Một cô bé người Tày theo mẹ đi lấy nước đầu năm
|
Phong tục lấy nước đầu năm đã giúp họ giãi bày được những ước mong đó. Với sự thành tâm, người Tày chuẩn bị các đồ vật một cách tỉ mỉ, nâng niu. Để thực hiện việc đi lấy nước đầu năm, những vật phẩm cần có của mỗi gia đình gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương. Xôi vàng được chuẩn bị nguyên liệu từ tối 30 Tết. Màu vàng được lấy từ quả dành dành do bà con hái từ trong năm. Quả được cho vào cối giã mịn, hòa với lượng nước vừa đủ để được thứ nước màu vàng. Gạo nếp sau khi đãi sẽ cho nước dành dành vào ngâm. Sáng hôm sau, vớt gạo cho vào xửng hấp. Khi chín, xôi có màu vàng tươi đẹp mắt.
Cành hoa dâu được làm từ những cành dâu bánh tẻ thẳng, mập mạp. Thường sẽ chuẩn bị hai cành, mỗi cành ba tầng hoa. Để có một cành dâu đẹp phải chuẩn bị dao thật sắc, khéo léo gọt sao cho sợi thật mỏng mà uốn lượn bồng bềnh. Trong quan niệm của người Tày, cành dâu có tác dụng xua đuổi tà ma. Việc đem theo cành hoa dâu để đi lấy nước với ý nghĩa sẽ xua đuổi được các ma xấu, chỉ đem về những điều tốt lành nhất.
Nước lấy về được dùng để nấu bánh chưng
|
Trong lúc đồ xôi, người ta đun một siêu nước với lá đa để cả nhà dậy rửa mặt, với mong ước là khuôn mặt sẽ đẹp, tròn trịa như chiếc lá đa. Tất cả các thứ bỏ đi (gồm cành dâu còn thừa, cặn quả dành dành, nước rửa mặt lá đa...) sẽ được gom lại vào thùng để mang xuống suối đổ, với mong muốn là sẽ bỏ đi những cái cũ, những điều không may...
Người đi lấy nước thường là chủ nhà, có thêm con cái hoặc anh em cùng đi. Trên đường đi có cắm hương ở một số nơi mà lúc quay về sẽ xin cành lộc. Đến suối, chọn hướng nước chảy, sau khi cắm cành hoa dâu, cắm hương và đổ các thứ bỏ đi đem theo, chủ nhà lầm rầm nói: “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi múc lấy nước để gánh về dùng. Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn. Trong lúc đó, những người đi cùng sẽ lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân. Trên đường về, có xin một vài cành lộc nho nhỏ và tin rằng tiền của theo đó mà về dồi dào...
Lấy nước đầu năm là một phong tục đẹp của người Tày
|
Thực hiện các công đoạn để đi lấy nước đầu năm một cách cẩn trọng, thành kính, đem lại cho người Tày niềm tin vào một năm mới tốt lành. Đó như một liều thuốc tinh thần giúp họ hăng say lao động, vun vén cuộc sống gia đình. Ngày nay, tục lấy nước đầu năm mặc dù vẫn còn được duy trì nhưng đã có nhiều sự thay đổi, người thực hiện chỉ làm qua loa, có nhiều gia đình không còn giữ phong tục này. Một tục lệ đã có từ rất xa xưa, thể hiện những ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, thể hiện ý thức tôn trọng và yêu quý thiên nhiên của những con người gắn cuộc sống của mình với thiên nhiên đang có nguy cơ mai một.
Tô Đình Hiệu/ Báo Quảng Ninh
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/phong-tuc-lay-nuoc-dau-nam-cua-nguoi-tay-20180129092705916.htm