QĐND Online - Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cục Dân vận - Tổng cục Chính trị đã tổ chức đưa hàng trăm cán bộ địch vận “tập kết ngược” vào chi viện cho chiến trường miền Nam để tiến hành công tác binh địch vận. Chuyến vào Nam đầu tiên được thực hiện vào đầu tháng 10-1954 gồm 3 cán bộ, trong đó có đồng chí Trần Bá - một trong ba Anh hùng LLVT nhân dân của Cục...
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm âm mưu chia cắt nước ta. Trong giai đoạn cách mạng này, một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng của ta là tăng cường cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam. Cục Dân vận được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ lựa chọn, điều động cán bộ binh địch vận có kinh nghiệm từ các đơn vị, địa phương về tập trung; tổ chức bồi dưỡng phong tục tập quán của các dân tộc miền Nam và kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch.
Từ tháng 10-1954 đến tháng 7-1958, thông qua nhiều con đường, Cục đã tổ chức hai đợt, đưa 53 cán bộ binh địch vận vào Nam, trong đó chủ yếu là cán bộ quân đội. Chuyến đầu tiên được thực hiện đầu tháng 10-1954 gồm ba người: Trần Bá, Lê Quốc Chinh, Trương Tế Mỹ. Cả ba người được đưa vào Nam theo đường hàng không trên chuyến bay của Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến, dưới danh nghĩa những sĩ quan Việt Minh tham gia trong các tổ Liên hợp quân sự Việt-Pháp. Vào đến Sài Gòn, ba cán bộ địch vận tiếp tục lên máy bay đến Sóc Trăng, sau đó đến căn cứ Xứ ủy Nam bộ ở Chắc Băng, xã Vĩnh Thuận (An Biên, Cà Mau). Tại đây, họ được các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ.
|
Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Bá. Ảnh: tư liệu
|
Nhiệm vụ của họ là tổ chức lại hệ thống cơ quan binh địch vận các cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ và triển khai các mặt hoạt động. Đồng chí Trần Bá và Trương Tế Mỹ nhận nhiệm vụ vào Sài Gòn-Gia Định hoạt động, còn đồng chí Lê Quốc Chinh quay ra Bắc trong “vai” một bác sĩ quân y trên chuyến bay chuyển thương binh nặng ra Hà Nội và có nhiệm vụ báo cáo Trung ương Đảng về đề nghị của Xứ ủy Nam bộ là tăng cường cán bộ binh-địch vận cho miền Nam. Riêng đồng chí Trần Bá được giao nhiệm vụ quan trọng, chủ chốt về công tác binh địch vận là Phó ban Binh vận Trung ương Cục.
Đồng chí Trần Bá (tức Lê Hà) sinh năm 1923, quê ở xã Phước Long, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Từ năm 1945-1951, Trần Bá từng hoạt động ở địa phương, làm Bí thư huyện ủy, Tỉnh ủy viên, sau đó tham gia quân đội. Trong hoàn cảnh khó khăn, địch bố trí nhiều gián điệp, mật thám theo dõi gắt gao, Trần Bá đã khéo cải trang sống hợp pháp ở Sài Gòn và các tỉnh khác, có lúc còn sang cả đất bạn Campuchia hoạt động.
Đầu năm 1958, trong một chuyến công tác, do một tên phản động cùng quê chỉ điểm, Trần Bá bị địch bắt tại Sài Gòn. Trong suốt 5 năm (từ 1958-1963), địch đã giam Trần Bá qua hơn 10 nhà tù và tra tấn bằng những thủ đoạn man như: đóng đinh vào bàn tay, buộc vào xe ô tô kéo đi, treo ngược người lên để đánh và tra điện... Mỗi ngày địch chỉ cho ăn vài thìa cơm, thậm chí 3-4 ngày liền chúng bắt nhịn đói và giở trò dụ dỗ. Dù bị giam ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trần Bá vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, liên tục tiến công, dùng lời lẽ vạch mặt kẻ thù, đồng thời tìm cách tổ chức cho anh em vượt ngục, động viên mọi người đối phó với địch và đỡ đòn cho đồng đội khi kẻ thù đánh đập. Hành động bất khuất và tinh thần tiến công kẻ thù đến cùng của người cán bộ địch vận trong ngục tù của kẻ địch đã có tác dụng cổ vũ anh em kiên quyết đấu tranh với giặc. Đầu năm 1963, sau nhiều lần tra tấn, dụ dỗ, không khai thác được gì, Trần Bá đã bị kẻ địch hèn hạ giết hại.
Ngày 6-11-1978, Trần Bá đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để ghi nhận những công lao đóng góp của Anh hùng liệt sĩ Trần Bá đối với sự nghiệp cách mạng và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tỉnh Bình Định đã lấy tên ông đặt tên cho một đường phố tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước. Ngày 26-8-2011 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định cũng quyết định đặt tên một trường học mang tên Trần Bá ở vị trí phù hợp, thuộc dự án quy hoạch xây dựng mới trường học trên địa bàn huyện Tuy Phước, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình Liệt sĩ Trần Bá để xây dựng, tôn tạo nhà thờ lưu niệm anh hùng Trần Bá theo chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Lê Thúy Nga
|