Bộ Âu phục đi mượn của ông Nguyễn Cơ Thạch và cuộc phỏng vấn sau màn thoát hiểm trước đạn pháo Trung Quốc Bộ Âu phục đi mượn của ông Nguyễn Cơ Thạch và cuộc phỏng vấn sau màn thoát hiểm trước đạn pháo Trung Quốc , Người xứ Nghệ Kiev
Hà Nội, tháng 4/2021
Ở tuổi 66, Phạm Tuấn Phan giống cha mình một cách kinh ngạc. Đôi mắt rực lửa, những đường nét trên khuôn mặt điển trai, mái tóc dày điểm bạc. Chúng tôi gặp nhau ở một quán café tại Hà Nội để trò chuyện về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
"Phan, uống bia vào giữa ngày thế này sẽ làm tôi gà gật mất", tôi từ chối lời mời của Phan.
Tiếng cười của Phan bắt đầu cất lên khe khẽ, rồi sau đó vang lên sảng khoái khiến đôi mắt sắc sảo dịu lại. Phan giống cha anh nhiều đến nỗi khi nhìn anh, ký ức vụt đưa tôi về ngày mùng 2/6/1984, khi tôi lần đầu tiên gặp "Con cáo bạc" huyền thoại – biệt danh mà những nhà báo phương Tây đặt cho ông Thạch.
Cuộc gặp đầu tiên của tôi với ông Thạchcũngbắt đầu bằng tiếng cười lớn, sảng khoái đặc trưng và câu hỏi hóm hỉnh của ông.
"Thế nào, người Đan Mạch thích cái nào hơn - sự hiếu khách của Việt Nam hay Trung Quốc?"
Sáng hôm đó, ông Thạch đã đọc một bài báo trên tờ Nhân dân, mô tả "cuộc gặp" của chúng tôi với màn đạn pháo không được thân thiện lắm của Trung Quốc ở biên giới. Tình hình rất căng thẳng, sau khi Trung Quốc đã tấn công thị trấn biên giới Hà Giang một tuần trước đó. Cậu phóng viên ảnh và tôi đang đi cùng với nhóm trinh sát của Việt Nam thì phía Trung Quốc đột nhiên bắn một loạt đạn pháo lớn về phía chúng tôi.
Vụ việc xảy ra đúng vào ngày sinh nhật thứ 29 của tôi, ngày được bắt đầu bằng hoa và bánh từ chủ nhà Việt Nam. Ngày hôm sau, câu chuyện này được đăng lên trang nhất tờ báo, và lời của phóng viên Đan Mạch được dẫn lại: "Việt Nam đón tôi bằng hoa, còn Trung Quốc thì đón bằng đạn pháo".
Ông Thạch nháy mắt với tôi và nở một nụ cười tươi thân thiện.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Thạch là một trong số rất ít những chính khách cấp cao của Việt Nam có thế sử dụng tiếng Anh thành thục.
Sau nụ cười thân thiện về bài học với Trung Quốc ở biên giới, chén trà xanh được rót ra, ông Thạch ra dấu cho tôi rằng ông đã sẵn sàng trả lời các câu hỏi của tôi.
Tôi bắt đầu bằng một câu hỏi trực diện.
"Đã hơn 5 năm kể từ khi quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia. Các nhà chỉ trích phương Tây đang thắc mắc liệu các ngài có định rút đi?"
"Quân đội Việt Nam sẽ không rời khỏi Campuchia cho đến khi lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuộc chiến chống lại Pol Pot là cuộc chiến tự vệ, cũng giống như các quân đội Xô - viết, Mỹ, Anh, Pháp cùng hành quân đến Berlin để tiêu diệt Hít-le và Đức quốc xã."
Ông Thạch có vẻ không muốn bị cắt ngang và tiếp tục câu trả lời.
"Dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, toàn thể nhân dân Campuchia đứng trước nguy cơ chết đói, và hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người đã chết. Dưới chế độ diệt chủng, kể cả bác sĩ và giáo viên cũng bị xử tử. Không có bệnh viện hay trường học khi chúng tôi đến Phnom Penh.
Hiện giờ, mới chỉ 5 năm sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ.
