Lá lốt là nguyên liệu không thể thiếu khi chế biến các món ăn từ măng tre
|
Ngày trước, quê tôi trồng măng rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng có. Nhiều người ở vùng ven sông trồng măng để giữ đất, chống sạt lở. Còn người dân quê tôi trồng măng trước hết để lấy tre nguyên liệu phục vụ cho nghề đan từng nổi tiếng một thời. Tre còn được trồng để làm hàng rào ngăn cách giữa các khu vườn. Đi khắp xóm làng, đâu đâu cũng thấy tre.
Thường ngày, mỗi khi quét sân hay lá mục, bà tôi gom thành đống đổ vào bụi tre. Chính lớp rác hữu cơ này là chất dinh dưỡng nuôi tre lớn lên từng ngày. Khi những cơn mưa giông đầu mùa thấm đất vào tầm tháng tư đến tháng 7 Âm lịch, những lùm tre lại sinh ra những búp măng tròn lũm, bụ bẫm.
Có những ngày mưa, măng tre như một thực phẩm chính mộc mạc, giản dị, cứu lấy những hôm thiếu thốn. Nội tôi thường tìm cắt những mụt măng tươi dài tầm 20- 30 cm chế biến thành nhiều món ngon. Trong những món măng nội nấu, thích nhất là món canh măng nấu lá lốt với gạo. Chỉ vài nguyên liệu đơn giản là vậy nhưng khi kết hợp với nhau lại làm lên những bữa ăn trôi cơm khó quên.
Măng sau khi cắt về ăn liền là ngon nhất nếu không thớ măng sẽ già và xơ, để lâu ngày măng còn bị thối. Tuy nhiên trước khi chế biến thành món ngon, vẫn phải qua khâu sơ chế kỹ lưỡng. Đầu tiên, nội sẽ lẹ tay lột hết phần vỏ, để lại phần ruột trắng non tơ. Bà dùng dao xắt khoanh tròn ở đầu búp măng rồi thái nhỏ. Sau đó, bà sẽ băm dọc thân để từng thớ măng rớt thành cọng xuống rổ.
Xong xuôi, bà cho măng vào ngâm trong nước muối trong 5-10 phút. Trong khoảng thời gian này, nội tranh thủ nấu nước sôi để luộc sơ cho bớt đắng, lọc bớt chất độc trong măng. Bà chạy ra ngoài mé giếng cắt nắm lá lốt- một nguyên liệu không thể thiếu khi chế biến các món ăn từ măng.
Măng luộc xong vớt ra cho ráo nước và vắt thật khô. Bà dùng dầu đậu phộng khử hành tỏi rồi đổ nước lọc vào đun sôi cùng nắm gạo. Khi nồi nước gạo đã nở, bà sẽ cho hỗn hợp măng đã vắt, nắm lá lốt vào. Chỉ cần nêm thêm ít bột ngọt, muối khi nồi canh sôi trở lại là có thể múc ra tô thưởng thức. Nhà tôi hồi đó ai cũng ăn cay nên thường bỏ thêm vài ớt trái xắt mỏng.
Cái ngon của nồi canh măng được cả nhà đánh giá cao vì nước trong. Vị nhân nhẫn đăng đắng, hòa cùng mùi thơm của lá lốt, vị ngọt của gạo, vị cay nồng hòa vào nhau taọ nên một hương vị rất riêng. Mỗi người ăn được một bát là muốn ăn thêm cho đến khi no chứ không biết ngán.
Một bát canh măng nấu lá lốt, thịt bò
|
Từ mùa măng tre, nội còn nấu được rất nhiều món khác như măng trộn với rau quế, đậu phộng, măng xào thịt, măng kho với cá, nhiều thì để dành bỏ mắm cá cơm. Món nào cũng ngon cả. Có những hôm ngoài trời mưa giông, ngồi trong nhà có bát cơm trắng ăn cùng mắm bỏ măng đã đượm nghĩa sum vầy, no đủ.
Mùa măng đã mang đến những bữa cơm ngon miệng no nê không tài nào quên được. Bây giờ, măng được trồng theo mô hình, có qui mô hơn với nhiều giống loài mang từ khắp nơi về. Tuy nhiên, muốn tìm được những mụt măng mang hương vị nhân nhẫn, đắng đặc trưng của loài tre gai, bạn vẫn có thể ghé đến các chợ chòm hỏm ở quê.
Từ sự chỉ dạy, hướng dẫn của nội, khi đã lớn tôi cũng có thể nấu được món này. Muốn ngon hơn, tôi còn cho thêm ít thịt bò. Tuy nhiên, hương vị giản dị từ tô canh măng tre nấu lá lốt với gạo năm xưa thật khó tìm lại. Để rồi, mỗi mùa mưa văng vẳng bên tai lại da diết nhớ cả một vùng trời ký ức về những mùa măng có nội.
(Theo G.Nghi/ Báo Quảng Ngãi)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ky-uc-nhung-mua-mang-tre-20170921165005095.htm