Nét đẹp văn hóa dựng cây nêu, cây bông ngày Tết đã được khôi phục ở thôn Đông Phan. Ảnh: Thành Chung
|
Khôi phục nét đẹp truyền thống
Tết cổ truyền năm trước, ai có dịp về thôn Đông Phan, xã Tân An , huyệnThanh Hà, tỉnh Hải Dương đều bị cuốn hút vào không khí đón năm mới độc đáo ở đây. Dọc hai bên những trục đường chính của thôn, các cây bông được trồng san sát.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy Hằng ở đường Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương) đều sinh ra ở thôn Đông Phan. Cuối năm, vợ chồng chị lại đưa con về quê ăn Tết với ông bà. Chị Hằng nhớ lại: “Tết vừa rồi về quê, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy những hàng cây bông đủ màu khoe sắc trên đường và cây nêu ở sân chùa. Các con tôi tò mò hỏi đây là cây gì, có ý nghĩa thế nào? Khi được vợ chồng tôi giải thích, các cháu rất thích”. Gia đình chị Hằng đã chụp rất nhiều ảnh bên những cây bông, cây nêu đưa lên Facebook khoe với bạn bè. Ai cũng thích. “Nhiều người còn nhắn tôi Tết năm nay về quê nhớ rủ họ đi cùng để ngắm cây bông, cây nêu”, chị Hằng nói.
Theo lời kể của nhiều người cao tuổi trong thôn, trước năm 1945, trong ngày Tết, cây nêu vẫn được trồng ở khuôn viên đình, chùa. Sau đó, tục này dần mai một. Vài chục năm nay thì tục lệ này không còn được duy trì nữa. Ông Bùi Duy Bi (72 tuổi) cho biết: “Chúng tôi biết cây nêu qua những lần đi công tác vào các bản của người dân tộc ở vùng núi phía Bắc. Còn tục trồng cây nêu của thôn thì chúng tôi chỉ biết qua lời kể của ông cha. Nhiều người dân trong thôn cũng mong muốn phục dựng lại tập tục này nhưng không còn ai biết cách làm”.
Người có công khơi lại phong tục này ở Đông Phan là sư thầy Thích Quảng Nghiêm. Về trụ trì chùa Cả từ năm 2012, sư thầy luôn để tâm tìm hiểu những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của địa phương. Biết ở đây vốn có truyền thống trồng cây nêu, sư thầy nảy ý định khôi phục. “Ngoài việc phục hồi nét đẹp văn hóa của địa phương, việc trồng cây nêu, cây bông còn là mong ước khơi dậy lòng tự hào của người dân, cùng nhau xây dựng tình đoàn kết, gắn bó xóm làng”, sư thầy cho biết.
Gắn kết cộng đồng
Các công đoạn để làm cây nêu và những cây bông khá cầu kỳ. Nhà chùa cùng Chi hội Người cao tuổi của thôn cử người đi mua những cây tre dài hơn 3 m về làm cây bông. Lần đầu làm còn bỡ ngỡ nhưng mọi người đều rất hào hứng. Mỗi người một việc: sơn, làm cành, tết hoa... Chỉ trong ít ngày, 40 cây bông đã được quét sơn sáng bóng. 5 cành gắn xen kẽ vào thân cây gắn hoa nhiều màu đã hoàn chỉnh. Đúng ngày 23 tháng chạp, các cây bông rực rỡ sắc màu được dựng thẳng tắp trên các trục đường của thôn.
Cây nêu, cây bông đã tô sắc cho không gian ngày Tết thêm tươi thắm, ý nghĩa. Con em xa quê, người nơi khác về địa phương vào dịp này đều thấy ấm lòng |
Ngoài những cây bông trồng ngoài đường, người dân làm cây nêu dựng ở chùa. Vật liệu cũng là tre nhưng chọn được tre làm cây nêu không đơn giản. Cây phải cao từ 7 m trở lên, cành lá xanh tốt, ngọn không thẳng nhưng không quá cong. Ông Đỗ Xuân Mau cho biết: “Người cao tuổi ở 3 xóm chia nhau đến các nơi còn trồng tre ở thôn để xem có cây nào vừa ý không. Phát hiện cây đúng yêu cầu, mọi người thông báo cho nhau và cùng đến kiểm tra lại, chọn cây đẹp nhất”.
Do mọi người không biết cách làm cây nêu nên sư thầy Thích Quảng Nghiêm hướng dẫn từ đầu đến cuối, nhất là trang trí làm sao cho cây nêu vừa đẹp, vừa có ý nghĩa và đúng với truyền thống. Phần cành, ngọn cây treo chuông gió, khánh và có 1 chiếc giỏ đựng gạo, muối, tiền vàng, trầu, cau... Điểm nhấn của cây nêu là đôi câu đối “Xuân đa cát khánh, hạ bảo bình an/Thu miễn tam tai, đông nghênh bách phúc”. Các vật treo trên cây thể hiện ước muốn của nhân dân là xua đuổi tà ma, điềm dữ, mang đến điềm lành, no ấm, bình an. Sau khi hoàn thiện, đại diện dân làng và nhà chùa làm lễ xin dựng cây ở sân chùa.
Cây nêu, cây bông dựng trong suốt Tết. Đến ngày mùng bẩy tháng giêng, nhà chùa và nhân dân mới làm lễ hạ cây nêu. “Chúng tôi rất phấn khởi vì nhà chùa giúp thôn khôi phục lại một nét đẹp văn hóa truyền thống bị lãng quên. Cây nêu, cây bông đã tô sắc cho không gian ngày Tết thêm tươi thắm, ý nghĩa. Con em xa quê, người nơi khác về địa phương vào dịp này đều thấy ấm lòng”, ông Nguyễn Hữu Tạo, Bí thư Chi bộ thôn Đông Phan nhận xét.
Tết Đinh Dậu này, thôn làm 70 cây bông trồng ở khắp các trục đường của thôn và làm 3 cây nêu trồng tại 3 xóm. Cây bông năm nay còn làm to đẹp hơn năm trước. Sư thầy Thích Quảng Nghiêm cho biết: “Nhà chùa bàn bạc với nhân dân làm sớm hơn năm trước. Từ đầu tháng 12, nhà chùa đã chọn mua tre về xử lý chống mối mọt và huy động bà con đến vót cây bông. Cây năm nay cao khoảng 7 m và hoa được làm từ chính thân tre chứ không làm bằng nilon nữa”.
Cây nêu, cây bông làm cho khung cảnh ngày xuân ở Đông Phan thêm tươi vui. Người dân thêm tự hào và thêm yêu quê hương mình.
Danh Trung/ Báo Hải Dương
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ve-dong-phan-ngam-cay-neu-20180212150108882.htm