Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người > Con Người Việt Nam >
  Nguyễn Phan Chánh người phả hồn Việt vào tranh lụa Nguyễn Phan Chánh người phả hồn Việt vào tranh lụa , Người xứ Nghệ Kiev
 

 (HNHN)Với cố danh họa Nguyễn Phan Chánh, hội họa Việt Nam đã có một phong cách tranh lụa của riêng mình, thoát khỏi những ảnh hưởng tranh lụa Tàu, tranh lụa Nhật Bản trước đó. 
Trong hồi ức của bạn học Trường Mỹ thuật Đông Dương, từ tạng chất đến tính tình Nguyễn Phan Chánh đều gây cho chính ông nhiều phiền hà. Trong khi các bạn học của mình, người chải chuốt như Lê Văn Đệ, người đài các như Lê Phổ, người mơ màng như Mai Trung Thứ thì Nguyễn Phan Chánh cứ tỏa mãi ra một khí chất nhà nho, với chiếc ô đen lúc nào cũng kè kè mang theo người. Không chỉ có thế, khi các bạn đã quen với lối vẽ sơn dầu các thầy Tây mang đến, cậu sinh viên vẫn thấy khó hòa hợp với chất đặc sánh của sơn dầu. Ngay cả những đề tài cậu khai thác cũng quá hiền hòa, dung dị và không mấy nổi trội so với bạn học.

Làn hương của quá khứ

Nhưng khi sang tới năm thứ tư, vẽ màu nước trên lụa thì mọi việc thay đổi hẳn. “Gặp cái mịn màng, thanh nhẹ của chất lụa, cái trong trẻo bay bổng của chất màu nước, ông như gặp một tri âm tâm đầu ý  hợp đã cùng nhau ước hẹn tự bao giờ”, họa sĩ bậc thầy Trần Văn Cẩn - học trò của Nguyễn Phan Chánh nhớ lại. Ngay ở những tác phẩm đầu tiên như Chơi ô ăn quan, Em bé cho chim ăn..., Nguyễn Phan Chánh đã gặp đúng nơi phù hợp để bộc lộ tâm hồn đằm thắm và thanh nhẹ của mình.

Chào sự ước lệ trong tranh lụa Trung Hoa, Nhật Bản, Nguyễn Phan Chánh có cách kể thật những câu chuyện  trong đời sống thường ngày của Bắc bộ. Những sắc màu của ông cũng không có ảnh hưởng nặng trĩu của những quan điểm thẩm mỹ đã đóng cứng thành khuôn phép. Nó tỏa ra sự ấm áp của những sự vật mà bất cứ ai cũng có thể thấy thấp thoáng quanh mình.

Cuộc đấu xảo thuộc địa năm 1931 tại Pháp đã đưa tên ông ra ngoài xứ sở, làng nghệ thuật nước ngoài phải bàn tán về đề tài Việt Nam này. Thậm chí tờ L’Illustration số đặc biệt Noel 1932 còn dành mấy trang in màu để giới thiệu tranh của ông. Tác giả bài báo là Jean Tardieu - con trai của thầy Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương Victor Tardieu.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân nhớ lại: “Năm 1931, triển lãm ở Paris đưa công chúng Pháp lần đầu gặp hội họa Việt Nam. Tôi muốn nói những bức tranh vẽ trên lụa không Tây, không Tàu, không Nhật của anh chàng Nguyễn Phan Chánh khư khư giữ ô thời trước, cái anh chàng đã gây ra phong trào tranh lụa đặc biệt An Nam mà chính anh ta và tất cả không ngờ”.

Còn theo nhà văn Nguyễn Tuân: “Tác phẩm Nguyễn Phan Chánh khả ái ở chỗ hoàn toàn Việt Nam. Nó cho ta thấy cuộc sống đặc biệt không giống cuộc sống nào hết”.

Từ những bức lụa của ông, tỏa ra một làn hương của quá khứ, chỉ khác ở chỗ không có sương khói phủ lên. Nhân vật của ông đều có dáng hiền hòa, chủ yếu là phụ nữ, và số ít trẻ em. Họ cùng ông kể những câu chuyện đồng áng, vườn tược và trò chơi dân gian. Nhưng sâu thẳm những bức tranh không kể về một trò chơi dân gian, một sớm nắng vườn cụ thể, mà tả về một thế giới yên tĩnh, ngây thơ tột cùng ông vẫn luôn sống trong, vẫn hằng mang ô đen đi về. Ở những thời kỳ sau, tranh của ông ngày một động hơn, màu sắc cũng chuyển dần từ sắc nâu sang những màu tươi tắn hơn nhưng sự ngây thơ, lay động của tuổi hoa vẫn còn nguyên vẹn. Và hơn cả, chúng nói lên ước nguyện thanh bình.

