Một thời, đồ rèn Hiền Lương vang vọng khắp cả nước, tiếng tăm lừng lẫy bốn phương từ trong Nam đến ngoài Bắc. Trong thời đại công nghiệp phát triển, nghề rèn Hiền Lương đang cố gắng tìm một hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một.
Làng rèn Hiền Lương được công nhận là Làng nghề truyền thống
của tỉnh Thừa Thiên – Huế
|
Làng rèn Hiền Lương thời hưng thịnh
Làng Hiền Lương xưa kia có tên là Hoa Lang, là một trong 59 ngôi làng cổ trên 500 tuổi, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa xưa. Trước khi có nghề rèn, dân làng chỉ sống dựa vào thửa ruộng. Thời Lê Trung Hưng, khi Nguyễn Hoàng vào khai khẩn trấn Thuận Hóa, huyện Đan Điền đổi thành huyện Quảng Điền. Thời Gia Long ghép huyện Quảng Điền vào dinh Quảng Đức là đất kinh kỳ. Năm 1822, Vua Minh Mạng đổi dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên. Thời Vua Minh Mạng (1820 – 1840), khi chỉnh lại địa giới hành chính, lập địa bộ, vì tránh chữ húy (tên vợ chính của Vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa), nên đổi thành làng Hiền Lương – cũng có ý nói vùng đất sản sinh nhân tài.
Nhớ những ngày thuở còn sơ khai, người dân chỉ có thể cày ruộng kiếm ăn, đào giếng để uống nước, người người đều dựa vào nghề nông mà sống. Đến đầu thế kỉ 17, một nhóm người mới đến nhập cư vào làng, trong đó có một vị biết nghề rèn, chuyên rèn các dụng cụ sản xuất nông nghiệp. Ngày ấy, do nhu cầu khai hoang khẩn đất, xây dựng làng xã, chống chọi với tai ương, thú dữ, người làng Hiền Lương đã tìm đến xin học nghề rèn. Từ đấy, làng Hiền Lương được nhiều người biết đến với nghề rèn và trở thành làng rèn nổi tiếng xứ Thuận Hóa. Nghề rèn trở thành kế sinh nhai không chỉ của người trong làng mà còn lan ra các vùng lân cận, vào đến các tỉnh phía Nam.
Nhớ ơn vị Tổ sư và các bậc tiền nhân đã dày công truyền dạy nghề rèn cho dân làng, vào cuối thế kỷ 18, dân làng đã xây một ngôi nhà tranh, rước thần chủ vị Tổ sư nghề rèn vào thờ, sau này ngôi nhà tranh ấy đã trở thành Tổ đình nghề rèn Hiền Lương.
Khởi đầu là một làng quê nông nghiệp nghèo, chẳng bao lâu, dân làng Hiền Lương trở nên giàu có, đem nghề rèn đóng góp nhiều lợi ích cho xây dựng, bảo vệ bờ cõi và phát triển đất nước.
Theo sử sách ghi lại, dưới triều Tây Sơn, thợ rèn Hiền Lương đã tham gia quân đội phụ trách rèn gươm giáo cho quân sĩ, trong đó, một người thợ họ Hoàng đã được chọn để rèn vũ khí cho chủ soái Nguyễn Huệ. Đến thời Vua Nguyễn, nghề rèn càng được triều đình trọng vọng, như Trần Văn Đắc – một thợ rèn đã ghi công trong việc đào tạo thợ thuyền cho triều đình, được Vua Minh Mạng và Vua Tự Đức ban cấp cho nhiều sắc bằng. Đặc biệt, ngài Hoàng Văn Lịch được xem là “người chế tạo tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên tại Việt Nam” khi ông theo lệnh của Vua Minh Mạng, trực tiếp chỉ huy chế tạo thành công 3 tàu chạy bằng hơi nước có tên Yên Phi, Vân Phi và Vụ Phi. Theo Hương phổ của làng, ngài còn chế tạo ra một loại gươm rất sắc bén, dẫu cây to một ôm cũng chém một nhát là đứt ngay và loại súng bắn bằng hơi thay vì bằng thuốc thông thường. Do công lao đóng góp to lớn, ngài được Vua Minh Mạng thụ phong tước Hầu, là một việc hiếm thấy.
Vào cuối thế kỉ 19, theo Chiếu Cần Vương, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã trở thành đội ngũ chủ chốt mở lò rèn sản xuất vũ khí chống Pháp. Đến đầu thế kỉ 20, thợ rèn Hiền Lương trở thành những thầy dạy nghề rèn và cơ khí tại trường Bá Công – Bách nghệ kỹ thuật thực hành đầu tiên của Việt Nam được lập tại Huế dưới triều Vua Thành Thái. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con dân Hiền Lương làm cách mạng, đem nghề phục vụ kháng chiến cứu quốc trong ngành quân giới, súng đạn, hỏa xa. Từ thợ rèn đi làm cách mạng, về sau, họ trở thành những tướng lĩnh, cán bộ trung và cao cấp của Đảng, quân đội, Nhà nước.
