- Năm 1954, sau Hiệp định Genève, cô Lê Minh Ngọc đã từ biệt mẹ theo dòng người tập kết ra Bắc. Tưởng rằng cuộc chia ly chỉ kéo dài 2 năm, không ngờ 20 năm sau cô mới gặp lại má mình khi trở về tiếp quản Sài Gòn năm 1975.
|
Cô Lê Minh Ngọc năm 20 tuổi. Ảnh nhân vật cung cấp |
Gần 12 tuổi rời vòng tay má
Cô Ngọc không thể quên được hai hình ảnh xúc động nhất trong cuộc đời là khi má cô chạy theo tàu, vẫy chiếc khăn rằn từ biệt đứa con gái duy nhất ra Bắc tập kết và ngày cô gặp lại má sau 20 năm, chỉ có vài bước chân là tới phía con mà khuỵu lên khuỵu xuống.
Cha hy sinh trong cách mạng, những người đồng đội của cha đã tới nhà cô thuyết phục má cho cô ra Bắc để đào tạo. Má không đồng ý vì cô là đứa con duy nhất, nhưng sau đó má xiêu lòng để cô đi vì nghĩ rằng thời gian ra Bắc chỉ khoảng 2 năm.
Một cô bé ra đi lúc mới 12 tuổi, sau đó sống cuộc đời học sinh nội trú mà một phần nửa cùng hoàn cảnh (không cha, không mẹ), là một trong những “hạt giống đỏ” để sau này tiếp quản miền Nam sau giải phóng đã bặt tin tức về má mình trong suốt hai chục năm. Má cô chỉ biết “con Ngọc” còn sống khoảng 2 tháng trước ngày 30/4/1975. Trước đó, có lần nhớ quá, cô đánh liều nhắn tin qua đài phát thanh thì sau đó cả gia đình cô bị bắt lên tra hỏi, vì thế, cô càng không dám liên lạc.
Cô giáo miền Nam trên đất Bắc
Học cấp hai và cấp ba ở Trường học sinh miền Nam số 6 và số 8, sau đó học khoa Ngữ văn của ĐH Sư phạm, cô Lê Minh Ngọc đã trở thành giáo viên dạy văn ở trường cấp ba Lạng Giang, Hà Bắc. Từ năm 1970 đến 1975, cô về Hà Nội dạy cấp ba Chu Văn An, đồng thời là trưởng ban phụ trách học sinh từ Huế và miền Nam ở Chu Văn An.
Thời gian đi dạy ở đây là những năm tháng không thể nào quên. Một nách hai đứa con, chồng cô làm nghề thăm dò địa chất nên thường xuyên đi rừng, ở rừng 4 tháng liên tục là chuyện thường xuyên. Cô Ngọc kể ngày đó cô chỉ nhận được thư chồng chứ không bao giờ viết thư cho chồng được trong tình cảnh như vậy.
Mỗi lần đi dạy, đứa lớn nhất cô cho ngồi sát yên xe đạp, đứa thứ hai mới ba tháng tuổi, cô cho nằm vào một cái rổ cột chặt sau xe, trùm cái bao ni lông lên trên, khoét vài chỗ cho con thở rồi chở con lớn đến trường mẫu giáo, con nhỏ đi nhà trẻ. Lúc cô đi dạy, đứa nhỏ phải ăn nước cháo cho đỡ đói rồi đợi mẹ buổi trưa qua cho bú.
|
Cô Lê Minh Ngọc tại nhà riêng.
|
Tiếp quản giáo dục Sài Gòn
Sau 30/4/1975, đột ngột nhận được lệnh cùng đoàn người vào tiếp quản Sài Gòn, cô Ngọc mừng muốn nghẹn thở. Đến phút chót, người ta phát hiện ra cô có hai con nhỏ mà chồng lại đi vắng nên cô không được đi.
“Lúc đó bao nhiêu cảm xúc dồn dập đến, nỗi nhớ má và quê hương sau 20 năm trời xa cách nên lòng như lửa đốt, tìm mọi cách để đi bằng được. Công đoàn của trường Chu Văn An đã phải đứng ra bảo lãnh nuôi con giùm mới được đồng ý cho đi”, cô Ngọc tâm sự.
Dám bỏ hai con lại, cô cùng 150 người đi ô tô vào Nam tiếp quản, trong nhóm này chỉ có khoảng 30 nhà giáo, còn lại là kỹ sư, bác sĩ…Nửa tháng sau, chồng cô mới đi rừng về (chồng cô không biết tin giải phóng) và cũng nhận lệnh lên đường gấp, đi ngay bằng máy bay vào tiếp quản Tổng cục dầu khí. Thời gian ngắn sau đó, một người bà con xa bên nhà chồng mới đưa hai con cô vào Sài Gòn theo đường tàu thủy. Một cuộc di chuyển ngoạn mục của một gia đình!
