Chân dung nghệ nhân Lý Thị Nhiễn (dân tộc Châu Ro), cộng đồng người Châu Ro rất quý mến gọi bà là “già làng”, “người uy tín” vì những đóng góp không biết mệt mỏi của bà trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Ảnh: Nguyễn Luân
|
Chỉ mong con cháu không quên bản sắc văn hóa dân tộc
Ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với bà Nhiễn là một người rất vui vẻ, thích trò chuyện và còn rất khỏe mạnh dù năm nay đã gần 80 tuổi, thường ngày vẫn phụ chăm cháu, thu hoạch tiêu giúp con cái và luyện tập đàn hát.
Bà kể bà biết hát hầu hết các điệu dân ca Châu Ro từ năm 17, 18 tuổi, và cũng đánh được một số nhạc cụ như chiêng, goongkla (một loại đàn làm bằng tre của người Châu Ro). Người Châu Ro cũng có nhiều lễ hội lớn trong năm, trong đó có lễ hội cúng thần lúa (Yangri) vào tháng 3 âm lịch, lễ hội cúng thần rừng (Yangva) vào tháng 11 âm lịch là hai lễ hội lớn nhất. Vào dịp này, bà con già hay trẻ, dù đi làm ăn ở xa cũng tranh thủ về để tổ chức lễ hội. Ngoài phần lễ, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật múa hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ sẽ được dịp trình diễn để bà con và du khách cùng thưởng thức.
Khi thấy có nhiều người trẻ đã quên mất những lời dân ca, điệu múa, không nhớ cách đánh cồng chiêng, cách đàn goongkla khiến bà Nhiễn rất buồn. Thế rồi bà “rủ rê” bạn bè trong xóm về nhà bà để cùng nhau luyện tập văn nghệ, tập múa hát dân ca, tập đánh cồng chiêng để rồi hình thành nên nhóm văn nghệ chuyên đi biểu diễn phục vụ tại địa phương. Bà Nhiễn tâm niệm để gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn của dân tộc đến mọi người thì trước hết phải dạy bảo cho con cháu trong nhà học trước biết trước để làm gương, vì thế người còn trai của bà, anh Nguyễn Ngọc Sáu, là người học trò đầu tiên của bà. Nhờ thế mà đến nay anh Sáu đã đánh được công chiêng và chơi được đàn goongkla. Hiện nay anh cũng là thành viên của đội văn nghệ Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh, thường xuyên cùng mẹ đi biểu diễn khắp nơi.
Nói về mẹ của mình, anh Sáu cảm nhận: “Mẹ Nhiễn là người rất tâm huyết trong việc truyền dạy và giữ gìn những gì thuộc về văn hóa của đồng bào. Ngày nay, có nhiều phương tiện và thể loại văn hóa giải trí ảnh hưởng đến các bạn trẻ nhưng đừng đánh mất lời ca, điệu múa của dân tộc là mong mỏi cả đời của mẹ tôi”.
Lan tỏa văn hóa nghệ thuật đồng bào Châu Ro
Ông Đinh Xuân Thành, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Châu Đức kiêm Chủ nhiệm Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh, cho biết: "Những năm qua, việc chăm lo đời sống đồng bào và công tác chính sách dân tộc của địa phương được thực hiện tích cực, trong đó, với việc xây dựng mới Nhà văn hóa Dân tộc Bàu Chinh từ năm 2002 đã trở thành nơi sinh hoạt, học tập và tổ chức các chương trình văn hóa cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Cùng từ đó, các lớp dạy của bà Nhiễn được diễn ra tại đây, Nhà văn hóa đã phối hợp với trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh mở lớp truyền dạy nhạc cụ goongkla do bà Lý Thị Nhiễn hướng dẫn, thu hút nhiều con em học sinh theo học.
Bên cạnh đó, Đội văn nghệ Nhà văn hóa Dân tộc Bàu Chinh với 10 thành viên dưới sự chỉ dẫn của bà đã luyện tập bài bản, chuyên nghiệp, thường xuyên tham gia nhiều chương trình văn nghệ, hội thi ở huyện và tỉnh, mang về được nhiều giải thưởng. Đặc biệt, đội văn nghệ của bà Nhiễn thường xuyên được tuyển chọn để đại diện cho đồng bào Châu Ro tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tham gia và các chương trình văn hóa, văn nghệ lớn, và gần đây nhất là hơn 40 nghệ nhân đồng bào dân tộc Châu Ro huyện Châu Đức đã đại diện cho tỉnh tham gia “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cùng với 53 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước diễn ra vào tháng hai vừa qua. Đoàn nghệ nhân đã biểu diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề “Châu Ro mừng Hội” với 9 tiết mục ca múa truyền thống của dân tộc và được Chủ tịch nước và Ban tổ chức đánh giá cao, mang đến sự thích thú cho khán giả và cộng đồng các dân tộc anh em khác. Tiết mục múa hát “Lời ru” (dân ca Châu Ro) do nghệ nhân Lý Thị Nhiễn thể hiện được đánh giá là đặc sắc, ấn tượng nhất buổi biểu diễn.
Hơn nữa, nhiều năm qua, Đội văn nghệ Châu Ro thường xuyên được mời tham gia nhiều hoạt động trình diễn, giao lưu văn nghệ dân tộc ở các tỉnh miền Đông, miền Tây và Tây Nguyên cũng như các địa phương có cộng đồng các dân tộc sinh sống nhiều. Anh Nguyễn Ngọc Sáu vẫn còn rất ấn tượng khi cùng mẹ Nhiễn và Đội văn nghệ tham gia Festival Cồng Chiêng quốc tế năm 2009 diễn ra tại Pleiku, Gia Lai, khi được diễu hành và biểu diễn cồng chiêng cùng năm nước châu Á có sử dụng cồng chiêng cùng tham gia khi đó./.
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân/ Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nghe-nhan-ly-thi-nhien-tam-huyet-gin-giu-van-hoa-dan-toc-chau-ro-20221110142346438.htm