Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330), Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu mất tại am Mộc Cảo (Yên Sinh, Hưng Yên). Bà là Hoàng hậu của vua Trần Anh Tông và là thân mẫu của vua Trần Minh Tông.
Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thân, Trần Minh Tông (bấy giờ đã nhường ngôi cho con là Trần Hiến Tông để lên làm Thái Thượng hoàng) cho phụ táng bà vào Thái Lăng (tức lăng của Trần Anh Tông). Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 5 b) và sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 9, tờ 33) có ghi lại việc này vắn tắt như sau:
“Trước đó, Thượng hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất.
Có người bác đi, nói rằng:
- Chôn năm nay tất hại đến người chủ tế.
Thượng hoàng sai hỏi lại người đó rằng:
- Ngươi biết là sang năm ta nhất định chết à?
Người đó trả lời không biết. Thượng hoàng liền nói:
- Nếu sang năm mà ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu sớm chẳng hơn là chết rồi mà vẫn chưa lo được việc đó ư. Lễ cát hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc chứ đâu phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương.
Rốt cuộc vẫn cử hành lễ phụ táng ấy".
Lời bàn:
Âm dương gia cho việc chọn ngày là hệ trọng, vì cho rằng việc này liên can mật thiết đến an nguy của người cử hành. Minh Tông thì khác, Nhà vua chọn việc trước, chọn ngày sau, nếu chỉ được phép chọn một trong hai thì Nhà vua chọn việc chứ không phải chọn ngày. Xem chuyện này, ai dám bảo người xưa là cổ hủ. Chép xong đoạn sử trên. Quốc Sử Quán triều Nguyễn phê ngay ba chữ là: "có kiến thức", gọn gàng mà đầy đủ lắm thay. Ai đó còn mê muội với chuyện ngày lành tháng tốt há chẳng nên đọc chuyện này cho kĩ đó sao?
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần