Trên tất cả là tình yêu Tổ quốc
Dưới cái nắng gay gắt ngày hè của miền Trung, tôi tìm về thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình gặp chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong hy sinh ở đảo Côlin thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Bên căn nhà ấm cúng, chị Liễu đang sửa soạn chuẩn bị gói ghém đồ đạc cho con trai là Thượng sĩ Nguyễn Tiến Xuân để ngày mai vào đơn vị nhận công tác. Câu chuyện về người chồng thương yêu của chị Liễu hy sinh đã hơn 20 năm qua lại dội về trong ký ức người vợ nghèo tần tảo thôn quê.
Sinh năm 1959, năm 1977 mới 18 tuổi, Nguyễn Mậu Phong đã tình nguyện viết đơn lên đường đánh giặc ở biên giới Tây Nam. Gần 10 năm trời lăn lộn khắp các chiến trường ác liệt ở biên giới, năm 1981, anh Phong được cấp trên đưa đi học sĩ quan. Năm 1984, tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Mậu Phong được phân công về Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân. Anh cùng với đồng đội lên đường ra canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa là nơi họ đến.
Trước ngày ra đảo, anh được đơn vị cho nghỉ phép gần 20 ngày về để làm lễ thành hôn với chị Trần Thị Liễu làng bên. Vợ chồng chưa ấm hơi nhau, anh đã phải trở về đơn vị. Từ lúc cưới vợ đến khi hy sinh, anh Phong chỉ về nhà được vài lần. Năm 1985 chị Liễu sinh con trai Nguyễn Mậu Trường. Gần 2 năm chị Liễu nuôi con chờ chồng đến năm 1987, anh Phong mới được về phép thăm nhà, ngắm con trai đầu lòng.
|
Chiến sĩ Nguyễn Mậu Trường (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội ở đảo Nam Yết. |
"Mấy ngày đầu nghỉ phép thấy anh trầm trầm ít nói, mặt hơi buồn tui tưởng có chuyện chi ở đơn vị. Đêm gặng hỏi anh mới thổ lộ, trên đường về nhà, tiền lương anh cất giữ được hơn 1 ngàn đồng để về giúp vợ con đã bị kẻ gian lấy hết kể cả quần áo, tư trang. Tui ôm anh, thương chồng mà nước mắt cứ chảy dài. Hôm sau, nhìn căn nhà ọp ẹp, nước mưa lênh láng nên anh về nhà nội chặt tre, dựng lại căn nhà cho mẹ con ở. Ngày anh lên đường trở về đơn vị, anh bị sốt cảm. Buổi chiều trước khi đi anh cứ bồng chặt cu Trường dạo quanh nhà. Tui muốn giữ chồng ở lại vài bữa để xông cho khỏi hẳn nhưng anh bảo, việc đơn vị gấp lắm, anh phải vô. Ai ngờ đó là lần cuối cùng vợ chồng được gặp nhau".
Ngày 14/3/1988 là một ngày mà bất cứ người Việt nào cũng không được phép quên. Vùng biển trời của đất nước dậy sóng khi tàu nước ngoài ngang nhiên nổ súng xâm chiếm chủ quyền vùng đảo Côlin của ta. Lúc đó anh Nguyễn Mậu Phong và đồng đội canh giữ đảo đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để khẳng định chủ quyền của đất nước.
Tiếp bước cha anh giữ đảo
Mang thai đứa con thứ hai mới được 7 tháng, chị Trần Thị Liễu nhận được giấy báo chồng hy sinh trên biển đảo. Chị gần như ngã quỵ, hình ảnh người chồng thương yêu luôn hiện về bên chị. Cạnh bên, đứa con trai hơn 2 tuổi Nguyễn Mậu Trường cứ cầm lấy áo mẹ mà khóc. Phải gắng gượng nuôi con trưởng thành, đó là tình yêu bền chặt dành cho chồng, chị nghĩ vậy.
Một nách nuôi 2 con nhỏ, chị Liễu đầu tắt mặt tối với ruộng đồng. Nhiều hôm làm đồng về trời đã khuya, nhìn 2 đứa con thơ ngồi cạnh cửa chờ mẹ, nước mắt chị chảy dầm vạt áo. Quê nghèo nên cũng chẳng ai đỡ đần được cho mẹ con chị. Gần 20 năm tần tảo nuôi con, những lúc khó khăn nhất, chị Liễu lại thắp hương trước bàn thờ chồng tâm sự để cho lòng vơi bớt lo toan.
|
Chị Trần Thị Liễu dặn dò con trai Nguyễn Tiến Xuân trước ngày trở lại đơn vị. |
Hai đứa con của chị Liễu hiểu về nỗi vất vả của mẹ nên học hành rất chăm ngoan. Chị và con thường nói với nhau "ước mơ một lần được ra nơi ba đã ngã xuống để thắp hương cho ba và đồng đội của ba". Năm 2007, con trai chị Liễu, Nguyễn Mậu Trường đã viết đơn tình nguyện vào bộ đội ra đảo Trường Sa. Đúng 20 năm sau ngày ba hy sinh để giữ đảo, tháng 1/2008, trên chuyến hành trình HQ-936 ra Trường Sa có một hạ sỹ cấp bậc tiểu đội trưởng là Nguyễn Mậu Trường, con trai liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong. Trường cùng đồng đội đóng quân ở đảo Nam Yết. Giữa bao la biển trời, sóng nước quê hương, anh vẫn luôn tự hào về người cha của mình, mỗi lần tàu qua đảo Côlin, anh và đồng đội lại thả hoa tưởng nhớ những người đã ngã xuống.
Năm 2007, khi anh trai lên đường nhập ngũ cũng là lúc Nguyễn Tiến Xuân, con trai thứ hai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong nhận giấy báo lên đường vào học Học viện Hải quân. Ba hy sinh khi Xuân còn nằm trong bụng mẹ, nhưng câu chuyện về người cha anh hùng của mình như ngọn đèn sáng luôn soi rọi cho 2 anh em Xuân và Trường tiếp bước. Ngày tiễn anh Trường ra đảo Nam Yết, Xuân thầm thì với anh "em cố gắng học giỏi, ra trường rồi cũng xung phong ra đảo".
Trong quá trình học tập, Xuân và các học viên đã nhiều lần ra quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện, vừa tốt nghiệp xong, về quê thăm mẹ được ít ngày, Xuân đang quay lại trường để nhận quyết định công tác. Cầm tay tôi thật chặt, Xuân cười hiền khô "Nếu tết ni anh đi ra đảo Trường Sa công tác để viết bài nhiều khi anh em ta lại gặp nhau mà".
Nhìn Xuân hồ hởi sắp xếp tư trang, lòng tôi dấy lên một niềm tin khó tả: Tổ quốc mãi trường tồn bởi như cố nhà thơ Tố Hữu đã viết "Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành"
theo CAND