Năm Kỷ Mão (Gia Long năm thứ 18 - 1819), ông Trương Đăng Quế (1793 – 1865) người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh đỗ hương cống (cử nhân) tại trường thi Trực Lệ (sau đổi là trường thi Thừa Thiên) trở thành người khai khoa cho sĩ tử Quảng Ngãi.
Tròn 100 năm, cho đến khoa thi Hương năm Mậu Ngọ - Khải Định thứ 3 (1918) và khoa thi Hội năm Kỷ Mão tiếp theo đó, những khoa thi đặt dấu chấm hết cho chế độ thi cử Hán học tại Việt Nam, tỉnh Quảng Ngãi có 11 người đỗ đại khoa (5 tiến sĩ, 6 phó bảng), hơn 100 người đỗ Cử nhân (trong đó có 11 người đỗ Giải nguyên) và nhiều hơn là những người đỗ sinh đồ, tú tài.
1. Tiến sĩ Trương Đăng Trinh (1812 – 1843)
Ông có tên tự là Ninh Phủ, sinh năm Nhâm Thân, đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (Thiệu Trị năm thứ 1 - 1841) tại trường thi Hương Thừa Thiên; đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi Hội năm Nhâm Dần (Thiệu Trị năm thứ 2 - 1842), là người đỗ đại khoa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.
Văn Miếu Quảng Ngãi
|
Thi đỗ, ông được sơ bổ vào Hàn Lâm viện, giữ chức Hàn Lâm Tu Soạn, được một thời gian thì mất vào ngày 20 tháng 7 năm Quý Mão (1843).
Trương Đăng Trinh là con thứ Bình Khê xử sĩ Trương Đăng Dực và là cháu, gọi Quảng khê Trương Đăng Quế là chú ruột. Khi ông mất, Trương Đăng Quế có bài thơ “Khốc khuynh tử Hàn lâm tu soạn Đăng Trinh (Khóc cháu là Hàn Lâm tu soạn Trương Đăng Trinh) lời lẽ xót xa, thắm thiết:
Niệm cập hồi tâm can
Sảng nhiên hữu dư bi
(Nghĩ thôi tím ruột bầm gan
Thốt nhiên sầu tủi chứa chan khôn cầm).
Trong bối cảnh lịch sử - xã hội đầy biến động cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, dòng tộc Trương Mỹ Khê, có người làm quan triều Tây Sơn như Trương Đăng Trác (ông nội Trương Đăng Trinh - giữ chức Tri phủ), Trương Đăng Đồ (giữ chức Đô đốc, tước Tú Đức hầu); lại có người là quan lại triều Nguyễn như Trương Đăng Quế, Trương Quang Đản...
Cần phải có những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc mới đưa ra những nhận định thuyết phục về dòng tộc này, cũng như một số nhân vật họ Trương tiêu biểu về vai trò, tác động của họ vào lịch sử xã hội thời bấy giờ; song có thể thấy rằng đây là một dòng tộc nổi tiếng về khoa bảng, hiếu học và để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử không chỉ ở tỉnh Quảng Ngãi mà còn trong cả nước.
Rất nhiều tài liệu, sách biên khảo hiện nay để khuyết năm mất của Trương Đăng Trinh hoặc chép quan hàm của ông trước khi mất là “Hàn Lâm viên biên tu”. Những tài liệu khả tín mà chúng tôi có được (thư tịch Triều Nguyễn, tài liệu của dòng tộc Trương Tịnh Khê) chép rõ năm mất của ông là 1843 và chức quan là Hàn Lâm Viện tu soạn. Trong thứ bậc quan hàm thuộc Hàn Lâm Viện thời Nguyễn, Tu Soạn đứng sau Biên Tu một bậc.
2. Tiến sĩ Kiều Lâm (1825 – 1866)
Kiều Lâm hiệu là Thạch Hồ, sinh năm Ất Dậu – 1825, người làng An Đại, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa. Ông còn có các tên Kiều Tòng, Kiều Quang Thới.
Tại trường thi hương Bình Định, khoa Ất Mão (Tự Đức thứ 8 – 1855), ông thi đỗ cử nhân, xếp thứ 2 (Á nguyên) trong số 13 người được lấy. Năm Nhâm Tuất (Tự Đức năm thứ 15 - 1862) ông đỗ tiến sĩ xuất than.
Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan, từng giữ chức Bang biện Sơn phòng Nghĩa Định và là một mưu sỹ rất được Sơn phòng tiểu phủ sứ lúc bấy giờ là Nguyễn Tấn tin cẩn, giao cho nhiều trọng trách. Qua các ghi chép của Nguyễn Tấn trong “Phủ man tạp lục”, có thể thấy Kiều Lâm là một trong những người khá am tường miền núi phía tây Quảng Ngãi.
Kiều Lâm bị bệnh mất trong doanh trại vào năm Bính Dần – 1866. Mộ ông hiện tọa lạc tại xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi.
3. Tiến sĩ Tạ Tương (1847 – 1942)
Tạ Tương, sinh năm Đinh Tỵ (1857), người làng Chánh Lộ, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi.
Ông thi đỗ cử nhân năm Mậu Tý (Đồng Khánh năm thứ 3 – 1888) tại trường thi hương Thừa Thiên, xếp thứ 23 trong số 40 người thi đỗ. Năm Nhâm Thìn (Thành Thái năm thứ 4 - 1892) ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Tạ Tương ra làm quan, từng được triều đình bổ các chức Phụ chánh phủ Hành tẩu (1895), Đốc học Bình Định, Biện lý bộ Lễ (1897), Thị lang bộ Hình (1906), Tổng đốc Bình Phú, Tổng đốc Nam Ngãi. Ông cũng từng được cử làm Phó chủ khảo khoa thi hương năm Đinh Dậu (1897), và Chủ khảo khoa thi hương năm Bính Ngọ (1906), cùng ở trường thi Thừa Thiên.
Năm 1915 Tạ Tương cáo quan về quê trí sĩ. Năm Nhâm Ngọ (1942) ông qua đời, được tặng hàm Đông các Đại học sĩ.
Tạ Tương có người cha là Tạ Tuyên, đỗ cử nhân khoa Tân Dậu (Tự Đức năm thứ 14 – 1861) tại trường thi hương Thừa Thiên. Con ông là Tạ Hàm đỗ đầu (Giải Nguyên ) khoa thi hương năm Canh Tý (Thành Thái thứ 12 - 1900) tại trường thi Bình Định.
Đền thờ và mộ tiến sĩ Tạ Tương hiện tọa lạc tại thành phố Quảng Ngãi.
4. Tiến sĩ Đỗ Quân (1869 - ? )
Đỗ Quân (có sách chép là Đỗ Duân) sinh năm Kỷ Tỵ (1869), là cháu nội phó bảng Đỗ Đăng Đệ (1814 – 1888), người làng Châu Sa huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh.
Ông đỗ cử nhân (Á nguyên, xếp thứ 2 trong số 17 người thi đỗ) khoa Tân Mão (Thành Thái năm thứ 3 - 1891) tại trường thi Hương Bình Định. Năm Ất Mùi (Thành Thái năm thứ 7 - 1895), Đỗ Quân thi đỗ Hội nguyên, vào thi đình đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau khi thi đỗ, ông được bổ đi làm quan, từng giữ chức Đốc học, chưa rõ mất năm nào. Mộ phần hiện tọa lạc tại quê nhà.
Nhiều sách biên khảo trong những năm gần đây kể cả của các tác giả Quảng Ngãi chép ông là con Tùng Đường Đỗ Đăng Đệ, là không đúng. Phó bảng Đỗ Đăng Đệ có 2 người con là Toán và Duyên cùng 3 người cháu có tên là Quản, Tịch, Quân. Chưa rõ tiến sĩ Đỗ Quân là con của ông nào trong 2 người con ông Đỗ Đăng Đệ.
5.Tiến sĩ Lê Ngải (1868 - ?)
Lê Ngải (còn đọc là Lê Ngại), sinh năm Mậu Thìn – 1868, người xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ.
Ông thi đỗ cử nhân khoa thi hương năm Tân Mão (Thành Thái năm thứ 3 – 1891) tại trường thi Bình Định, xếp thứ 12 trong số 17 cử nhân được lấy. Năm Tân Sửu (Thành Thái thứ 13 – 1901), ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Lê Ngải ra làm quan, từng giữ chức huấn đạo huyện Mộ Đức. Chưa rõ ông mất vào năm nào, phần mộ hiện tọa lạc tại thị trấn Đức Phổ.
“Quảng Ngãi nhất thống chí” (bản chép tay) do ông biên soạn, đến nay vẫn chưa có nhiều người được tiếp cận, nhưng là một tác phẩm biên khảo cung cấp nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, quá trình diên cách, văn hóa và nhân vật vùng đất Quảng Ngãi.
Lê Hồng Khánh (QNĐT)