Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động thành 15 người nhưng duy nhất cô gái 19 tuổi Chính Nghĩa được tham gia trận đánh. Xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào dinh Độc lập, xe tải đầu tiên của đội chở khối thuốc nổ gần 200kg.
> Những hình ảnh lịch sử giải phóng miền Nam/ Hầm vũ khí bí mật giữa Sài Gòn
Nằm trên đường 20 phường 6, quận Gò Vấp (TP HCM), ngôi nhà của bà Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa, cựu biệt động Thành) những ngày tháng tư này rộn ràng bởi nhiều đồng đội cũ đến chia vui, ôn lại những ngày tháng chiến đấu bên nhau.
Nhắc đến đội biệt động Sài Gòn, bà Nghĩa nhớ nhất là ngày được cầm súng đánh vào dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. "Đó là ngày hạnh phúc nhất nhưng cũng là ngày đau thương nhất", người đàn bà 64 tuổi nhớ lại. Trong trận đánh ấy, đồng đội của bà đã hy sinh một nửa, số còn lại cũng bị thương. Vũ khí còn rất ít nhưng họ vẫn quyết chiến đến viên đạn cuối cùng làm quân thù phải khiếp sợ. Nhưng cũng cái ngày ấy, Chính Nghĩa bị bắt và chịu sự tra tấn dã man.
Chính Nghĩa sinh ra trong gia đình có 8 người anh em đều tham gia cách mạng ở xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP HCM). Lớn lên trên vùng đất thép, Chính Nghĩa sớm tham gia vào phong trào cách mạng. Năm 1960, dưới phong trào Đồng Khởi, mới 12 tuổi nhưng bé Nghĩa đã làm nhiệm vụ giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật ở xã.
|
Bà Chính Nghĩa, nữ biệt động Sài Gòn nhớ lại trận đánh lịch sử vào dinh Độc Lập. Ảnh: Tá Lâm. |
Năm 1964, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara không thành. "Hành động của anh Trỗi đã khơi dậy lòng căm thù của những người con yêu nước. Lòng đầy uất ức, tôi tự nhủ mình phải tham gia vào lực lượng cách mạng mới có cơ hội thực hiện nguyện vọng của mình, đi tiếp con đường của anh. Tôi muốn mình được cầm súng chiến đấu", bà Nghĩa kể tiếp.
Chính lúc đó, người con gái đất thép đã nung nấu ý định tham gia vào đội biệt động Sài Gòn. "Tuy nhiên, lúc bấy giờ tôi chỉ biết lực lượng này là biệt động thành chứ chưa biết đến cái tên biệt động Sài Gòn", bà nói. Gần một năm sau, Đội 5 của biệt động thành hoạt động tại Củ Chi tìm kiếm một cô gái dũng cảm gia nhập để làm nhiệm vụ liên lạc với trung tâm Sài Gòn.
Tháng 4/1965, cơ hội đến, cô gái 16 tuổi Chính Nghĩa trở thành thành viên của biệt động Sài Gòn. "Sau đó, tôi được đi học một khóa học trinh sát mặt đất. Khi về, tôi được cấp trên đưa cho một tấm bản đồ của Sài Gòn và một chiếc Mobylette (xe máy có bàn đạp của Pháp) để tập đi. Lúc đó, tôi háo thắng, nghe mấy anh nói vậy thì cứ tập thôi, cũng chưa biết để làm gì", nụ cười đầy vết thời gian bà Nghĩa nhớ lại.
Sau đó bà mới biết mình phải học thuộc lòng những con phố, những ngõ ngách của Sài Gòn qua tấm bản đồ ấy để thuận lợi trong nhiệm vụ liên lạc từ Củ Chi về thành phố và ngược lại. Còn chiếc xe Mobylette chính là "chân chạy" để thiếu nữ mỗi ngày đi về mấy bận giữa hai địa điểm này. Làm tốt nhiệm vụ được giao suốt nhiều năm, Chính Nghĩa được cấp trên đặt cho cái tên là "Chiến sĩ tên lửa". Song "mong muốn lớn nhất" của cô vẫn chưa thành hiện thực.