Tình trạng lương thực vẫn cần được cải thiện nhưng không còn ai chết đói nữa. 1,6 triệu sinh viên trở lại trường học và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang được cải thiện. Chúng tôi có thể hỗ trợ người láng giềng đứng dậy trên chính đôi chân của họ, mặc dù nguồn lực của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Chúng tôi vẫn là nước nghèo. Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh, nhưng họ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại đất nước tôi trên các mặt ngoại giao, kinh tế và chính trị. Điều này gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho Việt Nam, nhưng sẽ không bao giờ ngăn được chúng tôi hỗ trợ bạn bè của mình ở Campuchia.
Vào tháng 1/1983, một phái đoàn các nhà ngoại giao cấp cao đã đến Campuchia. Tất nhiên, họ phản đổi sự hiện diện của quân đội Việt Nam nhưng họ phải thừa nhận rằng các điều kiện của người dân Campuchia đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây."
Ông Nguyễn Cơ Thạch với lấy tách trà, cho tôi có cơ hội để tiếp tục câu hỏi.
"Giới lãnh đạo phương Tây thì lại có đánh giá khác về tình hình. Một số cho rằng Việt Nam gần như là công cụ trong chiến lược vùng của Liên Xô để tạo ra một thành trì trong khu vực. Một số thậm chí còn nói rằng trên thực tế, ông là Bộ trưởng Ngoại giao của Liên Xô ở Đông Nam Á?"
Ngài Bộ trưởng đáp lại tôi bằng một tràng cười giòn giã khác.
"Đó là điều họ nói về đất nước tôi và về tôi à? Có rất ít quốc gia phải đổ nhiều xương máu để chống lại sự đô hộ của nước ngoài như Việt Nam. Mỗi cuộc chiến, chúng tôi đều phải chống trả với sự hy sinh rất lớn. Với lịch sử như vậy, làm sao anh có thể nghĩ Việt Nam sẽ chấp nhận sự đô hộ từ một cường quốc bên ngoài. Trung Quốc, Pháp và Mỹ đều đã không thành công.
Mặt khác, Liên Xô tôn trọng sự độc lập của Việt Nam. Chúng tôi biết ai là bạn, nhưng chúng tôi cũng không muốn có kẻ thù ở phương Tây hay nơi nào khác. Để tôi đưa cho anh một ví dụ: năm 1976, Việt Nam trở thành thành viên của Ngân hàng thế giới World Bank. Các nước phương Tây đã vui mừng chào đón chúng tôi.
Năm 1979, khi Mỹ và các đồng minh tiến hành bao vây, cấm vận về kinh tế với Việt Nam, chúng tôi nộp đơn xin làm thành viên của COMECOM, một tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa.
Về nguyên tắc, chúng tôi muốn có quan hệ hữu nghị với Mỹ và tất cả các quốc gia trên thế giới. Như giờ đây, Việt Nam là thành viên của World Bank, mặc dù chúng tôi không được lợi từ các chương trình của World Bank và COMECOM. Chúng tôi không tự cô lập mình với các hệ thống chính trị và kinh tế khác. Giờ hãy thử nói về trường hợp của Đan Mạch. Tôi tin rằng Đan Mạch chỉ tham gia World Bank. Thế thì, sao các anh có thể ám chỉ Việt Nam đại diện cho định kiến chống lại phương Tây. Sự định kiến là ở phía các anh mới đúng chứ?"
Lần này, tiếng cười của ông Thạch đi kèm với một cái nháy mắt thân thiện.
Nhiều năm sau, tôi mới biết được rằng, lúc đó, ông Thạch đã đệ trình lên Thủ tướng một bản đề xuất chiến lược với nội dung chính là "Làm thế nào để thêm bạn, bớt thù".
"Các nhà chỉ trích phương Tây cho rằng chính quyền Heng Samrin của Campuchia chỉ có thể tồn tại nhờ lực lượng quân đội của Việt Nam. Họ thậm chí gọi ông Heng Samrin là con rối của Việt Nam?"
