Lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ
|
Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kỹ. Lễ cấp sắc 12 đèn diễn ra với nhiều bước:
Mở đầu là lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay (từ lúc vào làm lễ cho đến khi kết thúc lễ tất cả những người được cấp sắc cũng như người đến dự đều phải ăn chay), bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… Sau đó, các thầy đem lễ ra ngoài sân gọi Ngọc Hoàng bằng tiếng tù và để thông báo cho Ngọc Hoàng biết bắt đầu vào lễ chính cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó là lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò với yêu cầu làm thầy thì phải có tâm, có đức thì con cháu mới có phúc có lộc.
Điều đặc biệt trong lễ cấp sắc của người Dao đỏ là phải mời đủ 12 thầy cúng có uy tín làm lễ. Trong suốt quá trình làm lễ, các thầy cúng và học trò liên tục tiến hành các nghi lễ theo đúng phong tục truyền lại.
Một vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ cấp sắc là đèn. Đèn dùng trong lễ cấp sắc là sự thể hiện vị trí cao thấp khác nhau của những người được cấp sắc sau khi thụ lễ. Đèn được sử dụng với dụng ý soi sang cho tâm hồn và tẩy rửa tất cả các tội lỗi, để người được cấp sắc trong sạch. Sau nghi thức đặt đèn các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc.
Nghi lễ quan trọng trong lễ cấp sắc là nghi thức cấp bằng. Bằng do thầy cúng phát cho là một bản sắc bằng chữ Nôm, trong đó ghi lai lịch cá nhân, lý do cấp sắc, những điều giáo huấn và tên tuổi những thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho người thụ lễ. Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời một người đàn ông Dao Đỏ. Sau khi thầy cúng làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc, một bản sẽ được đốt sau khi thầy cúng đã trình báo với các thần linh, tổ tiên, còn một bản giao cho người thụ lễ.
Sau khi đã xong mọi nghi lễ, mọi người mới mở tiệc ăn mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ cấp sắc 12 đèn.
Nghi lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ là di sản văn hóa phi vật thể mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc… Đây là nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Dao cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lê Loan (Làng Việt Online)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghi-le-cap-sac-12-den-cua-nguoi-dao-do-20170208170634590.htm