Nghệ nhân Lưu Xuân Lai
|
Ngọn lửa gia truyền
Gia đình ông có 3 đời làm Then, ông lớn lên trong làn điệu mượt mà của hát Then và đàn tính. Năm 1965, khi hơn 20 tuổi, ông lên đường nhập ngũ và trở thành người chiến sỹ vận tải. Trên khắp các nẻo đường ra trận, làn điệu Then và đàn tính đã đi theo ông, thủy chung và bền bỉ, như tình yêu quê hương, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày.
Năm 1989, ông phục viên, trở về với quê hương. Đây là thời điểm ông có nhiều thời gian và dành tâm sức của mình cho hát Then và đàn tính. Ông theo cha đi làm Then, học hỏi nhiều hơn, sâu hơn về hát Then, đàn tính nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống từ cha mình.
Ông mày mò học từ cha, ông của mình và các nghệ nhân trong làng để làm nên cây đàn tính. Ông cũng là một trong số ít những nghệ nhân chế tác được cây đàn tính có hình thức và âm điệu đạt chuẩn. Để có được cây đàn tính như vậy, không chỉ có đôi bàn tay khéo léo mà phải là người nắm vững những làn điệu Then cổ, khả năng thẩm âm tốt.
Từ năm 2005, ông được các đoàn nghệ thuật cũng như du khách trong và ngoài tỉnh đặt làm hàng chục chiếc đàn tính. Ông làm đàn không phải để kinh doanh, mà vì niềm say mê và mong muốn gìn giữ và bảo tồn cũng như đưa những làn điệu hát Then của dân tộc mình đến với mọi người.
Ngay từ năm 1993, sau khi đạt giải cao nhất trong Hội diễn văn nghệ huyện Định Hóa, ông bắt đầu tham gia biểu diễn Then cổ trong các hội diễn văn nghệ truyền thống trong và ngoài tỉnh, từ Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng đến Cà Mau… Tâm huyết và tài năng của nghệ nhân đã được ghi nhận qua các thành tích như: Giải A trong Liên hoan sơn ca tỉnh Bắc Thái lần I (năm 1993), lần II (năm 1996) và hàng loạt giải B Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính toàn quốc các năm…
Tình yêu của nghệ nhân Lưu Xuân Lai là hát Then và đàn tính
|
Thắp lửa cho thế hệ
Ông là người đi nhiều, ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”, đôi chân ông đã đi đến nhiều nơi để thắp ngọn lửa đam mê làn điệu Then và giai điệu đàn tính. Mỗi chuyến đi, ông lại được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và sưu tầm thêm các làn điệu Then từ những nghệ nhân ở khắp nơi. Ông ghi chép lại những làn điệu Then và đã sưu tập được hàng chục làn điệu Then cổ, dịch từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông để dễ dàng phổ biến, truyền dạy. Ông cùng với 14 nghệ nhân của tỉnh giúp Nhà Văn hóa tỉnh ghi chép, thu thanh chọn lọc 15 làn điệu Then cổ cùng các “ngón đàn” điêu luyện để sưu tầm làm tài liệu lưu giữ.
Khoảng đầu những năm 2000, để gìn giữ vốn quý của cha ông, ông đã tự mình mở lớp dạy hát Then và đàn tính miễn phí cho các cháu nhỏ trong và ngoài xã. Những buổi đầu, lớp học của ông chỉ có hơn 10 cháu, nhưng sau ngày càng đông, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn theo học.
Cũng từ đây, ông đã thành lập CLB hát Then Phúc Chu để thuận lợi cho việc cùng học hỏi cũng như việc trao truyền cho thế hệ trẻ làn điệu Then và diễn tấu đàn tính.
Bắt đầu từ năm 2013, với chủ trương bảo tồn làn điệu Then và đàn tính, Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Định Hóa đã mời ông tham gia các lớp truyền dạy hát Then và đàn tính cho các thế hệ trẻ của huyện. Ông đã đi khắp các xã để truyền dạy vốn văn hóa quý báu của người Tày, từ hát Then, đàn tính đến lượn.
Từ tháng 2/2016 đến nay, ông được Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mời tham gia các hoạt động hàng ngày tại làng dân tộc Tày thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ông chia sẻ: “Tôi muốn gắn bó lâu dài với nếp nhà truyền thống của đồng bào tôi ở đây, được giới thiệu cho đông đảo du khách biết đến những nét văn hóa đặc sắc của người Tày và cũng để được học hỏi thêm từ các nghệ nhân các dân tộc”.
Du khách đến với làng Tày sẽ được đón tiếp nồng hậu, được nghe ông giới thiệu về nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của người Tày, được nghe ông hát những giai điệu Then ngọt ngào với ngón đàn tính điêu luyện và những công đoạn của việc chế tác cây đàn tính cũng như cách diễn tấu.
Tháng 11/2015, ông Lưu Xuân Lai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp của ông trong việc gìn giữ, bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc Tày. Với ông, đây không phải là mục tiêu cuối cùng mà bảo tồn, truyền dạy làn điệu Then và đàn tính mới là niềm vui, hạnh phúc và mục tiêu của mình.
Thu Loan/ langvietonline.vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/nguoi-giu-lua-then-tay-20170908101044692.htm