Sản phẩm của làng nghề đan lát Đà Lam
|
Bề dày truyền thống
Nghề thủ công đan lát có kỹ thuật cơ bản, giản đơn nhưng với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của mình người Việt Nam đã tạo ra nhiều sản phẩm làm giàu thêm cho kỹ thuật đan cải, đồng thời cũng tạo ra sự phong phú, đa dạng của các chủng loại đan.
Đà Lam là một làng nghề mới phát triển mạnh trong thời kỳ đất nước đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng làng nghề đan lát Đà Lam đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của nghề đan nước ta. Trong những năm gần đây, do có các chính sách mở cửa và khuyến khích phát triển các làng nghề thủ công của Đảng và Nhà nước, nghề đan lát Đà Lam đã phát triển mạnh, không chỉ tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động mà còn thu hút được nhiều lao động từ các vùng, các xã lân cận khác. Nghề đan lát Đà Lam đã làm cho nhiều gia đình trở nên giàu có, bộ mặt kinh tế xã hội của làng xóm có nhiều thay đổi đáng mừng.
Đà Lam là một làng có tên gọi nôm na là làng Bột Đà, là một thôn của xã Phật Kệ, trước là phủ lị của Phủ Anh Đô cho đến cuối thế kỷ XIX, sách Đồng Khánh địa dư viết: Phủ Anh Sơn ở phía tây thành tỉnh. Phủ kiêm lí 2 huyện Lương Sơn, Nam Đường, thống hạt 3 huyện: Thanh Chương, Hưng Nguyên, Chân Lộc. Phủ lị đặt ở thôn Bột Đà, xã Phật Kệ, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, nay là làng Đà Lam, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Làng Đà Lam nằm trên bờ đê tả mạn của dòng sông Lam, là một vùng bãi phì nhiêu, quanh năm lúa ngô xanh tốt. Được đánh giá là khá lớn với số dân là 795 nhân khẩu. Với diện tich đất tự nhiên là 85,67 ha, trong đó 53,12 ha dùng cho đất nông nghiệp, còn lại là đất chuyên dụng, ao hồ và các loại đất khác. Nói đến Đà Lam nhiều người biết đến nơi đây có đền Bụt Đà thờ đức Thánh Thiên Giám, là quê hương của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Trị, người ta còn biết đến một vốn quý của Đà Lam đó là nghề đan lát truyền thống của cha ông để lại.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Có thể nói, nghề đan lát đã đem lại cuộc sống ổn định cho người dân Đà Lam. Sự phát triển của làng nghề đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho dân làng. Đến với Đà Lam hôm nay, hẳn rằng nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy đường làng đã được bê tông hóa rộng rãi ngay từ cổng chính của làng đi vào cho đến những con đường nhỏ dẫn vào các ngõ trong làng, nhà cao tầng, nhà cấp 3, cấp 4 mọc lên san sát, ôtô, xe máy tấp nập chở hàng vào ra, những sân phơi đầy mây, tre, nứa rồi lom khom dưới những lán trại không biết bao nhiêu người thợ đang vung vồ đập nứa, tiếng kêu bôm bốp vui tai như minh chứng cho một làng nghề thủ công đang trên đà phát triển thịnh vượng.
Làng nghề đan lát Đà Lam đã chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của địa phương vững vàng hơn những làng nông nghiệp thuần túy đúng như câu tục ngữ “Ruộng tứ bề không bằng nghề trong tay”. Từ sau những năm 1990 đến nay thì nghề đan Đà Lam đã tỏ rõ vị trí của mình và trở thành một nghề chính. Những con số thống kê của địa phương cho thấy nghề đan luôn cho thu nhập gần như là gấp đôi so với nghề nông nghiệp. Bình quân thu nhập của người làm nghề đan năm 2010 là 1.400000 - 1.600000 đồng/tháng như vậy trung bình một năm người dân Đà Lam sẽ có thu nhập là 16 - gần 20 triệu đồng, trong khi đó một tạ thóc làm ra chỉ bán được với giá từ 6 - 700.000đ/tạ thóc.
Như vậy “nhờ có nghề đan lát mà làng Đà Lam đã thay đổi hoàn toàn đáng kể, thu nhập của từng gia đình được nâng lên rõ rệt, làng nghề đã giải quyết rất nhiều công ăn việc làm cho người dân. Cuộc sống của nhân dân trong làng được chuyển biến, đã xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo. Cuộc sống của người dân không chỉ là cơm ăn áo mặc mà đã tiến đến ăn ngon, mặc đẹp” theo báo cáo công tác phát triển CN – TTCN xã Đà Sơn năm 2015. Hầu hết các gia đình làng nghề đan lát Đà Lam đều đã sắm được các đồ dùng đắt tiền như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, xe máy, xe ga các loại… Đối với nền kinh tế xã hội, nghề đan Đà Lam không chỉ giải quyết công ăn việc làm hàng trăm người mà hàng năm còn sản xuất ra nhiều các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh, thu lợi nhuận đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với sự phát triển của làng nghề, tiềm năng về lao động và những chủ doanh nghiệp, cơ sở năng động, đặc biêt là những chính sách ưu tiên phát triển làng nghề của Đảng và Nhà nước ta hiện nay thì làng nghề đan lát Đà Lam không thiếu điều kiện để phát triển và khẳng định vị trí của mình trong nghề thủ công đan lát Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay làng nghề Đà Lam cũng đang phải đối mặt với những thách thức về sự thiếu nguồn nguyên liệu, không ổn định, chất lượng sản phẩm, vấn đề đào tạo đội ngũ thợ, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề…Chính vì vậy để có thể phát huy tiềm năng dồi dào của mình, làng nghề đan lát Đà Lam cần có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong chính sách phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng, vốn, đào tạo nghề, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân, thợ giỏi, phát triển du lịch làng nghề và giảm thiểu ô nhiễm môi trường lang nghề… có làm tốt được những điều đó thì làng nghề đan lát Đà Lam mới có thể phát triển một cách bền vững lâu dài.
Minh Hoàng (Làng Việt)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/lang-nghe-dan-lat-da-lam-20161129110301911.htm