"Trung Quốc, Mỹ, và một số nước phương Tây đang cố dùng luận điệu này như một nỗ lực nhằm che đậy quyết định ủng hộ Pol Pot của họ. Họ biết rất rõ rằng Pol Pot là tội phạm và kẻ giết người hàng loạt. Heng Samri đã lãnh đạo cuộc cách mạng chống lại Pol Pot ngay từ những ngày đầu vào năm 1977. Cuộc nổi dậy toàn diện chống lại Pol Pot chắc chắn không phải là do Việt Nam ngụy tạo. Cái mà anh đang thấy là kết quả trực tiếp của việc chế độ diệt chủng Pol Pot chống lại chính dân tộc mình.
Trung Quốc đang hỗ trợ quân sự lớn cho tàn dư của chế độ Pol Pot. Chính phủ Heng Samrin hiện có nhiệm vụ to lớn là tái thiết Campuchia. Nếu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia quá sớm sẽ khiến tình hình Campuchia thêm tồi tệ."
Trong khi ngài Bộ trưởng nhấp một ngụm trà, tôi ghi nhanh một câu hỏi khác vào trong cuốn sổ.
"Sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia đã trở thành cái cớ cho Mỹ và đồng minh áp đặt lệnh cấm vận kinh tế chống lại Việt Nam. Người dân đất nước ngài đang phải trả giá đắt cho sự ủng hộ mà Việt Nam giành cho chính phủ Heng Samrin?"
Lần đầu tiên trong cuộc phỏng vấn, ông Thạch gật đầu tỏ ý đồng tình.
"Chúng tôi đúng là phải trả một cái giá rất đắt. Chúng tôi có cùng chung một vấn đề quan trọng với các bạn Lào và Campuchia: chúng tôi đang phải vất vả chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Nhưng nếu không tiếp tục công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, chúng tôi sẽ phải trả cái giá còn cao hơn thế trong tương lai."
Chúng tôi tiếp tục một tuần trà nữa và tôi đưa ra thêm một loạt câu hỏi với ngài Bộ trưởng.
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm về xung đột hiện tại giữa hai nước vì sự hiện diện của Việt Nam ở Campuchia?"
"Có thể những hành động khiêu khích của Trung Quốc hiện nay là một cố gắng của họ nhằm nâng cao sĩ khí của Pol Pot và các nhóm trung thành với Pol Pot. Nhưng, cuộc xung đột hiện nay còn bắt nguồn từ lịch sử xâm lược lâu dài của Trung Quốc đối với Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều con phố ở Hà Nội được đặt tên những anh hùng đã hy sinh để ngăn chặn quân Trung Quốc xâm lược. Trong 1.000 năm qua, người Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam ít nhất 10 lần, gần đây nhất là vào năm 1979."
"Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bộ đội Việt Nam trong một chuyến thăm khu vực biên giới. Việt Nam đang chuẩn bị để sẵn sàng đương đầu với một cuộc xâm lược khác?"
"Ồ, anh đã có trải nghiệm của chính mình rồi đấy thôi, chạy khỏi trận pháo kích của Trung Quốc hôm qua ở Hà Giang. Tôi rất vui vì quân đội của chúng tôi đã đưa anh về an toàn sau cuộc chạm trán với người Trung Quốc.
Tôi xin cam đoan rằng Trung Quốc sẽ không dễ gì xâm lược được Việt Nam. Họ chỉ thành công một lần; tất cả các lần khác đều thất bại. Bản chất tôi là một người lạc quan. Chúng tôi cũng đã trải qua thời kỳ hòa bình lâu dài với Trung Quốc, đến 350 năm. Việt Nam tiếp tục nỗ lực cho mối quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc, nhưng lịch sử cũng dạy chúng tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất."
Một tín hiệu được ông Lê Mai, người đi cùng hỗ trợ tôi kín đáo đưa ra. Thời gian sắp hết. Nhưng tôi không thể bỏ qua câu hỏi về vấn đề nhân quyền, một yếu tố cốt lõi trong rào cản chính trị nặng nề của phương Tây đối với Việt Nam.
"Việt Nam thường bị chỉ trích về các vấn đề nhân quyền. Một số nhà quan sát phương Tây đã so sánh các trại cải tạo của các ông với các trại tập trung của Đức Quốc xã."