Cụ Nguyễn Phan Chánh bên bức ''Chơi ô ăn quan'' - Ảnh: tư liệu gia đình

Mềm như lụa

Sự thanh bình từ chính trong tâm tỏa ra khiến Nguyễn Phan Chánh sau này có lúc đủ sức mạnh để thực hiện những tác phẩm - “hiện tượng gây sốc” theo cách nói bây giờ. “Năm 1962 bức tranh Kỳ lưng của cha tôi đã làm xôn xao giới họa sĩ. Thời kỳ ấy, do quan niệm khắt khe nên hầu như họa sĩ không được vẽ tranh nude. Bức tranh Kỳ lưng của cha tôi là bức đầu tiên “phá rào” vẽ một cô thiếu nữ tắm trần”, bà Nguyệt Tú - con gái của họa sĩ kể lại.

Trong tranh, hai thiếu nữ đang tắm ở một góc vườn. Điều kỳ lạ là vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh hiện ra vừa rõ vừa dịu dịu. Bà Nguyệt Tú cho biết, sinh thời khi còn sống danh họa từng nói rằng lụa là chất liệu mô tả làn da người phụ nữ tốt nhất. Trong các tác phẩm mô tả da thịt phụ nữ của ông như Kiều, Tiên Dung những đường cong không phô diễn mà lùi lại cho những mảng lụa mềm màu sáng ánh ngọc trai trắng ngần. Không còn rõ đâu là làn da, đâu là lụa nữa. Nhưng bức tranh không chỉ đẹp vì lụa, nó chính là biểu hiện của ứng xử hình họa kín đáo, nho nhã của một họa sĩ mang tâm hồn ông đồ Nho tỉnh lẻ Việt Nam bấy giờ.

Nguyễn Phan Chánh gắn với Hà Nội nhiều năm, từ những ngày học trường mỹ thuật đến khi đã ngoài bảy mươi vẫn đạp xe hoặc đi tàu điện xuống khu lao động An Dương để lấy chất liệu vẽ. Bà Nguyệt Tú nhớ lại, khi đó, ông không đi sơ tán mà ở lại Hà Nội. Ông tới hẳn trận địa, khu lao động để sống cuộc sống chiến đấu với dân quân, tự vệ, chiến sĩ…

Họa sĩ vẽ bức tranh về nữ dân quân cho con bú. Cậu bé nằm trên phản, dang chân tay vì được bú no và gần mẹ. Còn người mẹ lòng nhẹ nhàng hạnh phúc vô ngần. Một cách vẽ chiến tranh riêng. Bà Nguyệt Tú kể, sinh thời họa sĩ nói không vẽ súng lên lụa, vẽ lên để bắn thủng lụa à. Những khoảnh khắc tình mẫu tử trong chiến tranh như thế ấm lòng mà động viên người trực chiến. Trong tác phẩm Sau giờ trực chiến, chị tự vệ cười tươi với con sau cả ngày bùn đất ngoài trận địa. Đây là bức duy nhất họa sĩ để nhân vật nữ cười tươi tắn trực diện trong tranh.

Có điều, gắn bó với Hà Nội là thế, mà giờ đây sau nhiều lần đề nghị của Hội mỹ thuật vẫn chưa có một đường phố nào ở thủ đô mang tên Nguyễn Phan Chánh. Việc này, TP.HCM đã làm từ lâu. Đây cũng là điều đáng tiếc.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo xã Trung Tiết, H.Thạch Hà (nay thuộc TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1925, ông trúng tuyển khóa đầu tiên vào Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh sáng tác tranh lụa Chơi ô ăn quan cùng một số họa phẩm khác như Cô gái rửa rau, Em bé cho chim ăn, Lên đồng. Cũng năm này tại triển lãm Paris (Pháp) một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được giới thiệu. Từ đó, ông được coi là người sáng lập ra hội họa lụa hiện đại Việt Nam.

Năm 1955, Nguyễn Phan Chánh làm giảng viên hội họa Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1957, ông được bầu vào BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1. Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất; Truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.

Nhà phê bình Thái Bá Vân đánh giá ông là một nghệ sĩ thành công trong đơn độc, không lập được trường phái, cũng không có thế hệ nối tiếp và phát huy bút pháp cá biệt của mình ở Việt Nam.

Trinh Nguyễn - Thanh Niên Online


  Các Tin khác
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
  + Gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam: Con cháu thừa hưởng "mã gen tài năng" (02/12/2024)
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66031844

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July