Tết Mậu Thân năm 1968, Chính Nghĩa được ông Tô Hoài Thanh (Ba Thanh, đội trưởng Đội 5) gọi lên và hỏi: "Em có nguyện vọng gì không?". "Suốt mấy năm nay em toàn liên lạc, vận chuyển vũ khí, đưa thư từ... Nhiệm vụ nào em cũng làm rồi, chỉ có trực tiếp cầm súng chiến đấu là chưa thôi. Trước sau như một em chỉ có nguyện vọng này", Nghĩa trả lời đội trưởng.
Được đội trưởng Đội 5 đồng ý, Chính Nghĩa vui sướng chờ đợi giờ phút thực sự lâm trận. "Từng tham gia học khóa huấn luyện chiến đấu, có điều, tôi không thể tự nhắm một mắt để ngắm bắn. Thành ra tôi chỉ cầm súng bằng một tay, tay còn lại bịt một mắt để nhắm bắn. Đồng đội đều ngạc nhiên khi thấy tôi bắn trúng đến 80% mục tiêu", bà Nghĩa tự hào.
Cuộc họp trước trận đánh, Ba Thanh đã thông báo thay đổi mục tiêu công kích. Lúc đầu là sở chỉ huy ở quận 5, nhưng sau đó Đội 5 được chuyển sang đánh vào mục tiêu quan trọng hơn là dinh Độc Lập và cố giữ trận địa 15-30 phút sẽ có quân chi viện. "Mọi người đều sửng sốt nhưng ai cũng quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng đội đã thề với nhau là chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù phải hy sinh", bà Nghĩa nhớ lại.
Khoảng 1h30 mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động 15 người trên ba xe tải nhỏ và hai chiếc Honda, chỉ duy nhất cô gái 19 tuổi Chính Nghĩa được tham gia trận đánh. Đội xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào dinh Độc lập. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200 kg có nhiệm vụ phá cổng.
|
Chính Nghĩa lúc 19 tuổi. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những ụ gác của quân đội Mỹ ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ. 5 chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh.
Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, chính quyền Sài Gòn sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiêu diệt. "Nhưng tình hình mỗi lúc một gay go, hơn 30 phút trôi qua mà vẫn chưa có quân tiếp viện", bà Nghĩa cho biết.
Bỗng có 2 ánh đèn pha ôtô rọi đến, không có ánh đèn tín hiệu, Chính Nghĩa hoảng hốt kêu lên: "Không phải quân ta anh Ba ơi, địch đấy". Chờ tên lính trong xe trước tới gần chừng 100 thước, Chính Nghĩa bóp cò. Cô gái trẻ sung sướng vì lần đầu tiên cô tiêu diệt được lính Mỹ bằng khẩu súng trên tay.
Sau đó, người đội trưởng Đội 5 đã hy sinh, Chính Nghĩa cũng bị thương. Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 người còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ. Suốt một ngày, vừa đói vừa khát nhưng những chiến sĩ biệt động vẫn chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân đội Mỹ. Thậm chí, khi hết đạn họ đã phải lấy đá làm vũ khí chiến đấu. Tại đây, thêm một người nữa đã hy sinh.
Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn bắn, 7 người dìu nhau vượt qua mấy nhà khác rồi trổ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. "Đến sáng, địch truy theo dấu máu phát hiện chúng tôi nên đổ quân bao vây. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một anh trong đội rút chốt nhưng không nổ. Chúng tôi bị bắt", nữ biệt động thành kể.
Chịu mọi cực hình tra tấn tàn bạo, dã man nhưng người con gái đất thép Củ Chi vẫn không khai nửa lời. Chính Nghĩa đã lần lượt qua các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo. Năm 1974, Nghĩa được thả.
Năm sau, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, một lần nữa Chính Nghĩa được lệnh đánh vào dinh Độc Lập. Khi đó nữ biệt động này đã chuyển đơn vị qua A34 Cục tình báo Miền. Khi hành quân đến đường Quang Trung, mọi người vỡ oà vì sung sướng khi hay tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã đầu hàng.
Tá Lâm
Theo Vnexpress
|