Chiến tranh như nước thủy triều, đã hòa vào bên bờ xương máu của dòng sử. Nhìn lại 37 năm cuộc chiến đi qua, giờ thì mặt đất đã bằng phẳng, những đồi cây tự lành vết thương và khoác lên mình một màu xanh đầy sức sống. Những giai điệu mang con tim khát vọng hòa bình vẫn vang vọng đâu đây. Một mai đến tận cùng thế giới, nền hòa bình viên mãn sẽ được thực thi và lan tỏa.
Tâm bút người thực hiện bài viết này không chỉ là xưng tụng một tên tuổi, vinh danh một cá thể con người. Cái chính yếu là để được trân trọng, cảm nhận những giá trị tinh thần như mở rộng vòng tay kết nối với tha nhân qua từng giai điệu hướng đến chân, thiện, mĩ, kiến tạo một nền hòa bình là hành trang giữa cuộc đời để sống và để yêu!
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có cách sống đơn sơ, mộc mạc nhưng nặng lòng yêu. Nhạc khúc của anh từ ca từ đến giai điệu đậm một phong cách riêng- trọn hơi thở cho sức sống, là chiếc cầu nối kết để “nhân giới hướng đến biên giới” trong con tim thao thức khát vọng hòa bình giữa tình quê, tình đời. Trong con người của anh Sơn là một tâm hồn “phiêu lãng” với tấm lòng rộng mở, anh đam mê cách sống “lang thang nhặt nhạnh” để thẩm thấu đời mình trong từng nỗi đau của rêu phong, sỏi đá hay trên con suối đã cạn nguồn, từ đó lòng vinh danh tình yêu. Ước nguyện hòa bình đến từng nhành cây, khóm cỏ, tiềm ẩn rêu mòn lối xưa là nguồn cội của một chốn đi về. Với gần 700 nhạc phẩm gửi vào tình yêu - quê hương, triết lý có, tính phổ cập đồng dao cũng nhiều. Ca từ giai điệu hài hòa trong một khúc thức để người nghe dễ gần và mến mộ nhạc của anh, trong tính triết thuyết phương Đông mang đậm nhân văn, nhân bản lại rất dung dị, thấm nhuận được cái thân phận, kiếp người; trong mọi hoàn cảnh vẫn bừng lên một sức sống tin yêu hy vọng. Cũng vì lẽ đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã chọn lựa một số ca khúc của Trịnh Công Sơn đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục của các trường tiểu học.
Giai điệu kiến tạo hòa bình! Đặc biệt trong gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ đã ký gửi, thế chấp nỗi niềm khát khao mong muốn ngày quê hương xứ sở sớm hòa bình. Ngược dòng thời gian ở vào đầu những năm 70, chiến cuộc leo thang đến đỉnh điểm của sự tàn khốc. Khát vọng hòa bình như làn sóng mãnh liệt lan tỏa khắp mọi miền từ thôn quê đến đô thành, tập hợp đông đảo quần chúng mọi thành phần: dân cày, thợ thuyền, các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên đến văn nghệ sĩ và cả những binh sĩ trong chính quyền Sài Gòn mệt mỏi vì chiến tranh, quay súng phản chiến, trở về quê hương.
Tổng hội sinh viên ngày ấy do Huỳnh Tấn Mẫm cùng nhiều thành viên đã tập hợp thành phong trào yêu nước rầm rộ, sôi nổi với nhiều hoạt động đấu tranh, kiến tạo hòa bình. “Quán văn” nơi hội tụ những bài ca “xuống đường”đập tan gông cùm xiềng xích, trong dòng người biểu tình lửa trại yêu nước của học sinh, sinh viên bừng sáng cùng âm nhạc Trịnh Công Sơn phản chiến mong muốn hòa bình đã đi vào quần chúng cùng nhau hát vang nơi này… “Dậy mà đi, dậy mà đi, bao nhiêu năm qua ta sống không nhà, bao nhiêu năm qua ta chết không nhà… Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”. Nơi kia “Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin vui mừng... Là người, xin được cùng anh em đắp xây hòa bình”. Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Phạm Thế Mỹ, Tôn Thất Lập cùng với hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn như: Lại gần với nhau, Ghế đá công viên, Chờ quê hương chói sáng, Nối vòng tay lớn… Ta thấy phần lớn lời ca thiết tha như:“ Đêm sông Hương nhớ nhung ngày Cửu Long, mong có ngày Hồng Hà góp hội trùng dương…”, “đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”, hay “từng hàng kẽm gai xé nát da thịt, em bé lõa lồ khóc tuổi thơ ngây…”. Nghe để thẩm thấu cái cực nhọc, vất vả nhưng có thấm gì đâu với long đong thống khổ của người dân trong đất nước chiến tranh. Thương mẹ già mong mỏi một đêm trọn giấc ngủ bình an… để rồi ta gặp nhau nơi đây trong ngày vui hòa bình toàn thắng. Bắc Nam sum họp một nhà cùng “nối vòng tay lớn” rộng dài muôn nơi mà lòng bồi hồi một niềm vui ấm lại.
Nhân loại đã bước vào ngàn năm thứ ba, thiên niên kỷ của xây dựng nền hòa bình, văn minh tình thương nhân loại. Vẫn còn đó nơi này, nơi kia những phần của thế giới hận thù, bạo lực, khủng bố…
Hãy thắp lên ngọn lửa lòng! Hòa lời ca cùng Trịnh Công Sơn và muôn triệu trái tim khát khao, thiết tha hòa bình. Vãn hồi hòa bình thế giới để đôi môi trẻ thơ hé nở, cho ánh mắt đón nhận nụ cười…