Rồi trong công cuộc đổi mới đất nước, đi khắp làng, nhà nào cũng có lò rèn riêng, ngày đêm đỏ lửa, những vị khách phương xa như các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều phải lặn lội đến đây đặt hàng trước hàng tháng trời mới làm kịp. Thanh niên trai tráng trong làng thời gian đó ai ai cũng học nghề rèn. Rất nhiều người làng Hiền Lương đã được phong “Nghệ nhân Bàn tay vàng” nhờ có kỹ thuật rèn – cơ khí tinh xảo, có công trong bảo tồn và phát trển nghề truyền thống.
Các sản phẩm của nghệ nhân Làng rèn Hiền Lương
|
Hành trình khôi phục nghề rèn Hiền Lương
Trong thời đại cách mạng công nghiệp bùng nổ như vài năm trở lại đây, làng nghề hơn 500 tuổi này đang “thoi thóp” đứng trước nguy cơ thất truyền do sức ép cạnh tranh thị trường với các sản phẩm được sản xuất bằng máy móc công nghiệp. Việc làm các đồ rèn bằng thủ công vừa mất thời gian, mất sức, có khi mất cả buổi chỉ làm được 1, 2 sản phẩm, nếu giá quá rẻ thì không có lời, mà cao thì chẳng ai mua. Thu nhập từ nghề rèn không được bao nhiêu, thợ rèn trong làng chẳng đủ kinh tế để lo cuộc sống, nhiều người vì “cơm áo gạo tiền” mà đành phải từ bỏ nghề cha ông để lại kiếm kế sinh nhai bằng nghề khác.
Trai tráng trong làng cũng chẳng mấy ai thiết tha giữ gìn nghề tổ tiên, người thì đi học xa xứ, người thì xa quê kiếm sống. Thanh niên trong làng đã ít, người sẵn sàng học nghề rèn truyền thống lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, nhiều lò rèn đã đành ngậm ngùi “tắt lửa” vì chẳng có ai hy sinh thắp nó lên. Cả làng chỉ còn lác đác vài hộ còn giữ nghề, mà người làm thì cũng chỉ là các cụ ông quyết sống chết với nghề tổ tông. Để một người thợ rèn chế tạo một sản phẩm rèn đạt chất lượng, thông thường người đó sẽ được đào tạo và rèn luyện trong 4 năm – một quãng thời gian không hề ngắn, trong khi đó có nghề trong tay cũng không chắc đảm bảo nghề giúp mình đủ sống.
Không đành lòng nhìn bao công sức của tổ tiên trong làng suốt hàng thế kỉ bị uổng phí, những nghệ nhân trong làng dù đã cao tuổi nhưng vẫn cố gắng tìm người nguyện kế nhiệm cái “nghề” ông cha. Trong làng, nếu bất cứ ai sẵn lòng học nghề rèn sẽ được cả làng trọng vọng, kính nể. Đây là cách người dân trong làng nghĩ ra để khuyến khích thanh niên trai tráng trong làng cố gắng gìn giữ lấy nghề truyền thống của làng.
Cụ Nguyễn Hứa – một nghệ nhân gắn bó với nghề rèn
|
Công cuộc bảo tồn và gìn giữ nghề rèn Hiền Lương cũng được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm đặc biệt. Tháng 7/2016, Làng nghề Hiền Lương đã long trọng tổ chức đón bằng công nhận làng nghề truyền thống của UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế. Được công nhận làng nghề truyền thống chính là bước tiến dài trên con đường khôi phục làng rèn hưng thịnh năm nào, giúp Hiền Lương không chỉ làm sống dậy nghề rèn mà còn mở ra lối đi mới cho việc phát triển kinh tế của vùng, đó chính là phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Khách du lịch ngày càng đến làng rèn nhiều hơn khi họ tham quan Huế. Các gia đình nghề rèn trong làng vừa sản xuất, vừa biến xưởng thành một địa chỉ tham quan du lịch và chính các nghệ nhân là thuyết minh viên giới thiệu về làng. Điều này giúp thợ rèn của làng không chỉ trang trải đủ cuộc sống hàng ngày mà còn tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Không những vậy, làng luôn cử đại diện tham gia Festival Làng nghề truyền thống của Huế để quảng bá rộng rãi hơn nghề của làng.
Giờ đây, Làng rèn Hiền Lương không chỉ được biết là làng nghề rèn truyền thống lâu đời mà còn trở thành một địa chỉ du lịch thú vị và độc đáo. Đây là một hướng đi mới cho sự phát triển của làng nghề truyền thống Việt Nam.
Minh Ngọc (Tổng hợp)