Sặc sỡ màu hoa đào như trang phục của phụ nữ Hà Nhì huyện Mường Tè trong ngày Tết Sặc sỡ màu hoa đào như trang phục của phụ nữ Hà Nhì huyện Mường Tè trong ngày Tết , Người xứ Nghệ Kiev
Văn Ngọc
Trải qua bao thăng trầm, một số nét văn hóa của cộng đồng dân tộc Hà Nhì đã bị mai một, nhưng những yếu tố văn hóa đặc thù đậm nét như: Tiếng nói, tín ngưỡng, các sinh hoạt văn hóa và đặc biệt là trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè, tỉnh Lai Châu vẫn luôn tồn tại và có sức sống lâu bền.
Chị Lý Xe Pư, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Trang phục truyền thống của người Hà Nhì là một trong những loại cầu kỳ nhất của người dân tộc vùng cao. Một bộ trang phục đầy đủ của người phụ nữ Hà Nhì nơi đây bao gồm: áo, mũ, dây lưng, yếm...
Ấn tượng đầu tiên đó là những sắc màu vô cùng rực rỡ trên chiếc mũ đội đầu của người phụ nữ. Chiếc mũ được làm khá cầu kỳ, bao gồm nhiều lớp khác nhau với những chi tiết nhỏ như: quả bông, hạt nhựa, những mảng thổ cẩm.
Đặc biệt là những chiếc tua rua mềm mại, nhiều màu sắc rủ sang hai bên, lắc lư theo nhịp chân bước của người phụ nữ.
Cùng với chiếc mũ đội đầu, áo của người phụ nữ Hà Nhì cũng được trang trí rất kỹ lưỡng. Áo thường ngày của phụ nữ Hà Nhì có thể dài, ngắn với nhiều họa tiết, hoa văn khác nhau, thường có từ 3 màu trở lên và được may hai lớp, có độ dài đến mắt cá chân.
Áo phụ nữ Hà Nhì được chia ra hai loại là áo dài và áo ngắn. Nếu áo dài tay toàn thân màu chàm, ống tay áo được can vải nhiều màu thì áo ngắn không có tay nhưng phía trước ngực sẽ được đính những hàng cứ khọ, đây là những hạt nhôm lồi được chắp bắt đầu từ cổ áo theo viền nẹp xuống gấu áo.
Dưới cùng là các đồng xu, lục lạc hoặc dây xúc xích bạc, khi di chuyển những vật này sẽ phát ra tiếng kêu vô cùng vui tai, đồng thời cũng thể hiện sự phú quý, sung túc của người mang mặc áo.
Bên cạnh đó, khăn đội đầu của phụ như Hà Nhì cũng rất cầu kỳ. Để làm khăn đội đầu cần chọn một miếng vải hình vuông, một mặt màu đen, một mặt có ba miếng vải 4cm màu xanh, đỏ, vàng kế tiếp nhau, viền quanh miếng vải màu đen.
Bốn góc khăn đính 4 tua, mỗi tua khăn là một dây hạt cườm dài 17-20cm chia làm hai đoạn. Đoạn nối từ các góc khăn đến chỗ chia chùm được xâu những hạt cườm loại to, kết thúc dây là một chùm quả bông len.
Khi đội gấp khăn theo đường chéo để hai tua cườm vắt sang hai bên và buông dài xuống thái dương. Sau đó, khăn đội đầu sẽ được cố định bằng đai là một miếng vải rộng 2-3cm có từ 3-4 dây hạt cườm xếp sát nhau.
Bà Lý Mo De, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ: Để khâu được 1 chiếc áo, chị em phải đi chợ mua hạt nhựa, hạt nhôm, chỉ, len các màu. Sau đó tẩn mẩn thêu thùa mất vài 3 tháng. Người thêu chậm hoặc bận nhiều việc đồng áng, có khi thêu mất cả năm.
Ngoài thêu áo mũ để mặc, người Hà Nhì còn có phong tục con dâu trước khi về nhà chồng sẽ làm tặng mẹ chồng 1 bộ áo mũ. Nếu cô gái nào có điều kiện, có thời gian có thể làm tặng chị, em gái của mẹ chồng mỗi người 1 bộ.
Điểm nhấn của bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Hà Nhì là màu sắc sặc sỡ được tạo nên bởi kỹ thuật thêu độc đáo thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của họ.
Một số hoa văn phổ biến trên trang phục nữ giới như hoa văn kỷ hà: đường thẳng gấp khúc, hình quả trám, hình đa giác,hình hoa văn hoa lá: hoa bí, ngọn rau, hoa đào, hoa mơ…
Một số hình ảnh khác về vũ trụ như mặt trăng, mặt trời, núi sông hay hình các con vật gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của con người.
Với những đường thêu từ đơn giản đến phức tạp trên trang phục truyền thống của mình, người Hà Nhì Hoa đã phản ánh được cuộc sống và mối quan hệ của con người với tự nhiên.
Trang phục Hà Nhì ngoài tác dụng giữ ấm, làm đẹp còn hàm chứa giá trị tâm linh sâu sắc, bởi theo tín ngưỡng dân gian của người Hà Nhì thì hồn trú ngụ trên đầu, ngay từ khi thức dậy là phải đội ngay mũ, khăn, đặc biệt khi trước bàn thờ tổ tiên, có lẽ vì vậy mà chiếc mũ, khăn của họ cũng có sự cầu kỳ nhất định từ tuổi tác, cách làm, thậm chí là cả cách đội.
Đến nay, phụ nữ Hà Nhì là một trong số ít dân tộc ít người có nhiều chị em vẫn thường xuyên mặc bộ quần áo truyền thống, không chỉ dịp lễ, tết mà ngay cả lúc lên nương, làm việc nhà…
Trang phục truyền thống đặc sắc không chỉ giúp cho người phụ nữ Hà Nhì nổi bật khi xuất hiện bất kỳ đâu, bên cạnh bất kỳ dân tộc nào; mà hơn thế nó còn góp phần lưu giữ những nét bản sắc văn hóa đặc trưng, riêng có của người Hà Nhì huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.