|
Đại tá Đàm Trọng, người trực tiếp chỉ huy tiểu đội của mình làm nổ tung chiếc AD6 của Mỹ trên bầu trời Ninh Bình.
|
QĐND Online - Trong rất nhiều cách đánh máy bay địch của quân đội nhân dân Việt Nam, có một cách đánh độc đáo có một không hai của “bộ đội dù”. Đó là bẫy máy bay địch bằng khinh khí cầu có gắn mìn định hướng. Cách đánh tưởng chừng chỉ có trong tưởng tượng đó lại được bộ đội ta vận dụng có hiệu quả và mang về nhiều chiến công.
Khi gặp được Đại tá Đàm Trọng, nguyên Đại đội phó Đại đội 15 công binh dù, người đã trực tiếp chỉ huy tiểu đội của mình làm nổ tung chiếc AD6 của Mỹ trên bầu trời Ninh Bình và được nghe ông tường thuật về trận đánh năm xưa, tôi mới thực sự ngỡ ngàng trước những sáng tạo độc đáo của “bộ đội dù”. Bộ đội ta đã sử dụng khinh khí cầu gắn mìn định hướng để tiêu diệt kẻ thù. Khinh khí cầu được thả lơ lửng tạo thành các chướng ngại vật trên không, giống như bãi chông mìn trên trời nhằm chống lại chiến thuật bay thấp, luồn lách theo các cửa sông vào đánh lén các mục tiêu quân sự, kinh tế, chính trị, cầu giao thông quan trọng ở miền Bắc nước ta. Bằng cách này, chúng ta đã tiêu diệt được 3 máy bay địch, một máy bay AD6 của Mỹ ở Ninh Bình (1967), một ở dọc sông Hồng (1966) và một ở Quảng Trị (1966).
Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng, một bộ phận của lực lượng Lữ dù 305 đã tham gia nghiên cứu bố trí bãi vật cản trên không để ngăn chặn, tiêu diệt máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964-1972). Nhằm bắn phá các mục tiêu quan trọng của ta, máy bay địch đã sử dụng những thủ đoạn hết sức nham hiểm như: Thả nhiễu, bay thấp, luồn lách…qua nhiều địa hình và bất ngờ thả bom. Với cách bố trí bãi vật cản trên không (cụ thể là bóng và khinh khí cầu có gắn mìn định hướng), ta đã buộc máy bay Mỹ phải nâng tầm, bay cao cho lực lượng phòng không - không quân ta dễ dàng phát hiện và tiêu diệt. Được sự chỉ đạo của các cơ quan Bộ Quốc Phòng, Viện Kỹ thuật quân sự và Bộ tư lệnh Dù đã tổ chức triển khai có hiệu quả cách đánh độc đáo trên.
Nhắc về chiến công hiển hách năm xưa của tiểu đội mình nói riêng và của Bộ tư lệnh Dù nói chung, Đại tá Đàm Trọng không dấu được sự phấn chấn và niềm xúc động. 45 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh năm nào vẫn tươi mới và rõ nét trong ông. Đại tá kể lại:
“Để tạo bất ngờ mới và bảo vệ cánh Đông Nam miền Bắc, chúng tôi nhận lệnh chuyển vị trí, hành quân bộ từ Hà Nam về Ninh Bình. Gồng gánh cồng kềnh nhiều phương tiện bố trí như: Guồng máy, dây, mìn… nhưng chúng tôi vẫn tập kết đúng thời gian quy định. Thời điểm này, 12 máy bay địch đang oanh tạc từ thị xã Ninh Bình về đến huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Bàn bạc với huyện đội Yên Khánh, chúng tôi hạ quyết tâm đóng chốt ở đây để tiêu diệt máy bay địch. Được sự đồng ý của tỉnh đội Ninh Bình và sự trợ giúp nhiệt tình của dân quân huyện Yên Khánh, chúng tôi đã bắt tay vào triển khai kế hoạch. Tối ngày 5-2-1967, chúng tôi bơm bóng và đưa lên vị trí đã bố trí.
|
Cán bộ, cựu chiến binh Lữ dù 305 tại Hà Nội tổ chức họp mặt ngày 22-2-1998.
|
Sáng 6-2-1967, gió mùa đông bắc, mưa phùn, lạnh tê cứng chân tay. Bên dòng sông Đáy, bộ đội và dân quân Yên Khánh ai cũng lạnh tê người vì rét, nhưng tất cả đều thể hiện sự quyết tâm cao độ. Lúc này gió khá mạnh nên bóng nhỏ không thả được, chúng tôi quyết định thả bóng lớn có gắn mìn định hướng.
6 giờ, toàn bộ công tác chuẩn bị đã hoàn tất, bóng được thả đúng vị trí đã bố trí. Tổ trực chiến lúc đó có tôi (Đàm Trọng), đồng chí Nhương, đồng chí Điều, đồng chí Hội và hai nữ dân quân Yên Khánh.
10 giờ, chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ phản lực Mỹ gầm rít và tiến dần về phía bãi bóng có gắn mình định hướng đã được ta bố trí. Sương và mưa phùn che khuất tầm nhìn. Tất cả đều thấp thỏm và hồi hộp.
Bùm!
Một tiếng nổ váng trời, phá tan cái lạnh tê tái của mưa phùn và gió bấc mùa đông. Máy bay địch đã vướng vào bóng, chập mạch điện và nổ mìn MTK, làm đứt dây cước loại 2 ly (có lực kéo 204kg) và cả đường dây điện bố trí quả mìn. Thân cánh máy bay kéo suốt một đường dài trên dây bố trí và có rất nhiều khả năng rơi. Tôi về báo cáo ngay tỉnh đội Ninh Bình và Lữ đoàn 305.
10 giờ ngày 8-2, tỉnh đội Ninh Bình thông báo chính thức: C15, Lữ dù 305 đã góp phần cùng dân quân Ninh Bình hạ một máy bay AD6, chiếc thứ 1680 của cả nước và chiếc thứ 57 của tỉnh Ninh Bình. Chiếc AD6 của Mỹ chính thức rơi tại cửa sông Đáy.
Tất cả chúng tôi đều vỡ òa niềm vui sướng. Còn hai ngày nữa là hết năm Bính Ngọ, chuẩn bị đón tết Đinh Mùi. Huyện Yên Khánh đã “thưởng nóng” cho chúng tôi một con lợn để ăn tết và mừng chiến thắng”.
Được gặp và nghe đại tá Đàm Trọng kể về chiến công năm xưa của ông cùng đồng đội, tôi thực sự thấy khâm phục sức sáng tạo độc đáo của “bộ đội dù”. Vượt qua mọi khó khăn, “bộ đội dù” đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của quân đội ta trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964 – 1972).
Bài, ảnh: Nguyễn Hương Bưởi
|