Chuyện ở nơi mỗi F0 là 2 sinh mạng Chuyện ở nơi mỗi F0 là 2 sinh mạng , Người xứ Nghệ Kiev
Chuyện ở nơi mỗi F0 là hai sinh mạng
Trắng đêm chăm sóc mẹ bầu mắc Covid-19, bỏ cả ăn, bỏ cả ngủ, thoăn thoắt như con thoi nỗ lực giành lại sự sống cho những mẹ bầu nguy kịch cùng những đứa con sắp chào đời của họ... Đó là công việc đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương đang tận lực từng giờ, từng phút.
Áp lực gấp đôi
Tại Khu K1 Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), áp lực cứu chữa các F0 luôn tăng gấp đôi khi các bệnh nhân mắc Covid-19 tại đây là các sản phụ, mỗi bệnh nhân mang hai mạng sống.
Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy, BS CKII Sản phụ khoa, Trưởng Khu K1, Bệnh viện Hùng Vương, những thay đổi về huyết động của người phụ nữ đang mang thai sẽ khác so với người bình thường. Vì thế, diễn tiến bệnh sẽ phức tạp hơn, nhanh hơn; từ đó dẫn đến việc theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Chưa kể đến trong quá trình sinh nở, các sản phụ F0 phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm; em bé vừa mới lọt lòng cũng có thể không may bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2…
Vậy nên, để đảm bảo được an toàn và tính mạng của sản phụ cũng như thai nhi, các nhân viên y tế tại đây phải thận trọng từng li từng tí, nỗ lực "giằng co với tử thần" từng giây phút để giữ bệnh nhân ở lại.
Dẫu vậy, vẫn không sao tránh được những lúc đau lòng khi đã cố gắng, nỗ lực hết mình nhưng các y bác sĩ vẫn phải nói lời tạm biệt với những sinh mệnh bé nhỏ.
Theo lời kể của bác sĩ Thủy, có trường hợp em bé đã cất tiếng khóc chào đời, nhưng vì non tháng, lại bị mắc Covid-19 nên bé đã ra đi sau nhiều ngày cứu chữa.
"Thực sự lúc ấy rất thương tâm, rất đau lòng. Nhưng chúng tôi buộc phải chấp nhận, bình tâm trở lại để tiếp tục trách nhiệm với những bệnh nhân khác. Có lẽ, trường hợp đó, niềm an ủi duy nhất chính là sự bình phục của người mẹ đã từng nguy kịch" - Bác sĩ Thanh Thủy ngậm ngùi chia sẻ.
Đối với những bệnh nhân đã trở nặng, đang thở máy, hoặc rơi vào trạng thái hôn mê, không thể tự sinh hoạt được, các nhân viên y tế không chỉ chăm sóc về sức khỏe cho bệnh nhân mà còn kiêm luôn các việc giúp bệnh nhân vệ sinh thân thể, sinh hoạt hàng ngày...
Hộ sinh Phạm Quách Yến Xuân cho biết, vì bệnh nhân không di chuyển được nên phải dùng lực rất nhiều. Vệ sinh thân thể cho một ca bệnh đang hôn mê phải cần từ 4 đến 5 người để hỗ trợ. Trong suốt quá trình vệ sinh, cần phải theo dõi hô hấp và sinh hiệu của bệnh nhân, cẩn thận kiểm tra ống thở trong quá trình di chuyển để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
"Điều quan trọng nhất là sinh mạng của người mẹ và em bé. Mình cố gắng để làm sao để tốt nhất cho bệnh nhân chứ không suy nghĩ đến cực khổ hay quá giờ gì cả. Có rất nhiều anh chị em 13h đã hết ca nhưng vẫn nán lại làm đến 16-17h chiều, hỗ trợ đồng đội hoàn thành việc rồi mới ra về" - nữ hộ sinh Xuân chia sẻ.
Tận tâm từ điều trị bệnh đến việc chăm lo từng bữa ăn
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận gần 1.000 ca F0 là sản phụ hoặc những bệnh nhân mắc các bệnh về sản phụ khoa.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn, bằng sự kiên trì, nỗ lực của tập thể y bác sĩ cùng sự cố gắng của những người mẹ F0, đã có hàng trăm sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời.
Những em bé này từ khi mới lọt lòng đã phải trải qua một thử thách lớn của cuộc đời. Không quá khi nói các bé tựa như đã phải "tự lập" hơn những đứa trẻ khác rất nhiều khi không có mẹ ở bên chăm sóc.
Vì số lượng thai phụ quá đông, mỗi phòng sinh sẽ có đến 3 hoặc thậm chí là 5 thai phụ cùng "vượt cạn". Trong môi trường có nồng độ virus quá nhiều như vậy, việc để em bé mới sinh ở lại lâu hoặc tiếp xúc với mẹ là điều hết sức nguy hiểm.
Nếu là sinh khu bình thường, bé sẽ được da kề da với mẹ, mẹ sẽ chăm sóc con trong suốt quá trình nằm trên bàn sinh đến lúc ra viện nhưng các bà mẹ F0 thậm chí còn không trực tiếp nhìn mặt con mình. Sau khi sinh, các em bé ngay lập tức được tách ra, gửi đến Khoa Nhi, thực hiện các xét nghiệm Covid-19 và được nhân viên y tế chăm sóc.
Hiểu được tâm lý lo lắng, tủi thân của sản phụ, y bác sĩ tại đây đều sẽ chụp lại hình ảnh cũng như thường xuyên cập nhật tình hình bé để gửi từng mẹ, để mẹ có thể nhìn ngắm con từ xa.