"Vậy ư? Hãy để tôi nhắc anh rằng một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã đã bị hành quyết sau Thế chiến thứ 2. Kể cả 40 năm sau, những người Do Thái vẫn tiếp tục truy lùng những tội phạm dưới thời Đức quốc xã còn sống. Có thể vì thế mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (ông Kissinger là người gốc Do Thái - ND) đã dự đoán rằng sẽ có một cuộc tắm máu xảy ra sau khi chúng tôi giải phóng Sài Gòn.
Tôi khuyên anh nên nhìn vào những thực tế đã xảy ra hơn là những cáo buộc vô căn cứ. Tại Việt Nam, không một người nào của chế độ miền Nam bị xử tử, mặc dù một số người trong số họ đã gây ra những tội ác dã man đối với nhân dân Việt Nam. Thay vào đó, chúng tôi đã đưa họ đi cải tạo và họ hầu hết đã được thả.
Vẫn còn một số ít người đang bị giam giữ, những người chịu trách nhiệm về các cuộc thảm sát chống lại các thường dân vô tội trong chiến tranh. Chúng tôi liên tục nhận được các đề nghị từ chính phủ Mỹ để phóng thích những người này. Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị trả tự do để họ định cư ở Mỹ thì phía Mỹ lại từ chối. Họ không muốn những tội phạm này đi lại tự do ở đất nước của họ."
Ông Thạch kết thúc buổi phỏng vấn bằng đề nghị thu xếp cho tôi sang Phnom Penh để tự mình chứng kiến rằng Campuchia đã không trở thành một trại giam giữ tù nhân của Việt Nam.
"Nếu anh không tin, hãy tự đến đó và chứng kiến", ông nói rồi lại cất tiếng cười và tiếp lời: "Giờ thì mong anh thông cảm, vì tôi phải đi mượn bộ vest từ kho chính phủ - Tôi sắp có cuộc họp với phái đoàn LHQ. Chúng tôi phải tằn tiện mọi thứ, kể cả trang phục, vì lệnh cấm vận của phương Tây."
Chúng tôi đã nghe lời khuyên của ông Thạch và đến Campuchia sau đó. Tôi đã bắt gặp ngay một cảnh tượng ghê rợn chỉ cách Phnom Penh vài km.
Nhìn từ xa, những người nông dân trông như đang tưới những cây súp lơ trắng. Khi đến gần hơn, chúng tôi nhận ra rằng họ đang làm sạch hộp sọ - hàng nghìn hộp sọ.Những bộ xương được xếp gọn gàng. Quân y Việt Nam và người Campuchia đang dọn dẹp một ngôi mộ tập thể khác.
Như mọi khi, nhiếp ảnh gia Ole Johnny Sørensen làm những điều anh ấy phải làm.Trong khi anh ấy liên tục bấm máy, tiếng màn trập máy ảnh kêu liên hồi, tôi chạy ra sau xe, nôn thốc nôn tháo.
Một số biên tập viên phương Tây cho rằng những bài báo của chúng tôi là lời nói dối của Cộng sản khi nhìn những tư liệu mà chúng tôi mang về. Có lẽ họ nghĩ chúng tôi chỉ là những phóng viên Đan Mạch ngây thơ bị bộ máy tuyên truyền của Việt Nam lừa bịp. Họ cũng đã đưa ra nhận định tương tự về các bài báo mà chúng tôi viết về chất độc da cam.
Nhưng cả khi đó và bây giờ, những bức ảnh của Ole Johnny tự nó đã nói lên sự thật.
Trong những năm sau đó, tôi may mắn được gặp ông Thạch hai lần nữa, nhưng chưa bao giờ tôi có thể khiến ông lúng túng. Kể cả khi chính phủ Việt Nam ký thoả thuận với Tập đoàn Shell khi tập đoàn này đang bị một số quốc gia chỉ trích vì cho rằng họ có liên quan đến chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
"Là nước giàu thì kén cá chọn canh thế nào cũng được, nhưng chúng tôi còn phải lo cho hơn 65 triệu người đủ ăn", ông Thạch đáp với ánh mắt rực lửa.
Tôi đã nhận ra ánh mắt ấy sau gần 4 thập kỷ, khi nhìn vào tấm hình cảnh sát Pháp chụp ông Thạch lúc mới 19 tuổi, khi ông bị bắt giữ tại Nam Định năm 1940.
