Dưa kiệu ngày Tết. Ảnh: P.V
|
Tôi nhớ ngày trước, cứ đầu tháng Chạp, mẹ tôi đã mua củ kiệu rồi. Củ kiệu mua về mẹ rửa sạch sẽ, cắt phần rễ và phần lá để một bên, phần củ để một bên. Phần củ mẹ làm dưa món chung với đu đủ, cà rốt. Còn phần lá và rễ mẹ cắt ngắn khoảng 10cm muối cùng với cải cây để đến Tết kho với thịt heo ba chỉ.
Những năm ra trường đi dạy gần nhà mẹ mới dạy cho tôi làm dưa kiệu. Mẹ chỉ cho cách muối dưa kiệu sao cho vừa ngon vừa đẹp mắt. Mẹ đã truyền hết bí quyết cho tôi. Vậy mà, bây giờ tôi muối dưa kiệu vẫn không ngon bằng mẹ. Dưa kiệu mẹ tôi dầm không quá mặn, không quá nồng mà vẫn vừa cay cay, vừa ngòn ngọt, thơm dìu dịu, ăn với bánh tét rất vừa miệng và không bao giờ thấy ngán. Đặc biệt dưa kiệu của mẹ làm để được rất lâu, có những năm ăn ra giêng, ra hai kiệu vẫn còn thơm nức.
Mẹ dặn muốn làm dưa kiệu ngon, đầu tiên, mua kiệu phải lựa tương đối đều củ, đẹp mắt, đem về cắt bỏ phần rễ và lá, hòa tro bếp với nước, để tro lắng lấy nước trong, cho kiệu vào ngâm qua đêm để bớt đi vị hăng, sáng mai đem kiệu xả sạch với nước lạnh, để ráo, đem phơi cho kiệu hơi héo bề mặt. Khi nhìn thấy củ kiệu không còn ẩm ướt, trút hết vào một cái thau lớn, đổ nước giấm nuôi vào. Đem thau kiệu dang nắng thêm một ngày, chịu khó cách một hai tiếng đồng hồ thì xốc trộn kiệu cho thấm đều nước giấm. Đợi thêm một đợt nắng nữa, vớt kiệu ra phơi khô ráo, rồi trút hết vào thau và ướp đường. Khi kiệu đã nằm yên trong thau với lượng đường phù hợp, cứ để như thế khoảng vài ba ngày cho đường chảy dần thành nước, thỉnh thoảng trộn đều. Sau đó mẹ xếp kiệu vào những cái hũ thủy tinh.
Tôi thích nhất là ăn dưa kiệu với bánh tét. Cho nên Tết nào, dù trời nắng hay mưa, mẹ vẫn cố gắng làm cho tôi một vài hũ dưa kiệu thật ngon. Cứ mỗi lần đi mừng tuổi ông bà về, bao giờ mẹ cũng chuẩn bị cho tôi đĩa bánh tét với đĩa dưa kiệu. Nhớ đĩa dưa kiệu với đĩa bánh tét xanh mướt mà thương mẹ quá chừng! Mẹ đã chăm chút cho các con từ miếng ăn ngay thuở ban đầu. Vậy mà, bây giờ trên đầu tôi đã hai thứ tóc rồi vẫn chưa phụ giúp gì được cho mẹ.
Không biết các bạn cùng lứa tuổi tôi hồi đó ở thị thành có bao giờ nhìn thấy cảnh làm dưa kiệu của các mẹ, các chị chưa? Cảnh làm dưa kiệu hơi vất vả, nhưng nuôi dưỡng rất nhiều tâm hồn ngây thơ, gắn chặt với từng hồi ức kỷ niệm làng quê. Mùi hương củ kiệu không lan tỏa xa như các mùi hương khác nhưng luôn đong đầy tình cảm lớn cho tâm hồn của những người con xa quê.
Phạm Văn Hoanh/ Báo Quảng Ngãi
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/hu-dua-kieu-cua-me-20180212152021911.htm