QĐND - Anh Nguyễn Văn Tuyên, hiện trú tại xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội), con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Xuyên cho tôi xem những kỷ vật của cha mình. Trong số đó, có một “bảo vật” mà gia đình anh cất giữ, bảo quản cẩn thận nhiều năm nay. Đó là bức chân dung Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi mà cha anh đã “khắc họa” trên bức tường nhà, sau ngày anh Trỗi hy sinh năm 1964. Cách đây hơn 15 năm, khi gia đình anh Tuyên phá nhà cũ để xây nhà mới, anh Tuyên đã “cắt” nguyên vẹn mảng tường có chân dung anh Trỗi, bao gói cẩn thận để gia đình lưu giữ lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Dòn, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Xuyên bồi hồi kể: “Bức tranh này, ông nhà tôi vẽ suốt một buổi chiều cuối năm 1964. Thời bấy giờ, thanh niên ai cũng ngưỡng mộ tấm gương anh Trỗi và muốn được tiếp bước anh…”.
|
Liệt sĩ Nguyễn Văn Xuyên.
|
Đầu xuân năm 1966, chàng trai Nguyễn Văn Xuyên lên đường nhập ngũ khi cậu con trai Nguyễn Văn Tuyên mới 4 tháng tuổi. Gần 3 năm sau, gia đình nhận được tin anh đã hy sinh. Giấy báo tử số 56/HN ngày 2-12-1969 do Thượng tá Nguyễn Văn Tân ký, có ghi: “Hạ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Văn Xuyên, thuộc Đơn vị KH, nguyên quán thôn Văn Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội; sinh ngày 2-1-1942, nhập ngũ ngày 28-1-1966, hy sinh ngày 18-10-1968 tại Mặt trận phía Nam. Thi hài liệt sĩ mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ mặt trận…”.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, con trai liệt sĩ được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước đi học nghề ở Liên Xô (trước đây), rồi định cư, làm ăn bên nước bạn nhiều năm. Đến năm 1994, anh quyết định cùng vợ con về nước để có điều kiện chăm sóc bà, mẹ đều đã tuổi cao và đi tìm mộ cha.
|
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trên bức tường nhà anh Tuyên.
|
Mở cho tôi xem chiếc ba lô của người cha, kỷ vật đơn vị gửi về khi báo tử, gồm bao xe, hộp màu, ca đựng nước, lược, rút dép... anh Tuyên cho biết: “Đầu năm 1968 thì đơn vị bố tôi hành quân vào Nam. Trong lá thư cuối cùng, bố tôi viết: “Đơn vị hành quân vào Nam, qua Quốc lộ 32, chỉ cách làng Văn Trì mấy trăm mét, nhưng ai cũng phải bám theo đội hình. Đi qua làng, nhớ lắm, nhưng chỉ biết “quét” ánh đèn pin về phía xóm mình để chào tạm biệt!”.
Hơn 15 năm qua, anh Tuyên lặn lội nhiều nơi để tìm thông tin về mộ người cha, nhưng chưa có kết quả. Trong lá thư cuối cùng gửi về gia đình, liệt sĩ Xuyên cho biết: “Đơn vị đang dừng chân bên bờ sông Sê-băng-hiêng…”. Qua tra cứu hồ sơ, Phòng Chính sách Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559 trước đây) cung cấp cho gia đình một thông tin: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Xuyên, thuộc Đoàn 3027, hy sinh trên đường hành quân”. Gia đình rất mong nhận được thông tin của đơn vị và đồng đội cũ để tìm kiếm mộ liệt sĩ Xuyên. Chia tay tôi, anh Tuyên bộc bạch: “Nếu được, gia đình sẽ kính tặng quê hương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi bức chân dung của anh, mà cha tôi vẽ trên tường nhà trước khi lên đường nhập ngũ…”.
Bài và ảnh: Anh Quân
|