Khuôn mặt của chàng thanh niên Thạch bị bầm dập sau những trận đòn bạo tàn. Nhưng ngạc nhiên thay, không hề có bất cứ nét sợ hãi nào trong ánh mắt.
Những cai tù người Pháp đã đánh ông Thạch đến chết đi sống lại, sau khi tra tấn ông cả ngày lẫn đêm nhằm buộc ông khai ra danh tính những người đồng chí.
Ông Thạch tên thật là Phạm Văn Cương, xuất thân trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn Nam Định. Trong quãng thời gian 5 năm ở nhà tù quân đội Pháp, Nguyễn Cơ Thạch đã được những người cách mạng, bao gồm ông Lê Đức Thọ, đào tạo.
Ông Thọ, sau đó đã trở thành trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968 - 1973, cùng với ông Thạch trong vai trò trợ lý.
Chính trong khoảng thời gian này, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhận định rằng, ông Thạch, với các kỹ năng ngoại giao xuất sắc của mình, chính là mối lo ngại lớn nhất của phía Mỹ.
Vị Ngoại trưởng Mỹ có lẽ không biết môi trường đào tạo khắc nghiệt mà ông Thạch đã trải qua trong hàng thập kỉ đấu tranh chính trị với Pháp, và sau đó trở thành một trong những chính khách quan trọng kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Với vốn tiếng Anh và tiếng Pháp tự học, tài hùng biện của Nguyễn Cơ Thạch dường như còn "trên cơ" Henry Kissinger và khiến vị trưởng đoàn đàm phán nóng tính người Mỹ ở thế yếu trên bàn đàm phán.
Trong và sau cuộc chiến với Mỹ, ông Thạch đã giữ nhiều vị trí trọng yếu trong bộ máy của Đảng và trong chính phủ, ông từng là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, vị trí mà con trai ông là Phạm Bình Minh nắm giữ nhiều năm sau này.
Sau cuộc phỏng vấn cuối cùng của tôi với Nguyễn Cơ Thạch, tôi vẫn dõi theo ông từ xa. Ông Thạch tiếp tục để lại dấu ấn của mình trên trường ngoại giao và truyền thông quốc tế với chiến lược "thêm bạn - bớt thù". Rõ ràng, việc cải thiện mối quan hệ ngoại giao với Mỹ là yếu tố chính. Cá nhân ông trực tiếp tham gia thúc đẩy hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích (MIA), coi việc hỗ trợ Mỹ tìm kiếm hài cốt người Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh và trao trả cho người thân của họ ở Mỹ là một ưu tiên của chính phủ Việt Nam.
Ông Thạch cũng giành nhiều thời gian để tiếp các phái đoàn Mỹ đến Việt Nam, từ các cựu chiến binh, doanh nhân, chính trị gia. Khi đi công tác nước ngoài, ông đã gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker, các Thượng Nghị sĩ John Kerry và John McCain, người đã có 7 năm ở nhà tù Hỏa Lò trong chiến tranh.
Trợ lý của John Kerry, Frances Zwenig, sau này đã xếp ông Thạch ngang với Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, và người hùng của phong trào dân quyền Mỹ, Thượng Nghị sĩ John Lewis.
Ở phía sau hậu trường, ông Thạch làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy các kênh ngoại giao của Việt Nam nhằm đối mặt với những thách thức khi Việt Nam đảm nhận vai trò quốc tế mới. Với việc giữ hai vị trí quan trọng trong chính phủ, ông Thạch còn tham gia sâu vào các chiến lược đối nội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Năm 1991, ông Thạch nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ.
Có những đồn đoán cho rằng ông được yêu cầu rút lui để tạo không gian phát triển cho thế hệ lãnh đạo mới linh hoạt và thực dụng hơn, những người sẽ đưa Việt Nam tiếp tục theo con đường "đổi mới".
Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng những đồn đoán này không đúng, ông Nguyễn Cơ Thạch là một trong những lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tìm hiểu những gì mà Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình quản lý kinh tế phương Tây.
Nhưng dù gì đi nữa, sức khoẻ vẫn là một yếu tố chính khiến cuộc sống của ông thay đổi. Ông Thạch trải qua một cuộc phẫu thuật tim phức tạp. Ông qua đời ngày 10/4/1998 và an nghỉ ở Nghĩa trang Mai Dịch cùng với các nhà lãnh đạo nổi tiếng khác của Việt Nam.
