Lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ", xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) diễn ra vào rằm tháng Giêng hàng năm. Năm 2015, lễ hội này được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lễ hội được cho là ý nghĩa nhất với người dân xứ Lạng không được tổ chức vào năm nay.
Những năm trước, vào rằm tháng Giêng, không chỉ người địa phương mà đông đảo du khách thập phương cũng nô nức về đây để tham dự lễ hội Ná Nhèm. Người dân cũng gọi lễ hội này là lễ rước sinh thực khí nam với ý nghĩa cầu an, cầu cho mùa màng năm mới luôn tươi tốt.
Trước khi buổi lễ diễn ra, nhiều lễ vật cúng tế đã được chuẩn bị kỹ lưỡng gồm ống nước tiên lấy từ giếng Mỏ Vằn, cây thiên tuế, cây ngô, lúa, khoai sọ và cây bông vải. Đặc biệt không thể thiếu "tàng thinh" và "mặt nguyệt" - hai sinh thực khí mô phỏng "bộ phận nhạy cảm" của phái nam và phái nữ, thể hiện sự hòa hợp, sinh sôi nảy nở.
Lễ hội được tổ chức từ rạng sáng đến tối với nhiều nghi thức lễ tế, cúng rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Bên cạnh đó còn mô phỏng lại cảnh luyện binh, đánh giặc, đấu gươm của các binh sĩ thời xưa.
Một trong những nghi thức độc đáo, thu hút nhiều du khách tới xem tại lễ hội chính là màn rước "tàng thinh" mô phỏng "bộ phận nhạy cảm" của phái mạnh. Trước đây, "tàng thinh" trong lễ hội chỉ là khúc gỗ đẽo tượng trưng cho sinh thực khí nam thì nay càng được sáng tạo công phu hơn với sự thay đổi liên tục cả về hình dáng lẫn kích thước.
Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ lên mặt bởi theo tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương, làm như thế để tạo hình giống với quân giặc, đánh lạc hướng những linh hồn tà ma để chúng không nhận ra mà bắt hay làm hại. Tục lệ này có nét tương đồng với thực tế lịch sử xưa khi người Mạc bị chúa Trịnh truy sát, phải hóa trang, đổi họ, trốn chạy các nơi.
Khi lễ hội kết thúc sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ.
Dẫn đầu đoàn rước sinh thực khí là hai viên chánh tướng (áo đỏ) và phó tướng (áo xanh). Phó tướng đi trước, tay cầm cành cây vừa đi vừa làm động tác khua chổi dọn đường, tiếp theo là chánh tướng.
Chánh tướng và phó tướng phải kết hợp các động tác và bước đi sao cho thật uyển chuyển và nhịp nhàng.
Từ cụ già đến các thanh niên trai tráng đều nhiệt tình, tâm huyết với vai trò của mình trong buổi lễ. Xung quanh là sự hò reo hào hứng, theo dõi không rời mắt của người dân địa phương và du khách
Trong đám rước có 4 người rước long ngai, bài vị không phải bôi đen mặt còn lại tất cả phải bôi mặt đen để mọi người không nhận ra mình.
Tới cuối ngày, những lễ vật cúng tế sẽ được đem đốt toàn bộ, cầu mong năm mới may mắn, bình an.
Trò diễn đánh đại đao, gươm mác và cung tiến lễ vật của 2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào cho đức Vua. Hình ảnh hai nước láng giềng đến tiến công thể hiện mong ước về việc xây dựng một quốc gia lớn mạnh khiến các thế lực lân bang phải ngả mũ, cúi đầu thuần phục.
Cùng với các hoạt động nghi lễ, trong Lễ hội Ná Nhèm còn có rất nhiều trò chơi, trò diễn đặc sắc như: Trò đánh trận tập và tiến cống lễ vật, trò Trò Sỹ - Nông - Công Thương; Ngư - Tiều - Canh - Mục ( kén dâu, kén rể); đánh đu, đánh cờ… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa của cộng đồng.