chính tay Thủ tướng giao lại cho mình tấm ảnh Bác Hồ chụp 24-12-1954. Thủ tướng nói: “Bây giờ ra chụp chung hai ông cố vấn”. Mình vội vàng thưa: “Bác là cố vấn Trung ương Đảng, sao cháu lại cháu... Thủ tướng cười vui nói: “Đảng giao cho tôi là cố vấn, còn đồng chí làm cố vấn cho chính quyền Sài Gòn cũng là việc Đảng giao cả...” Hôm đó mình rất cảm động đọc mấy câu thơ:
Tiễn đưa anh vẫn chưa già
Đón về Bác đã bạc phơ mái đầu
Cầm tay lòng những nghẹn ngòa
Bác Đồng trước mặt Bác Hồ vắng đâu
Hôm nay bạn đọc được xem hai tấm ảnh tận mắt, hai tấm ảnh cũng đầy tính huyền thoại và im lặng sau bao nhiêu năm như đời ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ!
Phố Đậu 2-2003
V.B.C