Học giả Phan Khôi là một trong những tính cách ưu tú nhất của đất “Quảng Nam hay cãi”. Ông hiện diện như một “ngự sử văn đàn” bởi tính trực ngôn.
Nhà ngôn luận chuyên nghiệp
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân- người đã có công sưu tầm, biên soạn loạt sách “Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo” cho biết: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn.
Nhà báo Phan Khôi và vợ
|
Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng… ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức".
Cái tính phản biện ấy có lẽ là bởi ông sinh ra từ đất “Quảng Nam hay cãi”, người cùng thời đánh giá Phan Khôi là người có tính khắc khổ, nhất nhất cái gì cũng phải hai năm rõ mười ông mới chịu. Hơi sai một chút là ông viện luận lý, mang văn pháp ra cãi bằng được mới nghe. Nhưng chính bởi cái tính ưa cãi ấy mà Phan Khôi đã sớm trở thành một nhà ngôn luận chuyên nghiệp, chủ trương tác động tới xã hội bằng ngôn luận.
Đọc hàng vạn bài báo của Phan Khôi đăng trên các tờ Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập và Đông Tây, có thể thấy một Phan Khôi uyên bác mà hóm hỉnh, nồng nhiệt mà lý trí, khúc triết mà ân cần với tất cả mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Hiếm có cây bút nào như ông, khi tờ Phụ Nữ Tân Văn bị đóng cửa, độc giả đã viết thư yêu cầu ông tiếp tục viết ở tờ Tân Văn. Trích đoạn một lá thư: “Người ta đã tặng cho ông cái huy hiệu “người lập dị”, “người trọng chân lý hơn thầy”, “tướng tiên phong của đạo binh học giới nước nhà”, xin ông chớ phụ”.
Là người được tiếp thu những tinh hoa của cả hai phái Nho học và Tây học, Phan Khôi cực lực lên án cái kiểu học khoa cử vốn phổ biến ở nước ta, ông viết: “Không nên đổ tội cho ai, chỉ nên đổ tội cho cái quan niệm về sự học ở nước ta từ trước đến giờ. Người mình coi sự học cũng như cái cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cái cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa”. Ngẫm ra điều Phan Khôi thấy ở năm 1931, khi ông viết bài báo này, đến bây giờ, cái quan niệm về sự học của người Việt vẫn chưa có gì thay đổi, thật chua xót!
Một đời tiết tháo
Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt vô cùng kính trọng mỗi lần nhắc đến cụ Tú Khôi- người bị chung cái án “Nhân văn giai phẩm” với ông. Nhưng thực ra theo Lê Đạt, Phan Khôi tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm chỉ bởi quá yêu quý những người thuộc lứa đàn em, đàn cháu như Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm... Nhà thơ Lê Đạt mỗi lần dịch được một câu thơ Đường nào ưng ý đều đem đến “khoe” với cụ Tú Khôi, hễ cụ gật đầu là vui sướng như trẻ con bởi đó là một bậc uyên thâm về Hán học.
Ông kể lại: “Một lần, tôi đã chứng kiến cảnh một nhà học giả thời danh mời ông cộng tác viết một chuyên khảo, Phan Khôi đã đứng lên nói rất to trước mặt mọi người: “Tôi không cộng tác với ông vì ông dốt lắm”. Phải nghe cái tiếng “dốt” nhọn hoắt như chọc thủng nhĩ mới hiểu Phan Khôi là một người bộc trực dữ dằn đến mức nào”.
Phan Khôi sinh ngày 6.10.1887 tại làng Bảo An, (Điện Bàn, Quảng Nam). Nhà phê bình Thanh Lãng đã từng nhận định: "Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh túy nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc triết của Tây phương". |
Phan Khôi là một người tràn đầy tiết tháo. Với ông, những người coi sự học là để đua danh lợi giàu sang với đời là một điều đáng phỉ báng, nhưng những người học mà không biết nghĩa lý thì cũng đáng thương không kém. Cả đời mình, Phan Khôi dùng tài văn, tài báo chỉ để khích lệ một xã hội ham học, học để hiểu nghĩa lý mới cầu mong sự tiến bộ, để dân tộc ta đỡ tụt hậu, thiệt thòi.
Ông viết: “Rày về sau, thế nào trong nước ta cũng phải có một bọn người cả đời chỉ chuyên lo một việc học mà không biết đến việc chi hết, thế thì họa may nước mới khá ra... Nếu đôi trăm năm nữa mà cái tinh túy của Tây học không tìm thấy được ở xứ này cũng như Hán học ngày nay, thì cái lỗi ấy đổ vào mình chúng ta”. Một tấm lòng với dân với nước kể như thế cũng đã đến tận cùng.
Ngọc Anh (Dân Việt)