Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Hồn gốm xứ Quảng Hồn gốm xứ Quảng , Người xứ Nghệ Kiev
 

Ai từng có dịp đến TP Hội An (Quảng Nam), hẳn đều ấn tượng với những dãy nhà cổ mái ngói âm dương phủ mầu rêu phong; những con giáp bằng gốm và đất nung nhỏ xinh lúc lắc theo gánh hàng rong đồ lưu niệm của các bà, các mệ trên khắp các con đường… Nhưng không phải ai cũng biết xuất xứ của các sản phẩm ấy là từ làng gốm cổ Thanh Hà cách đó vài cây số, đã tồn tại 500 năm bên con sông Thu Bồn thơ mộng. Sách Đại Nam nhất thống chí thời nhà Nguyễn đã ghi danh nơi này vào hàng “thổ sản quốc gia”...

Hành trình năm thế kỷ của đất

Xứ Quảng có câu ca: Thân em như gốm Thanh Hà - Như chiếu Bàn Thạch trải đà khắp nơi, chỉ nghe qua cũng hình dung được mức độ phổ biến, sự phát triển rực rỡ của gốm Thanh Hà trong lịch sử.

Cụ Nguyễn Thị Được (sinh năm 1923), nghệ nhân cao tuổi nhất làng, vừa chuốt gốm không hề ngơi tay, vừa kể chuyện bằng giọng nói ngắt quãng, run run vì tuổi tác, nhưng không giấu nổi sự tự hào: “Mệ biết làm gốm từ năm 13 tuổi, cả đời sống với gốm. Gốm Thanh Hà đi khắp nước mình, rồi khách nước ngoài mua cũng nhiều lắm. Gốm ni để cả trăm năm không nứt, không rã, là cả một công trình bằng đất, nước và lửa đó con”. Bà cụ gần 95 tuổi khiến người đối diện kinh ngạc lẫn thán phục vì sự dẻo dai, minh mẫn. Trên một chiếc bàn xoay gốm đơn sơ, đôi bàn tay nhăn nheo, lấm lem của người phụ nữ gốc Quảng Nam khéo léo vê miếng đất sét thành hình thuôn dài, rồi thoăn thoắt nắn, vuốt thành chiếc bình hoa điệu đà và cân xứng hoàn hảo chỉ sau chừng năm phút đồng hồ, trước khi đưa vào lò nung. Xưởng gốm nhà bà Được là một trong số các xưởng gốm của 25 hộ gia đình với vài trăm nhân công còn giữ nghề gốm ở Thanh Hà.

 Bàn tay nghệ nhân tài hoa của làng gốm Thanh Hà. Ảnh: hoianfoodtour.com

Xưa kia, Thanh Hà có thời gian có cả nghìn người làm gốm. Sử sách đã ghi lại rằng, đầu thế kỷ 16, nghề gốm hình thành ở đây theo chân những di dân vùng Thanh Hóa, Nam Định vào nam để lập nghiệp. Bấy giờ làng tên là Nam Diêu (có nghĩa là “làng gốm ở phía nam”), nay thuộc phường Thanh Hà, TP Hội An. Vốn tinh xảo và bền chắc, lại tồn tại cùng với thời kỳ thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An, cho nên tiếng tăm gốm Thanh Hà vang xa, các sản phẩm từ một vùng quê nhỏ nhanh chóng được gánh gồng đi khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi lên tàu biển vượt đại dương đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha… Khi các chúa Nguyễn chọn Phú Xuân làm thủ phủ Đàng Trong, rồi sau này là kinh đô Huế của triều Nguyễn, nhiều nghệ nhân Thanh Hà được gọi ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề xây dựng cung điện, đền đài. Không ít người được phong quan, làm rạng danh làng nghề xứ Quảng.

Trải qua năm thế kỷ, đến nay gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất: tạo hình bằng bàn xoay và tay, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống. Công phu khó mà tả hết! Mấy năm nay, nguồn đất sét khan hiếm dần, người làng phải lên tận Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc mua đất với giá từ 700 đến 800 nghìn đồng/ghe. Đất mang về được nhặt bỏ sạch tạp chất, đập nhỏ, rưới nước rồi ủ với cát mịn. Đủ độ sẽ được người thợ mang nặn thành sản phẩm, phơi nắng một ngày, rồi trang trí hoa văn, cuối cùng mới đưa vào lò nung.

