Trên phố Hàng Bạc giữa phố cổ Hà Nội, ông Nguyễn Chí Thành cũng là một trong số ít người thợ thủ công còn tiếp tục kiên trì theo đuổi nghề kim hoàn gia truyền của dòng họ.
Phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) chỉ dài 500 mét nhưng có tới hàng trăm cửa hàng buôn bán vàng bạc. Cửa hàng của ông Thành nằm lọt thỏm trong con phố sầm uất đó nhưng lại là nơi lưu giữ nghề thủ công gia truyền làm đồ trang sức.
Gia đình ông Thành là người gốc làng Định Công. Năm 1902, gia đình ông chuyển về phố Hàng Bạc làm kim hoàn. Ông Thành hiện tại là thế hệ thứ năm của dòng họ tiếp nối với nghề này.
Cửa hàng của ông Thành là nơi trưng bày đủ loại sản phẩm do ông làm ra, đồng thời cũng là xưởng thiết kế mẫu mã đồ trang sức.
Các sản phẩm làm theo cách thủ công truyền thống thường chậm, tỉ mỉ, không cái nào giống cái nào. Có chiếc nhẫn phải mất 2 - 3 ngày công mới hoàn thành.
Sản phẩm thủ công do ông Thành chế tác bằng bạc.
Những mẫu mã có thể do ông sáng tạo ra hoặc gia công theo mẫu có sẵn. Ông Thành cho biết đã là thợ kim hoàn thì mẫu nào cũng làm được.
Nói về các sản phẩm trang sức, ông Thành cho rằng cách làm bây giờ đã thay đổi rất nhiều, các thiết bị đồ nghề hiện đại hơn nhưng ông vẫn thích làm theo phong cách ông cha truyền lại từ bao đời nay, làm như vậy để giữ được cái hồn của sản phẩm.
Những dụng cụ đồ nghề truyền thống không có gì thay đổi.
Hiện tại ngoài các sản phẩm kim hoàn chế tác cho khách trực tiếp, sản phẩm của ông còn có mặt ở các cửa hàng đồ trang sức mỹ nghệ ở các trung tâm buôn bán, địa điểm du lịch.
Cửa hàng nhỏ có phần cũ kỹ của gia đình ông Thành nằm lọt thỏm bên các cửa hiệu được trang hoàng rực rỡ, nó cũng giống như phong cách cổ điển của ông trong chế tác đồ trang sức thủ công mà ông vẫn đang theo đuổi.