Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Ký ức ngày độc lập Ký ức ngày độc lập , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


(Petrotimes)
 - LTS: Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trùng hợp với dịp mừng đại thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2012). Báo Năng lượng Mới trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số những ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ngày 2/9/1945, rút từ cuốn “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng không thể nào quên” do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành.  

Mồng 2 tháng Chín năm 1945.

Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ.

Biểu ngữ bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga chăng khắp các đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Hoan nghênh phái bộ Đồng minh”…

Các nhà máy, các cửa hiệu buôn to, nhỏ đều nghỉ việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động buôn bán, sản xuất của thành phố tạm ngừng. Đồng bào thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước.

Những dòng người đủ mọi màu sắc, từ khắp các ngả tuôn về vườn hoa Ba Đình.

Đội ngũ của những người thợ quần xanh, áo trắng, tràn đầy sức mạnh và niềm tin. Người lao động bình thường hôm nay đến ngày hội với tư thế đường hoàng của những người làm chủ đất nước, làm chủ tương lai.

Hàng chục vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào. Những chiến sĩ dân quân mang theo côn, kiếm, mã tấu. Có những người vác theo cả những quả chùy đồng, những thanh long đao rút ra từ những giá vũ khí bày để trang trí các điện thờ. Trong hàng ngũ của các chị em phụ nữ nông thôn với những bộ quần áo ngày hội, có những người vấn khăn vàng, mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lý. Cũng chưa bao giờ người nông dân ở những làng xóm nghèo quanh Hà Nội đi vào thành phố với một niềm tự hào như ngày hôm ấy.

Những cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ.

Rộn ràng là các em thiếu nhi. Dù sự giàu nghèo của mỗi gia đình chưa đổi khác, nhưng từ ngày hôm nay, tất cả các em đều trở thành những người chủ nhỏ của đất nước độc lập. Theo nhịp còi của các anh, các chị phụ trách, các em khua rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng.

Những nhà sư, những ông cố đạo cũng rời nơi tu hành, xuống đường, xếp thành đội ngũ đến dự ngày hội lớn của dân tộc.

Nắng mùa thu rất đẹp trên Quảng trường Ba Đình, từ giờ phút này đã đi vào lịch sử. Đội danh dự đứng nghiêm trang chung quanh lễ đài mới dựng. Các chiến sĩ Quân giải phóng bữa trước theo Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa, từ Tân Trào tiến về phía Nam “đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch”. Hôm nay, họ đã đứng sát cánh cùng các đội tự vệ của công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ Chính phủ lâm thời.

Sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Bác đã trở về ra mắt trước một triệu đồng bào. Sự kiện lịch sử này mới hôm nào còn ở trong ước mơ.

Ba tiếng Hồ Chí Minh không bao lâu đã vang đi khắp thế giới với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc vĩ nhân. Nhưng vào ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào. Số người biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã ra mắt đồng bào như một lãnh tụ lần đầu xuất hiện trước đông đảo quần chúng.

Đó là một cụ già gầy gò, trán cao, mắt sáng, râu thưa. Cụ đội chiếc mũ đã cũ, mặc áo kaki cao cổ, đi dép cao su trắng.

Mấy ngày hôm trước, một vấn đề được đặt ra là phải có một bộ quần áo để Bác mặc khi Chính phủ ra mắt đồng bào. Cuối cùng, Bác đã chọn bộ quần áo này. Hai mươi bốn năm làm Chủ tịch nước, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, trong những cuộc đi thăm nước ngoài, Hồ Chủ tịch bao giờ cũng xuất hiện với một hình ảnh giản dị, không thay đổi. Vẫn bộ quần áo vải, trên ngực không một tấm huân chương, y như lần đầu Bác đã ra mắt đồng bào.

Ông cụ có dáng đi nhanh nhẹn. Dáng đi này cũng làm cho đôi người lúc đó hơi ngạc nhiên. Họ đã không nhìn thấy ở vị Chủ tịch dáng đi trang trọng của những người “sang”. Giọng nói của ông cụ phảng phất giọng nói của một miền quê đất Nghệ An.

Bác đã xuất hiện trước một triệu đồng bào ngày hôm đó như vậy.

Lời nói của Bác điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Không phải là cái giọng hùng hồn người ta thường được nghe trong những ngày lễ long trọng. Nhưng người ta tìm thấy ngay ở đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết; tất cả đều tràn đầy sức sống; từng câu, từng tiếng đi vào lòng người.

Đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi:

- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?

Một triệu con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm:

- Co.o.ó!

Từ giây phút đó, Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một.

Đây là bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt 80 năm của dân tộc. Đây còn là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những người con tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng của quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Đại tướng thăm đồng bào các dân tộc Cao Bằng năm 1994 (ảnh: Trần Hồng)

Buổi lễ kết thúc bằng những lời thề Độc lập:

- Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: “Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

- Chúng tôi xin thề: “Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng”.

- Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề:

“Không đi lính cho Pháp,

Không làm việc cho Pháp,

Không bán lương thực cho Pháp,

Không đưa đường cho Pháp!”.

Một triệu con người, một triệu tiếng hô cùng hòa làm một. Đó là lời thề của toàn dân kiên quyết thực hiện lời Hồ Chủ tịch vừa đọc để kết thúc bản Tuyên ngôn:

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

“Bản án chế độ thực dân Pháp” đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử.

Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên của Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cùng với cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra trong suốt hạ tuần tháng 8, ngày Độc lập mồng 2-9 đã có một ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của dân tộc.

Điều lo lắng của Bác trước đây 30 năm: “Đông Dương đáng thương hại! Ngươi sẽ nguy mất nếu đám thanh niên già cỗi của ngươi không sớm hồi sinh”, hôm nay, không còn là điều khiến cho Người phải băn khoăn. Cả dân tộc đã hồi sinh.

Độc lập, tự do đã đến với mỗi người dân. Mỗi người đã thấy được giá trị thiêng liêng của nó, thấy trách nhiệm phải bảo vệ. Vô vàn khó khăn còn ở trước mắt. Nhưng đối với bọn đế quốc, muốn phục hồi lại thiên đàng đã mất, mọi việc cũng không còn dễ dàng như xưa.

***

Đối phó với các quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật là một khó khăn lớn lúc này mà Đảng ta phải đương đầu. Ở miền Bắc, có tin Tưởng Giới Thạch sẽ đưa vào một số quân rất đông. Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Thường vụ đã bàn sách lược đối với bọn Tưởng.

Dã tâm của bọn Quốc dân đảng Trung Hoa, chúng ta đã rõ. Chúng là kẻ thù không đội trời chung của cách mạng. Ta phải cảnh giác đề phòng chúng lật ta để thay thế bằng bọn tay sai. Tuy nhiên, lúc này cần phải hòa hoãn với chúng, phải khôn khéo, tìm mọi cách tránh xung đột. Chính quyền cách mạng vừa thành lập đang cần có thời gian để củng cố và xây dựng lực lượng. Khẩu hiệu đề ra là “Hoa - Việt thân thiện”.

Thực hiện đối sách này với bọn Tưởng thật không dễ dàng. Đồng bào ta được sự giáo dục của Đảng từ lâu, đã biết Hồng quân Trung Hoa mới là bạn của ta. Quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch chính là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Trung Quốc; chúng cũng là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Việt Nam. Đồng bào ta vốn rất căm ghét chúng. Quân Tưởng lại là một đội quân mang nhiều tính chất thổ phỉ. Chắc chắn, khi tràn vào ta, chúng sẽ có nhiều hành động khiến cho đồng bào phẫn nộ, dễ xảy ra xung đột. Thường vụ đã phải cử người lên các tỉnh phía trên, phổ biến chủ trương, cùng các đồng chí lãnh đạo ở địa phương chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ và nhân dân trước khi quân Tưởng kéo vào.

Sau khi Nhật đầu hàng, Hà Ứng Khâm, Tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa, một tên chống cộng khét tiếng, đã thúc Lư Hán điều quân vào miền Bắc Việt Nam cho thật nhanh. Kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” đã được chuẩn bị từ lâu. Bọn quân phiệt Quốc dân đảng tin rằng đây là một thời cơ rất thuận lợi để thôn tính miền Bắc Việt Nam. Chúng tính ít nhất cũng đặt được từ vĩ tuyến 16 trở ra, một chính quyền tay sai ngoan ngoãn thực hiện mọi chỉ thị của chúng.

Bọn quân phiệt Quốc dân đảng sắp sẵn những con bài, gồm những tên tay sai người Việt ở Trung Hoa như: Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam… Chúng thuộc hai tổ chức: Việt Nam cách mệnh đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng, sống từ lâu ở nước ngoài, không có liên hệ gì với phong trào trong nước. Chúng tự nhận là những người Việt Nam yêu nước theo chủ nghĩa quốc gia, nhưng thực ra là một bọn phản động mưu toan dựa vào Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và mũi súng quân Tưởng để kiếm sống. Quân Tưởng đi vào Việt Nam bằng hai đường, nên bọn này cũng chia làm hai bộ phận đi theo chúng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đồng bào các dân tộc Cao Bằng

Vì tổ chức luộm thuộm, thiếu phương tiện vận chuyển, phải đi bộ, không có hậu cần đi cùng, đến đâu cũng phải xoay ăn, lại thiếu cả quân số, vừa đi vừa vét quân lính dọc đường, nên chúng đi khá chậm.

Phía Vân Nam, Quân đoàn 93 thuộc Đệ nhất phương diện quân của Lư Hán, theo kế hoạch sẽ đi dọc sông Hồng đến Hà Nội, cuối tháng 8 mới tới Lào Cai. Phía Quảng Tây, Quân đoàn 62, lực lượng của quân đội Quốc dân đảng Trung ương, có tướng Tiêu Văn đi cùng, sẽ đi đường Lạng Sơn, Cao Bằng xuống Hà Nội, mãi đầu tháng 9 mới vượt qua biên giới.

