Những chàng trai Mông thi giã bánh dày trong phiên chợ vùng cao được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
Sáng tạo từ cuộc sống
Trò chơi dân gian truyền thống là sản phẩm của cộng đồng cư dân vùng núi phía Bắc. Từ sản xuất, sinh hoạt đời sống đến các phong tục tập quán và đấu tranh chống ngoại xâm, đồng bào đều sáng tạo nên những trò chơi để thư giãn và để thi đấu, rèn luyện sức khỏe, nâng cao tay nghề… Bên cạnh những trò chơi mang dấu ấn riêng của từng dân tộc, vùng miền, có rất nhiều trò chơi dân gian truyền thống mang tính phổ biến của nhiều cộng đồng dân tộc.
Tục giã bánh dày của người Mông ở Lai Châu, Điện Biên và một số vùng khác có từ lâu đời, gắn liền với các lễ hội lớn hay ngày cưới… Quy trình làm bánh dày đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo mới có thể tạo ra món bánh dẻo, mịn màng, lôi cuốn nam thanh nữ tú của cả bản làng cùng nhau thi thố.
Tó má lẹ là trò chơi dân gian của người Thái ở Sơn La được hình thành khi phụ nữ Thái vào rừng lấy củi. Cũng theo tục xưa của người Thái, khi đồng bào cấy cày lúa nước trên nương, họ thường tung các bó mạ cho nhau, từ đó xuất hiện tục ném còn.
Bên cạnh trò chơi mang sắc thái riêng của dân tộc, có nhiều trò chơi hình thành từ sự tương đồng và giao thoa văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc vùng núi phía Bắc như: Tung còn, nhảy sạp, nhảy dây, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo..
Theo tiếng Tày, kéo co còn được gọi là “kéo mây” mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng trong lao động, sản xuất, tôn vinh và củng cố sức mạnh của tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng. Đây cũng là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ hội Xuống đồng của người Tày, Nùng, Giáy ở Lào Cai và Thái Nguyên...
Trò đi cà kheo lại xuất phát từ đặc điểm ở nhà sàn và di chuyển trên đường đất lầy lội của đồng bào miền núi phía Bắc vào những ngày mưa.
Ngoài ra, một số trò chơi lại gắn liền với loại hình nghệ thuật biểu diễn với các làn điệu hát dân ca của mỗi dân tộc như thi hát lượn (Tày, Nùng); hát ống (Mông); hát Soọng cô (Sán Dìu)… Là loại hát ví đối đáp nhưng vừa là trò chơi vì có yếu tố giải trí, thi đố. Nhảy thà khềnh (múa khèn) của người Mông cũng là dạng trò chơi thi đấu trong hình thức diễn tấu dân gian.
Từ trong sản xuất và sinh hoạt, trải qua quá trình lâu dài, hệ thống trò chơi dân gian đã được sản sinh, là sự phản ánh sinh động cuộc sống, khát vọng của chính chủ thể văn hóa.
Trò đẩy gậy khá phổ biến đối với các cộng đồng dân tộc
|
Trò chơi dân gian trong đời sống của các cộng đồng dân tộc
Nhìn chung, trò chơi dân gian chủ yếu là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không phân biệt trai gái, già hay trẻ và thường diễn ra ở ngoài trời. Sự phân định giữa trò chơi và thi đấu dân gian, truyền thống hay nghệ thuật biểu diễn chỉ mang tính tương đối. Đa phần từ trò chơi mà được chuẩn hóa thành thi đấu hoặc ngược lại từ nghệ thuật biểu diễn biến thành trò chơi hay thi đấu.
Các trò chơi dân gian thường gắn liền với các lễ hội truyền thống, dân gian của đồng bào. Nó được tiếp nối sau phần lễ, kết nối cả cộng đồng cùng tham gia hoặc cổ vũ. Cùng với những nghi lễ tri ân tổ tiên và cầu mong sức khỏe, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số còn ngưỡng vọng một mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc.
Nhiều trò chơi đã trở thành quen thuộc với các cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc như: ném còn, kéo co, đấu gậy, bắn nỏ, đánh yến, đánh khăng, đi cà kheo, nhảy sạp, nhảy que, xòe… Trò chơi dân gian là sợi dây vô hình cố kết cộng đồng. Đây cũng là dịp già trẻ, gái trai đua tài, rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ hay khéo léo và sự nhanh nhẹn, chính xác cũng như tài ứng đối.
Hát ống - trò chơi dân gian gắn liền với loại hình nghệ thuật biểu diễn của người Mông
|
Trong những ngày diễn ra lễ hội, khi cồng chiêng và trống vang lên, vòng xòe của người Thái được mở rộng, các cộng đồng dân tộc hay du khách gần xa đều có cơ hội nắm tay nhau hòa cùng nhịp điệu. Với trò ném còn (tung còn) của người Thái, Tày, Nùng thì trò chơi dân gian này không chỉ mang tính giải trí, thời điểm hẹn hò của trai gái mà còn là sự ngưỡng vọng một mùa màng bội thu, sự cổ vũ của cả cộng đồng.
Trò chơi dân gian, truyền thống không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí mà còn là cách thức phát triển toàn diện về thể lực, kỹ năng, là sự kết nối cộng đồng và cách thức để giữ gìn, bảo lưu những giá trị văn hóa của chủ thể văn hóa đã được kết tinh trong đó.
Trải qua thời gian, vượt qua những tác động của nền kinh tế thị trường, các trò chơi dân gian truyền thống vẫn được chủ thể văn hóa bảo lưu, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay các trò chơi dân gian truyền thống này đang được đưa vào hoạt động giáo dục cấp tiểu học và là sản phẩm du lịch đặc thù trong du lịch cộng đồng của đồng bào miền núi phía Bắc.
Lê Thu/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/suc-song-cua-tro-choi-dan-gian-truyen-thong-cong-dong-cac-dan-toc-vung-nui-phia-bac-20180323150255124.htm