Thời điểm cô Ngọc vào đến Sài Gòn khoảng giữa tháng 5. Đến Sài Gòn, cô vẫn chưa được về ngay mà phải ở khách sạn 1 tuần để chỉnh huấn, hơn nữa lúc đó tự do đi lại cũng lo ngại không an toàn. Nhớ má quá, cô viết một cái thư nhờ bác xích lô mang đến nhà (lúc đó ở quận 10, còn khách sạn cô ở quận 1), dặn đến đó mới nhận tiền công vì cô cũng không có tiền!
Khi ra phòng thường trực để “gặp người nhà”, như có thần giao cách cảm, hai má con lao về phía nhau, má cô xúc động mạnh đến mức té lên té xuống dù chỉ đi một quãng đường ngắn. Lúc cô đi chỉ là một đứa bé, trở về đã 32 tuổi. Má cô sờ khắp người từ trên xuống dưới, hun bên nọ, hun bên kia, có lẽ nửa như muốn tìm lại hình ảnh một cô bé con ngày nào, nửa vui mừng vì con đã lớn.
Hết một tuần chỉnh huấn, đoàn người được tỏa đi khắp nơi nhận phân công công việc. Cô được cử về làm phó hiệu trưởng trường cấp ba Chu Văn An Sài Gòn (sau năm 1954 có hai trường Chu Văn An và Trưng Vương là phiên bản của hai trường này ở Hà Nội, với hầu hết giáo viên là người Bắc di cư vào).
Nhận chức phó hiệu trưởng khi mới 32 tuổi, ở một ngôi trường có tới 80% là thầy giáo và thông lệ người lãnh đạo từ trước đều là nam giới, cô Ngọc thú nhận đó là công việc không dễ dàng và không hiểu có một sức mạnh nào giúp cô có thể làm được nhiều điều.
Cô nói: “Ngày đó, mỗi ngày cô dành đến 20 giờ đồng hồ ở trường, sáng vừa đi dạy môn văn, vừa tiếp quản hồ sơ, tài liệu của hàng chục năm, chiều giảng về chính trị, tối hát với học sinh bên lửa trại. Thời nào cũng vậy, đã là giáo viên thì phải dạy giỏi thì mới thu phục được học trò và đồng nghiệp, mới nói chuyện cách mạng với họ được”. Không như hình dung trong đầu của các giáo viên nhà trường, “người cách mạng” phải dữ dằn, mặc bà ba đen, quấn khăn rằn, chuyên môn yếu, cô đã chinh phục mọi người bằng hình ảnh ngược lại.
Cùng với nỗ lực của nhiều giáo viên như cô Ngọc, khai giảng năm học mới của thành phố đã diễn ra vào tháng 10, với chương trình mới của Bộ Giáo dục theo đúng mục tiêu đề ra.
Một điều đáng tiếc sau khi tiếp quản giáo dục Sài Gòn, theo cô Lê Minh Ngọc là Bộ giáo dục không kế thừa được điểm tốt về giáo dục phân ban ở Sài Gòn trước đó. Hồi ở miền Bắc, cô có cái hụt hẫng là cái gì cũng đại trà, trong khi đó, ở Sài Gòn, người ta đã phân ban từ lâu. Cá nhân cô Ngọc ủng hộ phân ban hơn vì giáo dục toàn diện không có nghĩa là cái gì cũng dạy. Học trò đúng là cần biết nhiều thứ nhưng cũng cần chuyên sâu những thứ cần, cái đó cực kỳ quan trọng, không ai giỏi toàn diện hết mọi môn. Chính sách về phân ban sau này của Bộ không nhất quán, hết phân ban rồi bỏ phân ban, rồi lại phân ban nửa chừng, nửa vời, bây giờ cũng chưa ra ngô, ra khoai.
Một điều đáng tiếc thứ hai là có thời gian cấm dạy ngoại ngữ ở bậc mầm non và tiểu học, trong khi đó học sinh càng tiếp xúc sớm với ngoại ngữ thì học càng tốt. Bây giờ học ngoại ngữ cũng nửa chừng nửa vời vì giáo viên không chuẩn, giáo viên không chuẩn thì có hại nhiều hơn có lợi, không chuẩn thì thà đừng dạy còn hơn.
|
|