Hôm nay, 19/6, nhân dịp Ban Biên tập ảnh TTXVN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và cho ra mắt cuốn sách ảnh Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn của nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và là người cùng tổ ảnh quân sự với Lương Nghĩa Dũng.
Phóng viên ảnh chiến trường Lương Nghĩa Dũng tại mặt trận Đường 9 Nam Lào
Xếp giáo án, lên đường với chiếc máy ảnh
Lương Nghĩa Dũng sinh ra ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Thuở nhỏ anh được cha mẹ gửi ra Hà Nội học chữ, rồi học nghề ở trường Kỹ nghệ Đông Dương.
Năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn quyết liệt, đang học năm thứ hai, thấy bạn bè truyền tin có cuộc tuyển quân, anh đã bỏ học, cùng một số bạn bè ở quê chạy ra Nho Quan, Ninh Bình xin nhập ngũ. Và từ đấy, Nghĩa Dũng trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hòa Bình lập lại, anh vào đại học rồi làm giáo viên môn Vật lý, giảng dạy cho bộ đội. Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, anh cùng Hứa Kiểm, Vũ Tạo theo học cấp tốc khóa đào tạo phóng viên nhiếp ảnh TTXVN, rồi về phòng Thông tấn quân sự. Họ cùng Văn Bảo, Lâm Hồng Long - phóng viên dân sự của phân xã nhiếp ảnh - tạo thành tổ ảnh quân sự do Văn Bảo làm Tổ trưởng. Từ năm 1967, 1968 trở đi, tổ ảnh quân sự thêm các phóng viên của TTXVN: Hữu Thứ, Phạm Hoạt, Xuân Lâm, Chu Chí Thành... Tổ ảnh này là mũi xung kích của ảnh chiến tranh.
Bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu (1968)
Chiếc máy ảnh vỡ vì mảnh pháo và 20 lần chết hụt
Trận thử sức đầu tiên là chuyến công tác năm 1967 vào khu 4 cũ. Đây là những trọng điểm mà quân đội, thanh niên xung phong bám trụ kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, mở đường cho xe vận tải vào chiến trường miền Nam.
Có lần vào mùa Thu 1967, Nghĩa Dũng trực chiến tại đại đội pháo cao xạ 367 ở Hải Phòng. Trong trận đánh quyết liệt, máy bay Mỹ liên tiếp lao xuống cắt bom vào trận địa. Không may, anh bị sức ép của bom hất xuống chân ụ pháo. Đất, bụi phủ kín lên người, các chiến sĩ tưởng anh đã hy sinh. Mọi người lao tới bới đất ra, xốc nách anh dậy. Mặt anh lúc ấy đen sạm, mắt lờ đờ, nhưng tay anh vẫn cầm chiếc máy ảnh Exakta (3x4 cm) và cổ vẫn đeo chiếc máy ảnh Rolleiflex (6x6 cm).
Các chiến sĩ đưa vào sở chỉ huy, cho uống nước, anh tỉnh dần. Ban lãnh đạo đại đội ra lệnh cho tổ cứu thương đưa anh đi bệnh viện. Anh cười: Bình thường rồi, đơn vị có ai bị thương không? Đại đội trưởng trả lời: Không anh ạ, chỉ lo mỗi anh thôi!
Được tin Hải Phòng bắn rơi máy bay, Nghĩa Dũng lại bị bom vùi, ông Hoàng Tư Trai, Chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh cử người theo ô tô xuống Hải Phòng nhận phim về làm ảnh và đưa Nghĩa Dũng đi điều trị, thay người khác trực chiến. Xe đến nơi anh giao phim, nhưng không về, dứt khoát ở lại cùng đơn vị để “phục thù” với các trận chiến đấu hôm sau.
Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm là ba người liên tục được điều động đi các mặt trận lớn như: Khe sanh, Đường 9 Nam Lào, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào), Tây Nguyên, Quảng Trị, Stung-teng (Campuchia)…
Tại Quảng Trị, Xuân Hè 1971 - 1972, Nghĩa Dũng là một mũi chủ công ở trên cao điểm 500, với chiếc máy ảnh Practica, anh chụp cảnh các chiến sĩ giải phóng gan góc đánh trả địch thì gặp ngay một loạt đạn pháo của đối phương trùm lên trận địa. Ống kính máy ảnh bị mảnh pháo chém vỡ một góc. Anh cũng bị đất cát trùm kín. Thế là máy ảnh được gói lại cùng với các cuốn phim đã chụp gửi về Hà Nội.
Tới lúc ấy, Nghĩa Dũng đã chết hụt hơn 20 lần! Trong sách, Hứa Kiểm kể lại câu chuyện Nghĩa Dũng 1 năm 3 lần chết hụt, Trần Dũng, Phạm Hoạt nói về cuộc chia tay lần cuối với Lương Nghĩa Dũng, Hồng Thụ và tôi (Chu Chí Thành) nhắc tới chuyện ngày đầu vào nghề được Nghĩa Dũng kèm cặp…Tất cả đều với tấm lòng thương yêu, cảm phục anh.
