Trang phục và đạo cụ của thầy cúng
|
Bảo tồn về trang phục
Trong vòng xoáy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc hay cộng đồng tộc người đang có sự biến đổi mạnh mẽ do quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Để bắt kịp với sự phát triển đó thì trang phục của các dân tộc cũng đã thay đổi rất nhiều và dân tộc Thái cũng vậy. Trước đây họ mặc quần áo bằng vải tự dệt, tự may, mặc quần xẻ đũng rộng, mặc váy nhưng ngày nay tất cả trang phục đã được thay thế bằng âu phục của cả nam và nữ.
Duy nhất Thầy cúng là người giữ được trang phục truyền thống. Trong tang ma, Thầy cúng mặc áo trắng bên trong, áo đen bên ngoài (xửa đăm ăm xửa đón), quần tối màu và đầu đội mũ (mũ màu đỏ được ghép từ những mảnh vải nhỏ có trang trí hoa văn), thắt lưng bằng vải khít (thổ cẩm) màu đỏ hoặc là một dải vải dài 2 mét màu đỏ. Tất cả đều là vải của vợ hoặc con gái thầy cúng dệt, thêu và cắt may.
Trong đám tang, Thầy cúng mà không mặc trang phục như vậy thì “lực lượng siêu nhiên”, sẽ không nhập được vào và không thực hiện được các nghi lễ trong đám tang và người chết sẽ không được lên với tổ tiên. Bộ trang phục của Thầy cúng có ý nghĩa là xua đuổi những ma quỷ đến làm hại linh hồn của người chết, vì ma quỷ sợ màu đỏ, Thầy cúng phải đội mũ màu đỏ thêu những hình hài như dao, kiếm để tránh ma quỷ nhập vào làm hại bản thân Thầy cúng.
Bảo tồn về chữ viết
Người Thái là một trong số rất ít các dân tộc thiểu số ở nước ta có chữ viết từ lâu đời, họ đã sử dụng chữ viết củ riêng mình để ghi chép lại những sinh hoạt hàng ngày, những bài hát, những tập thơ. Chữ Thái cổ là chữ mà không được dùng phổ biến trong xã hội Thái và người biết viết chữ Thái rất ít chỉ có các Phìa, Tạo và con cháu của họ trong xã hội xưa mới được học.
Nhưng ngày nay chỉ còn rất ít số người biết viết và đọc chữ Thái, đặc biệt là lớp trẻ không còn biết về chữ Thái cổ nữa chỉ còn duy nhất Thầy cúng là người còn biết và đọc được chữ Thái cổ, bởi những bài khấn, bài cúng… được viết bằng chữ Thái. Thầy cúng là người có vai trò cực kì quan trọng đối với việc giữ gìn, bảo tồn chữ viết của dân tộc.
Bảo tồn về ngôn ngữ
Cũng như tất cả các dân tộc trên đất nước ta, người Thái ngày nay chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ không còn biết nói tiếng dân tộc mình nữa.
Qua tang ma mà giới trẻ có thể tiếp xúc ngôn ngữ của chính dân tộc mình, Thầy cúng thực hiện tất cả các nghi lễ bằng tiếng Thái, bởi người cố quá theo quan niệm của người Thái để về với tổ tiên cần người dẫn đường và người dẫn đó phải am hiểu, biết tiếng dân tộc và người đó không ai khác ngoài Thầy cúng.
Tiếng Thái hầu như chỉ những người già sử dụng là nhiều, giới trẻ không biết nói tiếng dân tộc và cũng không muốn nói nữa bởi có một số bạn nghĩ rằng nói tiếng dân tộc là sẽ bị người khác khinh thường bị cho là người dân tộc lạc hậu nên họ không thích dùng tiếng nói của chính dân tộc mình nữa.
Chính vì vậy, Thầy cúng là người có thể giữ gìn và truyền dạy tiếng Thái cho các thế hệ sau. Bởi Thầy cúng là người có tiếng nói, được mọi người tôn trọng, kính nể nên có thể dạy được tiếng Thái cho thế hệ con cháu.
Bảo tồn về tri thức dân gian
Tri thức dân gian là sự hiểu biết về môi trường tự nhiên (địa lý, thời tiết, khí hậu…); tri thức về con người (bản thân): y học dân gian và dưỡng sinh dân gian; tri thức ứng xử xã hội (ứng xử cá nhân và ứng xử cộng đồng); tri thức sản xuất (kỹ thuật và công cụ sản xuất) của một cá nhân.
Và Thầy cúng là người có sự hiểu biết đó, qua những nghi thức, nghi lễ trong đám tang, Thầy cúng là người cho thấy rõ mối quan hệ giữa người sống và người chết, thứ bậc và trách nhiệm của họ trong gia đình.
Việc thực hiện nghiêm ngặt nghi thức và trách nhiệm của mỗi người trong tang lễ giúp tạo nên thói quen tuân thủ chế định của cộng đồng và thực hiện đúng vị thế, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình và xã hội.
Chính vì vậy Thầy cúng là người có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tri thức dân gian của dân tộc mình.
Bảo tồn về văn hóa dân gian
Dân tộc Thái là một dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhưng ngày càng bị mai một dần, để giữ được nhũng nét văn hóa đó cần có người am hiểu, truyền đạt lại cho các thế hệ sau để được gìn giữ và phát huy.
Thầy cúng là người có vai trò quan trọng nhất trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó, điều đó được thể hiện qua tang ma của dân tộc Thái.
Tang lễ của người Thái trắng bản Pom Míu là kho văn hóa dân gian sống động, một mặt phản ánh tâm thức dân gian của người dân nơi này, mặt khác lưu trữ và truyền bá các làn điệu dân ca quý giá.Các nghi thức, nghi lễ thực hiện trong tang ma đều được thực hiện bằng những bài dân ca theo điệu “hảy xán”.
Điệu “hảy xán”, kể về tiểu sử người chết từ lúc trong bụng mẹ đến lúc sơ sinh, quá trình lớn lên sinh sống và làm ăn, quá trình ốm đau và mời thầy thuốc về để cúng, chữa bệnh nhưng không khỏi và chết đi nên phải mời Thầy cúng về để đưa người chết lên trời.
Điệu “hảy xán”, tức là bài khóc điếu, tiễn đưa hồn, là bài dân ca được Thầy cúng đọc trong tang ma. “hảy xán”, không chỉ là bài khóc điếu của Thầy cúng đọc trong tang ma mà nó còn là một tác phẩm văn học dân gian Thái, mang tính lịch sử và mang tính văn học.
Về tính văn học trong điệu hảy xán đó là không chỉ đơn thuần là lời khóc tiếc thương mà còn là một loại hinh dân ca, thơ của dân tộc có vần có điệu đầy đủ, có mở đầu và có kết thúc câu chuyện.
Minh Vy (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/vai-tro-cua-thay-cung-trong-viec-bao-ton-van-hoa-nguoi-thai-20170110162051443.htm