Bất ngờ, tháng 2/2007, danh tiếng ông Nguyễn Cơ Thạch lại nổi lên khi phu nhân của ông, bà Phan Thị Phúc, thay ông nhận Huân chương Sao Vàng, một trong những vinh dự lớn nhất mà Nhà nước trao tặng cho "đồng chí Thạch vì những cống hiến suốt đời cho sự nghiệp cách mạng". Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chủ trì buổi lễ.
Phan đã không giấu được sự xúc động khi tôi hỏi về cảm xúc của anh. Phan nói với tôi rằng không phải ai cũng thấy việc gọi ông Thạch bằng biệt danh Con cáo bạc là phù hợp. Trong thời chống Pháp, người Việt đã đặt chính biệt danh này cho chỉ huy cơ quan tình báo của Pháp, và đó không phải là một lời khen.
Nhà báo Thomas Bo Pedersen trao tặng tấm ảnh chân dung Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cho người con trai cả Phạm Tuấn Phan. Ảnh: NVCC
Ngược lại, tôi đã chia sẻ với Phan rằng chính những nhân viên yêu mến ông Thạch gọi ông là Con cáo bạc. Biệt danh này một lần nữa được nhà báo Úc Wilfred Burchett, vốn là người có tình cảm với Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh, nhắc lại.
Tôi để một bức ảnh của "đồng chí Thạch" ở văn phòng của mình, để tưởng nhớ ông. Trong ảnh, ông đứng trước trụ sở Bộ Ngoại giao, một trong những toà nhà có lẽ là đẹp nhất từ thời thuộc địa ở Hà Nội còn sót lại. Ông Thạch đứng đó, cười với tôi và đồng nghiệp là nhà báo Đan Mạch Jorn Ruby. Sáng hôm ấy, hai chúng tôi đã cố gắng để "bắt cáo". Nhưng một lần nữa, ông đã thoát "vòng vây" mà chẳng tốn chút công sức nào.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cùng gia đình. Ảnh chụp trong khoảng năm 1964: NVCC
Quay trở lại nhà hàng Luk Lak trong một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, Phan cho tôi xem những bức ảnh đẹp về gia đình từ khoảng năm 1964. Hai ông bà và 3 người con, ăn mặc đẹp để chụp ảnh. Ông Thạch trông rất điển trai và hai ông bà thật đẹp đôi. Ngoài cùng phía bên trái, cậu em trai bé nhất của Phan, Phạm Bình Minh lúc đó mới khoảng 5 tuổi. Phạm Bình Minh hiện đang là Phó Thủ tướng và từng nhiều năm giữ cương vị như cha mình trước đây: Bộ trưởng Ngoại giao.
Có lần khi gặp Phạm Bình Minh trên chuyến bay từ Vientian về Hà Nội, tôi đã cho anh xem ảnh chụp màn hình bài viết của tôi với một số hình ảnh cha anh và tôi trong phòng họp, ngay cạnh văn phòng của ông ở Bộ Ngoại giao. Vị Bộ trưởng đã rất ngạc nhiên khi gặp một cựu nhà báo Đan Mạch, người kể lại câu chuyện về cha mình.
Trong một cuộc gặp đáng nhớ sau đó, Phạm Bình Minh, đại diện chính phủ Việt Nam trong lễ kỉ niệm 20 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, đã có bài phát biểu rất nồng ấm nhấn mạnh tình hữu nghị giữa hai cựu thù.
Ông Thomas Bo Pedersen gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: NVCC
Trong bữa tiệc, chúng tôi đã chuyện trò một chút về cha anh. Phạm Bình Minh chỉ mỉm cười khi tôi hỏi liệu cha anh sẽ nghĩ gì khi con trai mình gửi lời chúc mừng các đối thủ cũ của ông ở Washington D.C.
Tôi đã tưởng tượng ra giọng cười đó một lần nữa, và ông Thạch, cùng với tiếng cười đặc trưng, sẽ nói rằng: "Con trai út của tôi vẫn còn phải giải quyết một thách thức nữa mà tôi để lại: Quan hệ với Trung Quốc như thế nào?"