Một điều đặc biệt nữa là gốm Thanh Hà có nhiều sắc độ mầu khác nhau như vàng đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen... mà không cần đến bất kỳ hóa chất nào, chỉ dựa vào kinh nghiệm của người làm gốm khi pha trộn đất và sử dụng nhiệt độ. Mỗi sản phẩm gốm không còn chỉ là khối đất vô tri, mà đã chứa đựng rất nhiều tri thức, cũng như biết bao suy tư và buồn vui của nhiều thế hệ. Thanh Hà giống như một “bảo tàng” sống, một nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền của Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, gốm Thanh Hà cũng đối mặt với những biến đổi và nguy cơ mai một dần. Không gian của làng quê xưa nay vẫn còn, nhưng cái thuở nhà nhà dùng gốm đã qua, do có nhiều vật dụng bằng chất liệu mới thay thế. Nghề gốm đòi hỏi công sức và thời gian trong khi thu nhập chỉ trung bình, cho nên người trẻ làng gốm không mấy ai mặn mà nối nghiệp cha ông…

Hiện nay làng Thanh Hà chỉ còn lại ba nghệ nhân nắm giữ kỹ thuật làm gốm sành chuẩn mực và tinh tế, thì đều đã ở độ tuổi ngoài 80. Đáng mừng là họ đều còn sức khỏe và tình yêu với nghề, vẫn duy trì làm gốm và tranh thủ truyền dạy cho các thế hệ sau. Đó là ông Nguyễn Lành, bà Nguyễn Thị Chiến, bà Nguyễn Thị Được. Ông Lành bảo, ngày nào không động đến gốm là thấy thiếu, thấy nhớ, kiếm được trăm nghìn đồng từ gốm chẳng dễ dàng gì nhưng ông không thể đành lòng nhìn nghề gốm thưa vắng rồi mất đi…

Giữ nghề gốm cổ

Cũng may, dù trải qua nhiều thăng trầm, nghề gốm Thanh Hà vẫn chưa rơi vào quên lãng, nhờ có những tấm lòng tâm huyết với từng tấc đất quê hương. Trước đây, trong làng đan xen cả sản xuất gạch ngói và đồ gốm, tuy nhiên, từ năm 2012 chỉ còn tập trung vào giữ nghề gốm, vừa để bảo vệ môi trường cảnh quan, vừa chuyển hướng dần sang phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái bền vững. Cùng làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà tạo thành một vành đai làng nghề bao quanh đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

Thanh Hà hôm nay đã là làng nghề - làng du lịch được TP Hội An quy hoạch và quản lý tương đối quy củ. Vé tham quan làng sau khi bán ra được trích lại khoảng 40% cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, đầu tư cho con người, 60% do phường chi trực tiếp cho nghệ nhân - người lao động phục vụ du lịch và bảo vệ môi trường. Nỗi trăn trở của các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà về thế hệ kế nghiệp giờ đã vơi đi phần nào khi đã có những người trẻ cũng yêu và gắn bó với nghề gốm, tạo nên những sản phẩm mới lạ, ấn tượng.

Những nồi đất được chuốt, nặm theo đơn đặt hàng từ nhiều vùng trên cả nước đang được phơi khô trước khi đưa vào lò nung. 

Có thể kể đến Công viên gốm Thanh Hà do kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên - một người con của làng - thiết kế, được đánh giá là kho tư liệu gốm lớn và “độc” nhất cả nước hiện nay. Được tạo thành hoàn toàn bởi gạch và gốm Thanh Hà, công viên trưng bày hàng nghìn sản phẩm đa dạng, đặc trưng và thường xuyên tổ chức triển lãm, đón tiếp các nghệ sĩ, du khách yêu thích nghệ thuật tạo hình đến từ nhiều quốc gia. Hoặc rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 8x, 9x trong làng, sau khi đi học hoặc lập nghiệp nơi khác cũng đã trở về quê hương mang theo những dự án “làm mới” gốm, sáng tạo thêm sản phẩm gốm mỹ nghệ (trang trí nội thất, công viên, khu nghỉ dưỡng…) và gốm lưu niệm (như đèn lồng, mặt nạ, tranh gốm…) bên cạnh dòng gốm truyền thống (nồi niêu, chum vại, cốc chén, bình hoa…).

Và kể cả người từ nơi khác đến cũng dốc lòng tìm cách giữ nghề, mở rộng nghề, như anh Đỗ Ngọc Thi Ca, người sáng lập Công ty gốm sứ mỹ nghệ Sông Hoài. Chàng trai Hà Nội đem lòng yêu đất, yêu người xứ Quảng đã dành tới 10 năm nghiên cứu, khôi phục gốm Thanh Hà, tìm hướng đi và thị trường cho làng gốm. Cơ sở của anh hiện có nhiều phòng trưng bày ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, cung cấp các sản phẩm gốm thường xuyên cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng theo phong cách dân dã, đậm đà bản sắc thôn quê Việt Nam…

Không nằm ngoài quy luật của thị trường, làng gốm cần đa dạng hóa sản phẩm để hút khách nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi bản sắc của mình. Gốm Thanh Hà nay đã có nhiều mầu sắc, mẫu mã, nhưng cơ bản vẫn tuân thủ quy trình chọn lọc và pha trộn nguyên liệu truyền thống. Những kỹ thuật mới hơn như điêu khắc, vẽ, tô mầu… cũng đều được làm thủ công. Do đó, gốm của làng luôn có vẻ ngoài thô mộc nhưng rất “thật”, rất bền chắc. Mặc dù tại các quầy hàng lưu niệm ở Hội An đã xuất hiện nhiều sản phẩm sản xuất hàng loạt đưa từ nơi khác đến, nhưng chỉ cần khách tinh ý một chút là nhận ra ngay, và sự lựa chọn vẫn luôn dành cho gốm Thanh Hà.

