Ông Trần Văn Huy (tên hay gọi Bảy Huy, 62 tuổi, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) - “cha đẻ” của loại nhãn tím “độc nhất vô nhị” nhìn là mê, sờ là thích. Ông Huy cho biết, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên nhãn ra hoa, đậu trái không được nhiều như năm trước, dù vậy giá nhãn tím vẫn không tăng.
“Giá nhãn tím trái tôi bán 100.000 đồng/kg, còn cây giống thì 1 triệu đồng/cây. Nhiều người thắc mắc nhãn tím người ta bán trên thị trường 400.000-500.000 đồng/kg mà sao tôi bán rẻ vậy. Tôi nghe xong chỉ cười và nói giá này bán trước giờ, còn mấy người kia có thể mua đi bán lại,... ”, ông Bảy Huy cười nói.
Ông Huy sau đó chiết nhánh nhãn tím này ra trồng. Từ cây nhãn cho trái màu tím này, ông nhân giống được khoảng 50 gốc nhãn trồng quanh nhà
Theo ông Huy, loại nhãn tím có sức đề kháng, chống chịu các loại sâu bệnh tốt hơn hẵn các loại nhãn khác. Đặc biệt, nhãn tím kháng được bệnh chổi rồng, một loại bệnh làm điêu đứng nhiều nhà vườn trồng nhãn
“Loại nhãn tím này không cần nhiều công chăm sóc và phân bón. Chỉ cần chiết nhánh trồng khoảng 1 năm sẽ cho trái, năng suất tương đương loại nhãn bình thường. Mỗi năm nhãn ra trái 2 lần. Trong đó, mùa thuận thì ra trái tự nhiên, mùa nghịch là gần Tết âm lịch phải xử lý phân bón, nước,... ”, ông Huy nói.
Theo tìm hiểu, nhãn tím không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà vài năm trở lại đây, đây là một trong những đại diện thương hiệu của Sóc Trăng được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ, lễ hội,...
Các trung tâm giống, người dân từ các tỉnh, thành, như: Hà Nội, Sài Gòn, Lạng Sơn Hà Giang,... thậm chí du khách từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia,... cũng tìm về Sóc Trăng, vượt đò sang cù lao Phong Nẫm để tham quan vườn nhãn tím và hỏi mua nhánh đem về trồng.
“Mấy người Thái Lan, Indonesia hỏi mua cây giống nhưng tôi nhất quyết không bán. Có người Đài Loan đòi bao tiêu sản phẩm loại nhãn tím này nhưng tôi không đồng ý", ông Bảy Huy kể. Ông tâm sự, loại nhãn tím là “trời ban lộc” cho gia đình ông nên không muốn nhân rộng sang các nước khác.
Cơ quan chức năng địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt nhãn tím. Việc phát triển diện tích cây nhãn tím sẽ được mở rộng khi nắm bắt chính xác nhu cầu của thị trường và tránh ồ ạt, cung vượt quá cầu. Viện Cây ăn quả miền Nam đã mang cây nhãn tím về nghiên cứu để sớm xác định được các đặc tính cũng như quá trình sinh trưởng của cây và đặt tên cho cây theo khoa học.
Chùm nhãn tím khiến vạn người mê
Theo Hoài Thanh
VietnamNet
http://dantri.com.vn/su-kien/loc-troi-chi-co-o-viet-nam-van-nguoi-me-dai-loan-thai-lan-xep-hang-xin-mua-20180808135518818.htm