Đi tu là cơ hội tốt để con trai Khmer được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh
|
Đi tu để đáp đền ơn cha mẹ
Theo phong tục của người Khmer, con trai khi lên 12 – 13 tuổi, đều phải vào chùa để tu. Tùy theo nhân duyên, căn cơ và ý nguyện của từng người, họ có thể tu 3 tháng, một năm hay 1 tuần.
Sau thời gian tu hành, họ có thể xin ra khỏi chùa (xuất tu) trở lại cuộc sống đời thường bất cứ lúc nào. Họ có thể lập gia đình, làm ăn, tham gia các công việc xã hội; khi muốn lại có thể xin vào chùa tu một thời gian.
Hòa thượng Gen Thek Rô Chau Prô’s, trụ trì chùa Thon Măn Mích, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang, cho biết trước kia, khi đi tu, phải ở tối thiểu trong chùa 3 tháng. Ngày nay, tùy điều kiện mỗi người, thời gian tu hành có thể ngắn hoặc dài hơn.
“Phong tục, tập quán của dân tộc Khmer là cha mẹ rất quan tâm vấn đề tu hành. Tu để biết luật lệ của đạo Phật. Cha mẹ đưa đi học lúc 6 tuổi, tốt nghiệp lớp 12 hoặc đại học một thời gian, quay lại làm lễ xuất gia, vô tu. Được 1 năm cũng được, 3 tháng cũng được, 2 ngày cũng được, 3 ngày cũng được, 1 ngày cũng được. Tùy theo bản thân. Tu 2 ngày, 3 ngày cũng được phước”.
Anh Châu Si Thon, ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, cho hay: “Đi tu là để trả ơn, đáp nghĩa cho cha mẹ. Thứ hai là mình đi học để biết làm người, sau này để giúp được xã hội. Còn mình không vô tu, sau này làm chuyện tầm bậy”.
“Đi tu có “giá” hơn”!
Anh Châu Si Thon còn nói đi tu không chỉ được cộng đồng nhìn nhận, đánh giá cao, mà quan trọng hơn là được nhiều người chọn làm chồng. “Xuất tu về, người ta có học, có hiểu biết hơn người không đi tu. Có giá hơn”.
Còn anh Châu Sưn, ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cười bảo mình không đi tu, con gái không thương vì cho rằng mình là đứa con bất hiếu:
“Người đi tu có lợi lắm. Đi tu rồi con người hiền hậu, lễ phép, sửa sai lầm lỗi của mình trước nay. Con gái nó nói “nếu anh không tu là tôi không chịu thương anh đâu, tôi không chịu theo anh đâu vì anh chưa học đạo làm người, cho nên anh về anh cưỡng chế tôi, bạo lực tôi thì làm sao”.
Đi tu phải làm việc thiện
Khi xuất gia, các thanh niên phải cạo trọc đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một mảnh vải trắng quấn lên vai từ trái sang phải. Sau đó họ bắt đầu bước vào lễ nhập hạ 3 tháng.
Trong thời gian đó, họ phải thực hiện nhiều kiêng kỵ: không được đi qua đêm. Nếu qua đêm bên ngoài phải xin phép. Người đi tu phải luôn làm việc thiện, đi khất thực hoặc nhận đồ cúng dường của dân chúng.
“Nếu anh vì chuyện nào đó bực tức, lỡ giết chết 1 con vật thì anh cũng phải ra khỏi chùa; anh luyến ái với nữ anh cũng phải ra khỏi chùa luôn. Trong 3 tháng, cấm đi đâu xa, nếu đi đâu xa thì trước gà gáy phải về. Đi đâu phải có sự xin phép. Vi phạm sẽ mất danh tiếng dữ lắm, người ta khinh thường luôn” – anh Châu Sun căn dặn.
Sau kỳ tu hành, người thanh niên Khmer sẽ được xuất tu. Từ đây, họ chính thức được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, có đạo, có thể gánh vác được những trọng trách lớn lao.
Lâm Thanh (VOV4)