Cây đàn giản dị nhưng không dễ làm
Nguyên vật liệu chính để làm nên cây đàn Xi Xa Lo là từ cây nứa, nhưng để làm nên cây đàn chuẩn thì khâu chọn nứa vô cùng kỳ công. Theo nghệ nhân Vi Dân Thuyền, người dân tộc Thái hiện đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam chia sẻ: Nếu nứa quá già thì dễ vỡ mà non quá thì dễ bị héo, chọn nứa phải đúng độ vừa tầm, người nghệ nhân phải có kinh nghiệm lâu năm mới có thể chọn được. Khi chọn được nứa chuẩn thì khâu tiếp theo là phơi ngoài nắng hoặc cho nứa phơi trên gác bếp giúp nứa khô. Thời gian phơi nứa tốt nhất là khoảng một tháng. Đây cũng chính là thời gian thử thách lần hai với những ống nứa để làm thân đàn, bởi nếu chưa chuẩn qua thời gian để gác bếp có thể lại bị vỡ, bị héo không làm đàn được.
Khoảng ba tháng sau nứa được lấy xuống rồi đem bóc vỏ, kỹ thuật bóc vỏ nứa là khó nhất vì đó là khâu quyết định âm thanh của tiếng đàn. Tước mỏng thì đàn dễ vỡ, mà tước dày thì đàn không kêu. Tước vỏ nứa xong người nghệ nhân sẽ lấy dui làm khóa và căng dây đàn. Trước kia đàn Xi Xa Lo có hai dây làm bằng tơ tằm hoặc vải thổ cẩm Thái. Ngày nay ngoài việc sử dụng dây bằng kim loại sắt, người ta còn bổ sung thêm dây thứ ba cùng chất liệu. Cung kéo làm từ một thanh tre mỏng, có chiều dài khoảng 45 cm, rộng khoảng 1 cm. Dây cung được làm từ sợi cước, nhưng để giai điệu êm ái, mượt mà thì dùng vật liệu đuôi ngựa là tốt hơn cả.
Tiếng đàn tình, tiếng đàn vui
Là một trong những nhạc cụ xuất hiện khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Thái. Xi Xa Lo ngoài dùng để độc tấu còn có thể sử dụng hòa tấu hoặc đệm cho các bài hát trong ngày vui như hội làng, lễ hội… Người Thái không bao giờ sử dụng đàn Xi Xa Lo trong tang ma, đi cùng với đàn Xi Xa Lo thường là kèn bè và đàn tính. Bộ ba nhạc cụ này đã làm nên âm hưởng rộn ràng cho những điệu nhảy sạp, múa xòe Thái cuốn hút, say đắm lòng người.
Nghệ nhân Vi Dân Thuyền chia sẻ, cùng với cây đàn Xi Xa Lo của mình ông đã tham dự rất nhiều hội diễn văn nghệ tại địa phương thậm chí là ở cả cấp tỉnh như: Hội diễn “Tiếng hát làng Sen” và “Tiếng hát dân ca các dân tộc thiểu số” của tỉnh Nghệ An. Và đặc biệt là qua tiếng đàn mà ông đã tìm được một nửa yêu thương của cuộc đời là người vợ bây giờ, người bạn đời gắn bó suốt gần 30 năm nay. Ánh mắt vui của ông bỗng trùng lại, ông kể bây giờ rất ít thanh niên biết sử dụng và chế tác đàn Xi Xa Lo. Xã hội hiện đại người ta như quên mất gốc xưa. Trăn trở của ông Thuyền cũng là nỗi niềm của những người yêu văn hóa dân tộc như tôi. Hy vọng rằng với chính sách tôn vinh và bảo tồn văn hóa truyền thống của Đảng và Nhà nước, những người nghệ nhân như ông Thuyền và tiếng đàn Xi Xa Lo sẽ được bảo tồn và còn mãi ngân vang như một biểu tượng tự hào của nền văn hóa Thái đậm sắc màu dân tộc.
Nguyễn Như Quỳnh (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/ngay-ngat-tieng-dan-xi-xa-lo-20170110162637920.htm