Hai quân đoàn khác, Quân đoàn 52 của trung ương và Quân đoàn 60 của Vân Nam đi tiếp theo, sẽ chia nhau xuống Hải Phòng, vào Vinh và Đà Nẵng.

Tổng quân số của chúng vào miền Bắc là 18 vạn người. Các quân đoàn Vân Nam nhiều binh lính ốm đau, ô hợp, kém huấn luyện. Những quân đoàn của trung ương mạnh hơn, về tổ chức cũng đỡ luộm thuộm. Bốn quân đoàn này được đặt dưới quyền chỉ huy chung của tướng Lư Hán. Tiêu Văn, một phó tướng của Trương Phát Khuê, từ lâu theo dõi vấn đề Việt Nam, lãnh trách nhiệm với bọn quân phiệt Quốc dân đảng trong việc sắp xếp chế độ chính trị tại miền Bắc.

Nguyễn Hải Thần theo Quân đoàn 62 vào Lạng Sơn, thì được tin Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra mắt trước một triệu đồng bào tại thủ đô Hà Nội.

Những tên chỉ huy Quân đoàn 62 đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang ta tại Lạng Sơn, Cao Bằng. Bộ đội ta không chịu. Chúng đem quân tới chiếm các doanh trại của Quân giải phóng. Bọn Việt Nam cách mệnh đồng minh hội núp sau lưỡi lê quân Tưởng, xông vào trụ sở của UBND tỉnh.

Để tránh xô xát lớn, các cơ quan chính quyền, đoàn thể và các lực lượng vũ trang ta phải tạm giãn ra vùng chung quanh. Nhân dân lập tức thực hiện “vườn không, nhà trống”. Thị xã trở nên vắng ngắt.

Bọn Việt Nam cách mệnh đồng minh hội đi lùng khắp nơi không kiếm ra đủ số người để làm một cuộc mít tinh nhỏ cho Nguyễn Hải Thần ra mắt. Chúng đành phải in một số truyền đơn phản đối việc Việt Minh thành lập Chính phủ lâm thời và nêu lên 13 điều thảo phạt Chính phủ Hồ Chí Minh. Không có ai mà phân phát, chúng đem truyền đơn rải khắp đường ngang lối tắt.

Bọn Việt Nam Quốc dân đảng do Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam cầm đầu, đi theo Quân đoàn 93 Vân Nam. Cũng dựa vào mũi súng của quân Tưởng, chúng tới đâu là tìm cách lật đổ chính quyền của nhân dân ta tại đó. Chúng lập trụ sở, tập hợp bọn phản động ở địa phương, quấy nhiễu, phá phách, cướp của, giết người. Thầy nào tớ nấy, bọn quân ô hợp của Long Vân hoạt động giống y như những tên thổ phỉ.

Tại một số nơi chưa được phổ biến kỹ chủ trương, những cuộc xung đột giữa các lực lượng vũ trang của nhân dân ta với quân Tưởng đã xảy ra.

Các cơ quan chính quyền và bộ đội ta được lệnh tạm rút ra ngoài một số thị trấn, thị xã ở vài tỉnh miền biên giới và dọc đường xe lửa từ Vân Nam về.

Trong nửa đầu tháng 9, gần hai chục vạn quân Tưởng đã tràn ra hầu khắp các tỉnh miền Bắc như một dịch bệnh. Theo gót chúng là những bọn tay sai tức tối vì thấy khó có cơ hội kiếm ăn to. Trước mắt chúng là lực lượng cách mạng rất lớn mạnh, một chính quyền rất đàng hoàng với những cơ sở chính trị vững chắc, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Chúng càng trở nên trơ tráo, lộ rõ nguyên hình bọn lưu vong mất gốc, được che chở bằng lưỡi lê quân đội phản động nước ngoài.

Ngày 11/9, tướng Lư Hán đáp máy bay đến Hà Nội.

Mấy hôm sau, những bản bố cáo dài dằng dặc được dán khắp nơi. Bọn quân phiệt Quốc dân đảng Trung Hoa coi như chúng tới một nơi không có chính quyền. Chúng tự cho chúng quyền giữ trị an trong thành phố. Chúng quy định giá trị của tiền quan kim, tiền quốc tệ, những thứ tiền giấy từ lâu đã trở thành mớ giấy lộn. Chúng đề ra cả những quy định để kiểm soát xe cộ đi lại trong thành phố.

Lư Hán tới được vài ngày thì Alétxăngđri cũng xuất hiện ở Hà Nội. Viên tướng chỉ huy quân đội lê dương Pháp tại Bắc Kỳ, đã đem bọn tàn quân chạy trốn sang Côn Minh trước cuộc tấn công của quân đội Nhật đêm mồng 9/3 năm nay, tại sao cũng đến được đây? Tình ý giữa bọn Tưởng và bọn Pháp ra sao là vấn đề cần được chú ý.

(Theo “Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng không thể nào quên”)


  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65160924

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July