Lá cách có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu cho ra những món độc đáo, khó quên
|
Đơn giản và dễ tính
Lá cách mọc tự nhiên không cần phân bón hay chăm sóc kỹ lưỡng vẫn tươi tốt, xanh ươm ngày qua ngày. Mỗi khi ăn chỉ cần ra cây lựa lá non mà hái, rửa sạch là có ngay món đi kèm thay rau ngon lành.
Lá cách đơn giản và dễ tính như cách nó tồn tại, có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu cho ra những món vô cùng độc đáo. Đó có thể là những món đơn giản như cá tôm bắt từ sông về mang rửa sạch đem lên bếp kho với lửa liu riu rồi ăn kèm lá cách non có màu xanh nhạt bùi bùi, đậm vị.
Cầu kỳ hơn tí là lá cách cuốn với mắm chốt hay sặc, rắc ít dừa nạo để tạo vị lạ nhưng đậm đà khó tả. Ngoài ra, có thể thay mắm bằng một cái bánh xèo nóng hổi vừa mới chiên xong, dùng lá cách bản to cuộn lại, vị béo của bánh xèo kết hợp cùng cái đăng đắng đặc trưng trong lá rất dễ làm người ta ghiền và nhắc hoài mỗi khi ăn một loại rau nào khác thay thế.
Thay cho lá giang của miền Bắc, người miền Tây dùng lá cách để nấu canh cùng ếch hoặc gà cho bất cứ mùa nào trong năm. Xào sơ gà hay ếch đã sơ chế để chúng thấm đều và thơm lừng lên, cho nước vào đun sôi, cắt lá cách trộn chung, đảo đều, nêm nếm vừa miệng là có ngay tô canh ngon mát, thanh thanh, kích thích vị giác đến khó tả.
Nhắc đến lá cách, tôi lại nhớ những buổi chiều mưa cuối tuần khi cha cùng các chú lai rai món xáo lá cách (một dạng xào khô). Cha thường xáo cùng ếch vừa soi đêm trước đó. Lá cách xắt nhỏ, sau khi xào ếch đã ướp vừa chín tới, cha cho lá cách vào, đảo đều rồi nhấc xuống là có ngay món “chuẩn” chiều mưa.
Món ngon chưa thử
Ngoài những món tôi từng ăn và biết thì cha vẫn hay gọi điện thoại từ quê nhà kể rằng mọi người hôm nay ăn món lá cách xúc rắn xào sả ớt hay món lươn um lá cách. Tất cả đều là những nguyên liệu bình dị mà thiên nhiên ban phát cho đồng ruộng. Mùi hăng của lá cách hòa quyện cùng rắn hay lươn ngay lập tức làm chúng chẳng còn tanh hay khó ăn nữa. Từ việc chọn những con lươn đồng ngon nhất, ướp gia vị cùng sả ớt, để thấm, sau đó cho tất cả vào nồi đã được lót sẵn lá cách rồi phủ tiếp lên mặt lươn một lớp lá nữa, cho nước dừa vào nấu đến khi nước sắc lại, lươn chín cho tiếp nước cốt dừa vào, rắc đậu phộng lên là ăn. Chưa tính đến việc được ăn, chỉ nghe kể thôi nước bọt tôi đã ứa ra theo lời cha nói.
Riêng món rắn xào sả ớt thì đơn giản hơn, lựa chọn những con rắn to, làm thật sạch rồi băm nhuyễn cùng sả ớt, sau đó trộn gia vị cho vừa ăn nhất. Bắc chảo nóng cho dầu và tỏi vào phi thơm, kế đến là rắn đã ướp cho vào xào vừa chín tới, nhấc ra khỏi bếp và bỏ từng phần nhỏ vào những chiếc lá cách trên đĩa là có ngay món ngon không chê vào đâu được.
Thật ra kể nhiều món ăn với lá cách như vậy để thấy rằng dù là rau dại nhưng nó là điểm nhớ để khơi lại thời của những món ăn dân dã, bình dị mà đậm tình quê hương, đặc biệt là với những ai xa quê mỗi lần có dịp lại nhớ đến “da diết”.
(Theo Ngọc Lương/Thanh Niên)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/den-mien-tay-an-ngay-la-cach-20171129145905709.htm