Sinh nhật 100 tuổi của ông Thạch vào ngày 15/5 là một cơ hội vàng để kiến giải nhiều thông tin về cuộc đời của ông.
Đã có nhiều bài báo tiếng Việt viết về ông, các bài phỏng vấn với những người từng biết và làm việc với ông. Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Harvard, giáo sư Thomas Vallely đánh giá ông Thạch có vai trò lớn trong việc tái lập thành công quan hệ Việt - Mỹ. Nhiều nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới cũng ca ngợi về người mà họ coi là một thiên tài ngoại giao.
Truyền thông Việt Nam cũng đăng nhiều bài về ông Thạch và tiết lộ một số thông tin mới về những khó khăn mà ông phải đối mặt trong hơn một thập kỉ Việt Nam bị cấm vận kinh tế và cô lập. Khi ông Thạch nói phải mượn Âu phục từ kho của chính phủ để tiếp khách, tôi đã nghĩ rằng ông đùa. Nhưng có lẽ không phải vậy.
Cựu trợ lý của ông Nguyễn Cơ Thạch, bà Đinh Thị Minh Huyền vẫn nhớ về cách mà phái đoàn phải vượt qua những khó khăn về tài chính khi tham dự Phiên họp Đại hội đồng LHQ vào năm 1980. Đặc biệt là với những thành viên nữ trong phái đoàn, vốn không quen thời tiết quá lạnh. Để giảm chi phí ở khách sạn, ông Thạch nhất quyết ở cùng nhà với nhân viên của mình.
"Bộ trưởng biết tình hình của chúng tôi khó khăn thế nào. Ông đã quyết định chi cho 3 thành viên nữ trong đoàn mỗi người 150 USD (tương đương với 1 tháng lương của chúng tôi khi đó) để mua quần áo ấm. Hôm sau, ông Thạch đi chân đất vào phòng họp, chúng tôi mới thấy đôi tất ông đang đi đã thủng vài chỗ", bà Huyền nói với phóng viên trong một cuộc phỏng vấn nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Tình cờ, tôi đã trở thành một trong những người góp mặt vào sự kiện này. Bộ Ngoại giao Việt Nam biết về việc một người nước ngoài đang ở Hà Nội và đã nhiều lần gặp ông Thạch. Và sau đó, tôi đã xuất hiện trong một bộ phim tài liệu về ông.
"Nhân vật nào trên thế giới mà ông cảm thấy có thể so sánh với ông Nguyễn Cơ Thạch", người đạo diễn phim hỏi tôi.
"Khi nói về phong cách của ông Thạch trước những đối thủ của mình, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có nhiều điểm giống - luôn đưa ra những thông điệp sắc bén nhưng với thái độ thân thiện. Về trí tuệ, Nguyễn Cơ Thạch có thể sánh với Mahamat Gandhi và Nelson Mandela".
"Nếu hôm nay có thể nói với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông sẽ nói gì?"
Khi đối diện với đèn máy quay, tôi không nghĩ được mình sẽ phải nói gì.
Nhưng những ngày sau, câu hỏi này tiếp tục cứ vang lên trong tôi: Tôi sẽ nói điều gì với ông ấy?
Tôi quyết định đến thăm mộ ông Nguyễn Cơ Thạch ở Nghĩa trang Mai Dịch, nơi ông an nghỉ cùng với những nhà lãnh đạo ưu tú cùng thế hệ.
Tôi được nhiều người nói rằng theo phong tục của người Việt, bạn có thể chuyện trò với người đã khuất nếu thắp một nén hương. Và khi châm hương, người đó sẽ nghe bạn nói cho đến khi một phần ba cây hương cháy hết. Bạn sẽ có cơ hội cầu chúc cho sức khoẻ và cuộc sống của họ ở thế giới bên kia, cũng như cho bản thân và những người mà mình yêu quý.
Nhưng khi đứng giữa hàng trăm ngôi mộ ở Nghĩa trang Mai Dịch, tôi chợt nhận ra rằng đây không phải là thời điểm và thời gian phù hợp để tiếp tục đặt câu hỏi với "Con cáo bạc". Tôi đã hoàn thành công việc của mình khi tôi gặp ông nhiều năm về trước.