Đường 9 - Bộ đội và dân quân chống lầy đưa xe tăng vào mặt trận.
Người anh hùng và đất anh hùng
Năm 1968, anh và tôi đi công tác khu 4, tôi cứ nghĩ rằng anh đã làm báo lâu năm vì tôi thấy anh rất thạo việc, rất quyết đoán và hiệu quả công tác cao. Mãi sau này, tôi mới biết anh vào nghề nhiếp ảnh trước tôi có 1 năm. Vậy mà 6 năm cầm máy cho đến khi hy sinh, anh đã chụp được hàng trăm nhân vật tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam, hàng chục con người được tuyên dương anh hùng, hàng trăm sự kiện, sự việc đậm chất anh hùng cách mạng của nhân dân ta.
Lê Mã Lương trên mặt trận Đường 9 lấy súng giặc giết giặc. Đinh Viết Sửu giữ thông tin thông suốt trong mưa bom bão đạn. Nguyễn Quốc Kha bắn rơi 7 máy bay lên thẳng của địch bằng súng 12,7mm. Nguyễn Thị The, Đại đội trưởng đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy và các cô gái đồng đội của chị 3 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ. Anh hùng không quân Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đức Soát (người Phú Xuyên, Hà Tây quê anh)… Anh thể hiện họ lúc đang chiến đấu, lúc đang làm việc với khí thế của những người chiến thắng…
Đó là những con người thật, sự việc thật, hoàn cảnh thật của cuộc chiến. Thời chiến là thời kỳ phi thường nên con người và hành động của họ trong hoàn cảnh đó cũng phi thường. Những con người đó, họ chế ngự được khó khăn, làm chủ được thời khắc nguy hiểm, và không nghĩ mình là phi thường là anh hùng.
Nghĩa Dũng cũng vậy, anh thấy việc mình làm là cần thiết nhưng bình thường như việc của mọi người lính, và say mê ghi lại hình ảnh những con người tiên tiến ấy bằng sự đồng cảm và khát vọng chiến thắng của trái tim mình.
Những khoảnh khắc tột đỉnh của chiến tranh
Cuốn sách ảnh Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn giới thiệu gần 200 ảnh tiêu biểu của anh, làm rõ hơn, sâu sắc hơn những gì đã xảy ra trong thời chiến.
Bức ảnh Phân đội 13 pháo mặt đất Vĩnh Linh trút bão lửa xuống căn cứ địch ở Dốc Miếu, tháng 1/1968 cho thấy 2 pháo thủ đầu trần hối hả nạp đạn và giật cò, nã pháo liên tiếp vào đồn địch. Xung quanh họ là đất đá bụi mù, cây lá rung chuyển. Đất ấy, bụi ấy là do pháo của địch bắn trả nổ sát trận địa. Do đó, bức ảnh còn có tên là Đấu pháo ở Dốc Miếu. 2 pháo thủ đầu trần làm cho người xem ngạc nhiên. Sao họ không đội mũ sắt để tránh mảnh đạn? Giống như vậy, bức ảnh các cô gái dân quân Ngư Thủy, Quảng Bình đánh trả tàu chiến Mỹ do anh chụp cũng chỉ thấy 2 mái tóc trần của 2 cô gái, lộ ra cả chiếc cặp ba lá trắng xóa trên đầu. Khẩn cấp, không kịp đội mũ mà!
Cảnh tượng này tôi được chứng kiến vì anh và tôi cùng ở Ngư Thủy hôm đó. Nghe kẻng báo động, các cô nhảy xuống ụ pháo, theo lệnh chỉ huy là bắn liền. Bức ảnh này chụp vào tháng 5/1968, cũng là bức ảnh đẹp có một không hai về những người con gái Quảng Bình. Chính sự bình thường, tự nhiên tưởng như bất thường ấy lại nói rất nhiều về tinh thần gan góc, quyết chiến quyết thắng của người cầm súng.
Bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu được chụp trong khoảnh khắc khẩn cấp, bất ngờ như vậy, đã đoạt giải thưởng Nhà nước năm 2007. Đó là một trong nhiều bức ảnh hào hùng và rất sống động của anh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ mà các đồng nghiệp Tây và Ta đều khâm phục.
Đóng góp 16 ảnh trong Hồi niệm
Hai phóng viên ảnh của Mỹ Horst Fass và Tim Page, những người đã từng chụp ảnh ở chiến trường Đông Dương, đã thực hiện bộ sách ảnh Requiem (Hồi niệm) nổi tiếng thế giới, giới thiệu 144 nhà nhiếp ảnh trên thế giới ở hai phía đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương. Sách do nhà xuất bản Random New York ấn hành. Họ đã chọn ra 16 ảnh của Nghĩa Dũng giới thiệu trong cuốn sách này và trân trọng, đánh giá cao sự nghiệp của anh.
|
Chu Chí Thành