Ảnh minh họa. Nguồn: internet
|
Ở nước ta, loài cá chuồn tập trung nhiều ở vùng biển Nam Trung Bộ, nhiều nhất là vùng biển Quảng Nam với hai loại phổ biến là cá chuồn cồ (to) và cá chuồn gành (nhỏ hơn).
Cá chuồn mình dài, lưng thon, bụng trắng, đặc biệt là cặp vây ngực dài tới tận đuôi, nhờ thế mà nó không chỉ nhảy búng lên mà còn bay được. Khi muốn bay, vây dưới bụng xòe ra như đôi cánh, đập mạnh để bay ra khỏi mặt nước mấy mét và là đà trên mặt biển khoảng mấy chục mét. Cặp vây ngực lớn chính là ưu thế giúp cá chuồn ẩn, thoát khỏi các kẻ thù như cá thu, cá ngừ, cá kiếm, cá cờ và các loài cá ăn thịt lớn khác bằng cách nhảy ra khỏi mặt nước và bay qua không khí một khoảng xa trên bề mặt của nước.
Bắt đầu từ tháng Ba, tháng Tư ở chợ đã thấy có bán cá chuồn nhưng rộ nhất vào mùa hè khoảng tháng Năm tới tháng Bảy. Cá chuồn nhiều xương và rẻ hơn cá thu, cá ngừ, cá chim, cá cam..., rất hợp với túi tiền của người nghèo nhưng có thể chế biến thành nhiều món ngon được người dân xứ Quảng ưa thích như nướng, nấu canh chua, gấp đôi chiên, kho nước, kho rim, kho với mít non, muối cá thính, phơi khô để dành mùa đông... Trong đó món cá chuồn kho với mít non là món thông dụng nhất trong bữa cơm của người Quảng nhất là những gia đình nông dân, lao động nghèo.
Cá chuồn trước khi chiên, kho... cần phải tẩm ướp kỹ càng mới khỏi tanh và thơm ngon nhờ những gia vị đặc biệt của địa phương. Người Quảng chế biến và tẩm ướp cá chuồn theo cách riêng của mình, không giống bất cứ vùng miền nào. Tôi đã sống ở Huế nhiều năm, đã ra Bắc, vào Nam nhưng chẳng thấy nơi nào ướp cá như xứ Quảng và dường như họ cũng không yêu thích món cá này như người Quảng.
Người Quảng Nam mua cá chuồn về làm sạch rồi rạch một đường dài phía bụng, banh con cá ra, rạch tiếp hai đường dọc theo hai bên xương sống cho con cá nằm thẳng ra không bị co lại, dùng sống dao dần cho gãy xương sống ở đoạn giữa để sau khi ướp gia vị, có thể gấp đôi con cá lại. Sau đó ướp cá bằng củ nén, củ sả, củ hành, ớt, muối, tiêu, bột ngọt..., có người thích còn cho thêm nghệ vào nữa. Tất cả đều xắt lát bỏ vào cối giã nhuyễn, trét hỗn hợp đó vào bên trong của con cá cho đầy rồi gấp đôi lại. Cho cá đã ướp vào chảo dầu nóng để chiên.
Cá chuồn kho mít non không chiên vàng rụm như món cá chuồn chiên mà chỉ cần chiên sơ cho thịt cá săn lại, và dậy mùi thơm của gia vị ướp, xếp cá vào nồi, cho mắm muối... vừa ăn rồi chế nước vào đun lửa riu riu chờ cá thấm. Mít non gọt sạch cắt thành lát chiên hơi vàng, cho vào nồi cá kho, đun tiếp bằng lửa nhỏ cho đến khi mít thấm, mềm thì nhắc xuống. Cá chuồn kho mít non ăn với cơm nóng rất tuyệt, vì thế đến mùa cá chuồn nhà nào ở Quảng Nam cũng có một nồi cá kho xem như món ăn chính trong bữa cơm. Xế chiều đói bụng có thể chan nước cá chuồn kho vào chén cơm nguội hay chén bún tươi lót lòng cũng thú vị.
Món cá chuồn kho mít non không phải là cao lương mỹ vị, nó rẻ tiền và đơn giản nhưng mang đậm hương vị quê nhà khiến người con Quảng Nam ai cũng thích, cũng nhớ nhất là khi đi xa.
Châu Yến Loan/ Báo Quảng Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/xa-que-lai-nho-ca-chuon-mit-non-20180515100415331.htm