Theo những người gắn bó lâu năm với nghề làm bánh khọt, nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ bánh căn của vùng Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa.
Bánh khọt Vũng Tàu
|
Khi người dân di cư vào vùng đất mới đã đem theo món ăn truyền thống của cha ông rồi dần thay đổi cách làm, hương vị cho phù hợp với nguồn nguyên liệu, phong vị của người bản địa. Còn cái tên bánh “khọt”, theo giải thích của nhiều người là do khi đổ bánh, để lóc bánh ra khỏi khuôn, người ta phải dùng muỗng khẩy lên, khi muỗng va chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu “khọt khọt”, tên gọi của bánh cũng bắt đầu từ đấy. Nhưng cũng có cách lý giải tên bánh theo một ý nghĩa khác. Đó là ngày xưa, những người nghèo, cơ cực, không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị mà chỉ ăn loại bánh làm toàn bằng bột chứ không có thịt thà gì. Vì vậy, người ta đặt tên cho loại bánh ấy là “khộp”, nghĩa là nghèo khổ (theo từ cổ). Lâu dần, cái tên “khộp” ấy được đọc trại thành “khọt”.
Trước đây, món ăn này chủ yếu được các bà, các mẹ làm vào những ngày nghỉ, các dịp gia đình sum họp tạo không khí quây quần, vui tươi, đầm ấm vì mọi người cùng giúp nhau xay bột, nhặt rau, đổ bánh… sau đó thưởng thức hương vị món ăn để nhớ về quê hương bản xứ. Thời gian lâu dần, món ăn ấy không còn là riêng của những người dân xứ Nam Trung bộ mà trở thành món ăn chung được cư dân bản địa ưa thích. Dần dà, quá trình phát triển du lịch mạnh mẽ của thành phố Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi giúp bánh khọt đến dần với du khách và trở thành món ăn danh tiếng của địa phương. Đến bây giờ, chẳng ai còn nhớ thời điểm cũng như nhân vật đầu tiên đưa bánh khọt đến Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng những tên như bánh khọt Gốc Vú Sữa, Cây Sung, Cô Ba Vũng Tàu, cô Hai… trở thành điểm hẹn ẩm thực hàng ngày của người dân địa phương và du khách thập phương mỗi khi đến với phố biển.
Vỏ bánh được làm từ hỗn hợp bột gạo, trứng gà, nước cốt dừa. Nhân bánh khá đa dạng có thể là sò điệp, tôm tươi, thịt bằm, chả cá, nhưng ưa chuộng nhất vẫn là tôm tươi. Vì là món ăn dân giã nên cách làm bánh khọt cũng khá đơn giản: Gạo đem ngâm nước khoảng 2-3 tiếng cho hơi mềm, sau đó đem xay, ủ qua đêm, khi chế biến hòa bột gạo với nước cốt dừa, trứng gà, hành lá xắt nhỏ, bột nghệ... Khuôn bánh khọt bắc lên bếp cho nóng, tráng một lớp dầu mỏng rồi đổ bột vào đợi bánh gần chín cho tôm lên trên mặt bánh, đậy nắp khuôn lại và đợi đến khi bánh chín cho một ít dầu vào để dễ lấy bánh khỏi khuôn.
Công thức chung như thế nhưng để tạo dấu ấn riêng hấp dẫn khách hàng, mỗi quán đều có bí quyết riêng trong khâu pha chế, sáng tạo nhân và trang trí làm đẹp chiếc bánh. Ngoài món bánh khọt được đổ theo cách truyền thống sử dụng nguyên liệu chính từ gạo, để thay đổi khẩu vị, màu sắc cho bánh nhiều hàng quán cải tiến cách làm bánh, có bánh đậu xanh, bánh chay, nhân cũng đủ loại theo sở thích của khách hàng. Bánh khọt ngon phải là những chiếc bánh vừa giòn vừa dai, vị béo của bột gạo, nước dừa và gạch tôm hòa quyện, vàng ruộm và thơm lừng, được ăn kèm với nước chấm và các loại rau sống. Nhiều người cho rằng, nước chấm và các loại rau sống ăn kèm góp 50% giúp miếng bánh khọt thêm ngon miệng. Đặc biệt, trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm được hết sức chú trọng, có quán bánh khọt còn trang bị máy rửa rau sạch công nghệ ozon, giúp rau luôn tươi ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ngày nay, đến thành phố Vũng Tàu, du khách dễ dàng tìm thấy món bánh khọt từ quán cóc bình dân đến nhà hàng cao cấp. Tuy nhiên, dù quán ăn bình dân hay nhà hàng sang trọng thì người làm bánh khọt vẫn giữ cách làm cũng như hương vị đặc trưng riêng để rồi một lần nếm thử sẽ thật khó quên và lòng sẽ hẹn lòng lần sau trở lại Vũng Tàu phải tìm đến thưởng thức món ăn đạt kỷ lục châu Á của phố biển.
(Theo Trường Lân/ baria-vungtau)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/banh-khot-vung-tau-20171017095613618.htm