Không chỉ điều trị bệnh và chăm sóc về mặt sức khỏe, các nhân viên y tế tại đây còn chăm lo về việc ăn uống cho các sản phụ rất chu đáo. Từ bữa chính cho đến bữa phụ, sữa và đồ ăn vặt.
"Các chị muốn gì, cần gì cứ việc nhắn tin hoặc alo. Tụi em sẽ mang vô cho mấy chị!" - chị Lê Trần Khánh Linh - phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương khẳng định với các sản phụ.
Theo chia sẻ của chị Khánh Linh, vì các bệnh nhân F0 tại đây đa phần là sản phụ, thường hay bị thèm ăn nên Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tạo một nhóm chat gồm các bệnh nhân và nhóm hậu cần. Từ đó, mỗi lúc sản phụ muốn ăn gì chỉ cần nhắn tin hoặc gọi vào nhóm là sẽ được hỗ trợ ngay lập tức.
Những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt của các y bác sĩ
2h chiều, đã quá giờ cơm trưa từ lâu nhưng các y bác sĩ tại Khu K1, Bệnh viện Hùng Vương vẫn còn tất bật với công việc của mình trong trang phục bảo hộ kín mít. 140 nhân viên y tế, chưa một ai rời vị trí để nghỉ ngơi, ăn uống. Thậm chí có người 3 bữa nhập một.
"Hầu như ngày nào cũng vậy. Tuy được chia 3 ca 4 kíp, song khối lượng công việc có phần quá tải, mọi người đều cố gắng làm thêm cho xong việc nên lúc nào cũng tan ca trễ" - Hộ sinh Phạm Quách Yến Xuân, Hộ sinh trưởng Khu K1 cho hay.
Theo chia sẻ của các y bác sĩ tại đây, việc này là hết sức bình thường.
Có thể nói, những lần nhịn ăn để hoàn thành công việc, những đêm thức trắng hay những lúc cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân đối với bác sĩ Đào Ngọc Tiền Giang chẳng phải là hy sinh gì lớn lao mà là đơn giản là nhiệm vụ, là việc hiển nhiên một bác sĩ phải làm. Bởi, những lúc ấy, chỉ cần chậm một phút là 2 sinh mạng sẽ không còn cơ hội thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Có lẽ, khó khăn lớn nhất của nữ bác sĩ 35 tuổi này chính là nỗi nhớ dành cho đứa con mới hơn 3 tuổi đã nhiều tháng trời không gặp mặt.
Trước khi "xung trận" chống dịch, bác sĩ Giang đã gửi con mình về quê nhờ ông bà chăm sóc. Mỗi ngày, trong những cuộc gọi ngắn ngủi của hai mẹ con, nhìn thấy con khóc vì nhớ mẹ, cứ luôn miệng đòi mẹ đón về, sự mạnh mẽ của người "chiến sĩ chống dịch" nhiều khi như chỉ chực chờ có thế để sụp đổ.
Nhiều lúc, chị không kiềm được mà khóc cùng con. Cũng không ít lần, khi nhìn thấy các bé trong khu điều trị, rồi nghĩ đến con mình, chị lại chạnh lòng.
Thế nhưng, bác sĩ Giang không hề nản lòng mà ngược lại, người mẹ trẻ này còn mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sự bình an cho bệnh nhân của mình.
Những lúc quá nhiều áp lực, bác sĩ Tiền Giang và tự nhủ, phải vượt qua những khó khăn thử thách hiện tại, vì sự sống, vì hạnh phúc của các mẹ bầu F0 và những đứa con, những "thiên thần nhỏ" của họ, bác sĩ phải tận tâm, tận sức với 200% sức lực... Rồi sẽ có một ngày không xa, chúng ta sẽ chiến thắng giặc Covid, tất cả chúng ta sẽ bình yên...
Chị Trần Thái Loan (37 tuổi) - người đã từng rơi vào tình trạng nguy kịch, hôn mê, nhưng sau thời gian điều trị, nay chị đã có thể cai được máy thở và đang dần hồi phục.
Trò chuyện cùng PV Dân trí, chị Loan không giấu được sự xúc động, nghẹn ngào nói: "Lúc nhập viện em hôn mê, không biết gì hết! May nhờ các y bác sĩ cứu chữa, lo hết mọi thứ cho em, ngay tới cả việc tiêu tiểu, thay tã. Giờ em tỉnh và cai được máy nhưng mọi người vẫn chăm sóc em nhiều. Em biết ơn các anh chị nhiều lắm!".
Có bệnh nhân khi xuất viện còn nhắn nhủ rằng ước mơ của mình là sớm ngày hết dịch để các y bác sĩ được tháo khẩu trang, mặc áo blouse trắng. Lúc đó, bệnh nhân này sẽ quay lại bệnh viện để được nhìn mặt và cảm ơn từng nhân viên y tế đã ngày đêm vất vả chữa trị cho mình.
Hiện tại, Khoa K1 đã có 3 bệnh nhân cai máy thở thành công. Đây chính là niềm vui lớn nhất của tập thể các y bác sĩ tại đây. Họ vui mừng và hạnh phúc khi nhìn thấy bệnh nhân của mình từng nguy kịch, dần dần hồi phục, lấy lại sức khỏe, lấy lại tiếng cười, và rồi xuất viện.
"Khi bệnh nhân đi từ cửa tử trở về, mình thấy hạnh phúc lắm, cảm xúc này suốt cả đời mình sẽ không bao giờ quên được" - Nữ Hộ sinh trưởng rưng rưng nước mắt nói.