Chỉ trừ mùa mưa lũ (tháng 10, 11 âm lịch), nước sông dâng cao, lò nung đành tắt, còn lại thì thời điểm nào trong năm Thanh Hà cũng có khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm nghề gốm. Gốm treo trên cây, dọc hàng rào, men lối đi. Khách chỉ cần bước vào một hộ làm gốm bất kỳ, sẽ được tận mắt chứng kiến và hướng dẫn tham gia làm gốm ở công đoạn nào mình thích, rồi chờ nung và mang về. Sản phẩm làm ra có thể chưa “chuẩn”, nhưng chắc chắn sẽ là kỷ niệm khó quên trong chuyến đi.

Những ngày vừa qua, làng gốm Thanh Hà hòa chung không khí đông vui, náo nức cùng cả tỉnh chào đón Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017, diễn ra từ ngày 9 đến 14-6 với sự tham gia của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Khách đến thăm làng đông hơn, và sản phẩm gốm Thanh Hà thì được sử dụng, trưng bày trong rất nhiều hoạt động. Sắp tới, vào ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch, người dân làng gốm Thanh Hà sẽ lại trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ nghề tại khu miếu Nam Diêu nhằm tri ân công đức tổ tiên đã gây dựng, truyền nghề cho con cháu. Phần lễ với rước kiệu Tổ nghề gốm được bảo tồn gần như nguyên vẹn hàng trăm năm qua. Phần hội với các trò chơi dân gian như thi chuốt gốm, tạo mẫu, nặn tò he, nấu cơm niêu, đập nồi, kéo co... hằng năm đều thu hút đông đảo người dân và du khách.

Dẫu thời thế có nhiều đổi thay, nhưng dân làng gốm Thanh Hà vẫn bảo “còn đất sét là còn có đất sống”. Đất nuôi sống họ, cho con cái họ ăn học thành tài, cho cái tên Thanh Hà được người đời biết đến. Sau này, gốm có được cách tân đến đâu thì cũng cần lưu giữ lại cái nghề đất sét bàn xoay dù cũ kỹ nhưng đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của vùng đất di sản Hội An. Để những tấm lòng của các nghệ nhân như ông Lành, bà Được bà Chiến… không phải trở thành “những người muôn năm cũ”, để câu dân ca xứ Quảng không quá xa lạ với hậu thế: Lửa chi lửa rực sáng lòa/Nghề gốm, nghề gạch Thanh Hà là đây.

Hoàng Mỹ Hạnh/ Báo Nhân Dân Điện tử

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/hon-gom-xu-quang-20171211093031152.htm



  Các Tin khác
  + 7 điều tuyệt diệu khiến bạn luôn tự hào khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam (11/08/2024)
  + Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/07/2024)
  + Ai là người đặt tên đất nước ta là Việt Nam: Ý nghĩa là gì? (30/06/2024)
  + Hình ảnh thiêng liêng lễ diễu binh ở Thị trấn Trường Sa (08/06/2024)
  + Trường Sa luôn đặc biệt từ những điều nhỏ nhất (26/05/2024)
  + Thế trận Đường Trường Sơn góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch mùa Xuân 1975 (18/05/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
  + Khám phá 22 hang động kỳ vĩ mới được phát hiện tại Quảng Bình (19/04/2024)
  + 18 đời vua Hùng gồm những ai? Tên gọi chính xác của các vị vua là gì? (17/04/2024)
  + Ảnh ấn tượng về các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (05/04/2024)
  + 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Phan Văn Giang: Vũ khí cá nhân mới của quân đội tốt hơn AK47 (05/04/2024)
  + Chiêm ngưỡng sắc đỏ của cây hoa gạo trăm tuổi "đẹp nhất" Ninh Bình (03/04/2024)
  + Hoa gạo rực đỏ bên ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi ở Hà Nội (23/03/2024)
  + Những bông hoa y tế vùng cao và chuyện băng rừng trong đêm đi đỡ đẻ (06/03/2024)
  + Kỷ niệm 80 ngày thành lập QĐNDVN: Sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế và mít tinh cấp Nhà nước (26/01/2024)
  + MŨI NÉ VÀO TOP ĐIỂM BAY KHINH KHÍ CẦU ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI (02/04/2023)
  + Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: (12/03/2023)
  + Hàng nghìn người khai hội gò Đống Đa xuân Quý Mão (26/01/2023)
  + Hiệp định Paris - thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh to lớn của quân dân Việt Nam (17/01/2023)
  + Cánh đồng Tà Pạ đẹp lạ như phim, dân mạng đang “phát sốt” tìm xem ở tỉnh nào của miền Tây (23/12/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65177604

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July